Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dùng đủ mọi cách để loại bỏ những lá cờ cầu nguyện ở Tây Tạng, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là bài trừ nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
Cờ cầu nguyện là một trong những đặc trưng văn hóa Tây Tạng, nó xuất hiện ở hầu hết khắp mọi nơi tại khu vực này như trên những mái nhà, trên các ngọn núi, tại thánh địa, tu viện,vv. Chúng được tin rằng có thể xua đuổi tà ác và là một phần của tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng.
Ra sức xóa bỏ cờ Tây Tạng
Chính quyền Bắc Kinh gọi chiến lược phá hủy những lá cờ là một công cuộc “cải cách hành vi”.
Tháng 3/2020, chiến lược này bắt đầu với “sự tham gia” của khoảng 5.900 tu sĩ từ 66 tu viện. Các quan chức chính phủ triệu tập người dân Tây Tạng, yêu cầu họ tháo bỏ những lá cờ nhằm “làm sạch” cảnh quan môi trường. Kế hoạch này được giao cho lực lượng cảnh sát địa phương chủ trì. Không chỉ những lá cờ cầu nguyện bị xé nát, ngay cả những trụ cột treo cờ cũng đang bị gỡ bỏ.
“Đây là một hành động khinh miệt, coi thường phong tục và đức tin của người Tây Tạng. Nhìn chung, chính quyền Trung Quốc luôn cam kết sẽ bài trừ bất kỳ hành vi nào của người Tây Tạng, mà họ cho rằng gây tổn hại năng suất của người dân và ảnh hưởng xấu đến sinh kế của họ. Vì thế, chính quyền giờ đây đã ra lệnh xóa bỏ truyền thống treo cờ cầu nguyện khắp mọi nơi của người dân Tây Tạng, chỉ đạo các quan chức địa phương, người đứng đầu các tu viện, chính quyền có liên quan ở cấp huyện và thị trấn thi hành chỉ thị”, một nguồn tin chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia).
Hơn 6.000 tài liệu, thông tin công khai tuyên truyền của ĐCSTQ đã được chuyển đến Châu tự trị dân tộc Tạng Golog – khu vực bị thi hành lệnh bài trừ cờ cầu nguyện quy mô lớn nhất đến hiện nay. Chính quyền Bắc Kinh sẽ sớm mở rộng dự án đến từng ngóc ngách tại Tây Tạng. Sau một vài năm, đảm bảo nơi đây không còn bất kỳ một lá cờ cầu nguyện nào nữa.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt đầu tăng cường hạn chế, và giám sát Tây Tạng trong những tháng gần đây. Người Tây Tạng lưu vong báo cáo rằng, họ không thể liên lạc với một số người thân tại Tây Tạng nữa, do tình hình đàn áp liên lạc tại nơi đây đang ngày một nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng tại thị trấn Dharamsala – Ấn Độ, năm 2020, lực lượng cảnh sát Trung Quốc đã tăng cường giám sát các ngôi làng, cùng tu viện Tây Tạng, nhằm xác định và xử lý mọi ý kiến phản đối sự can thiệp của Trung Quốc Đại lục tại khu tự trị. Các cuộc biểu tình chính trị đã bị đàn áp thông qua công tác giám sát kỹ thuật số, và nhận diện khuôn mặt.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng, khi Đạt-lai Lạt-ma đương nhiệm qua đời, họ sẽ bổ nhiệm một nhà lãnh đạo mới phù hợp với hệ tư tưởng cộng sản. Chính quyền Mỹ đã chỉ trích động thái này, và vào tháng 1/2020 đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng với số phiếu áp đảo.
Đạo luật công nhận Đạt-lai Lạt-ma và cộng đồng Phật giáo Tây Tạng là đối tượng duy nhất có quyền quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo khu vực trong tương lai.
Đặc trưng của những lá cờ cầu nguyện Tây Tạng
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, lá cờ cầu nguyện đầu tiên được chính Tất-đạt-đa Cồ-đàm (tức Phật Thích Ca Mâu Ni) sử dụng. Màu cờ ứng với những yếu tố mà chúng đại diện. Sắc xanh tượng trưng cho bầu trời, sắc vàng là màu đất, sắc xanh lá cây tượng trưng cho nước, sắc đỏ tượng trưng cho lửa và sắc trắng là không khí.
5 màu sắc trên kết hợp cùng nhau và là biểu tượng cho sự cân bằng. Có một quan niệm sai lầm rằng, những lá cờ sẽ đưa các chân ngôn in trên đó đến Phật. Nhưng trên thực tế, các chân ngôn trên lá cờ được cho là để lan truyền thiện chí và điều tốt lành.
Hầu hết người dân Tây Tạng sẽ cố gắng treo những lá cờ cầu nguyện cao nhất có thể, để chúng được tung bay trong gió. Điều này đến từ quan niệm rằng không bao giờ được để những lá cờ đứng tĩnh, vì nếu chúng không tung bay thì thông điệp về tâm linh sẽ không thể lan tỏa ra xung quanh.
Vì vậy, việc đặt cờ cầu nguyện xuống mặt đất bị coi là hành vi báng bổ. Màu cờ bị phai đi sẽ được xem là điềm tốt, vì nó biểu thị những lời cầu nguyện đã được gió cuốn bay đi.
Việt Anh (Theo Vision Times)