Theo James Gorrie, tác giả và nhà diễn thuyết sống tại Nam California, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn nhất kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông. Dưới đây là những phân tích chi tiết của ông về quan điểm này.
2019: Một năm không mấy tốt đẹp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc
Nếu nói Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cảm thấy bị dồn vào chân tường thì hơi quá. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không cảm thấy áp lực với những vấn đề đang phải đối diện. 12 tháng qua là chuỗi ngày đầy thách thức đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ.
Không thể phủ nhận Trung Quốc, đặc biệt là ban lãnh đạo ĐCSTQ, đã có một năm rất khó khăn. Có lẽ điều tồi tệ nhất là nhiều vấn đề của Trung Quốc đáng ra không phải trở thành những thách thức lớn mà họ phải đối mặt như hiện giờ. Một số vụ việc là do họ tự gây ra và vốn hoàn toàn có thể tránh được. Trong khi, nhiều vấn đề khác lại đến từ chính việc xử lý không cân nhắc kỹ càng.
Dịch tả lợn Châu Phi, Huawei và mâu thuẫn của chiến lược “Made in China 2025”
Khi chiến tranh thương mại bùng nổ, Trung Quốc quyết định áp thuế trả đũa đối với thịt lợn Mỹ và nhập khẩu thịt lợn từ Nga. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi bùng phát khắp Trung Quốc, thể hiện một bước đi đầy sai lầm của ban lãnh đạo. Sau đó, trong một lần nhận lỗi hiếm hoi, Đảng đã thừa nhận không hành động nhanh chóng và ngăn chặn sự bùng phát, khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn dự đoán, đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm trên toàn thế giới.
Những thất bại thảm khốc trong chính sách này đã khiến Trung Quốc mất một nửa số lượng lợn vào năm 2019. Các tình trạng như thiếu lương thực trầm trọng, khó khăn và giá lương thực tăng vọt đều quy về trách nhiệm của ban lãnh đạo ĐCSTQ.
Trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Made in China 2025” là hoàn toàn không cần thiết.
Được biết, “Made in China 2025” là một nỗ lực để chuyển dịch nền sản xuất của Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị. Các mục tiêu bao gồm việc tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng yếu lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Theo hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), đây là một mói đe dọa thực sự đến vị thế dẫn đầu nền công nghệ của Mỹ.
Theo đó, tuyên bố cho rằng mình sẽ trở thành trung tâm sản xuất và phát triển công nghệ của thế giới bằng khoản tiền từ các đối tác thương mại lớn chỉ thể hiện sự thiếu chín chắn, bốc đồng và dại khờ của Trung Quốc. Tuy nhiên cuối cùng, các nhà lãnh đạo Đảng lại ngạc nhiên trước sự thất bại có thể đoán trước của chiến lược này.
Hơn nữa, việc hứa hẹn sẽ lật đổ hoàn toàn nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với chính các quốc gia đã giúp Trung Quốc trở nên giàu có. Điểm đó đã được nhấn mạnh qua những tiết lộ của vụ bê bối phần mềm gián điệp Huawei ở Ba Lan, Canada, các nước Bắc Âu và ở Mỹ. Điều đó đã thể hiện rõ chính sách của Trung Quốc với âm mưu trộm cắp sở hữu trí tuệ và công nghệ, chống lại phần còn lại của thế giới ở quy mô công nghiệp.
Việc làm này đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc của Tổng thống Trump. Bắc Kinh đã phải trả giá cho những gì họ làm.
Gây xáo trộn tình hình Hồng Kông
Tiếp đó, Bắc Kinh đã đưa ra dự luật dẫn độ đối với người Hồng Kông. Một lần nữa, Trung Quốc lại thể hiện một hành động kiêu ngạo khác mà không cân nhắc, tính toàn đến hậu quả sẽ nhận phải.
Khi các cuộc biểu tình lần đầu xuất hiện vào tháng 6/2019, ban lãnh đạo ĐCSTQ đáng lẽ phải hiểu rằng sự hiện diện của 3 triệu người trên khắp đường phố Hồng Kông sẽ khiến dự luật dẫn độ phải trả giá rất đắt. Nhưng thay vào đó, Bắc Kinh lại tiếp tục hành động sai lầm. Nếu dự luật được rút lại ngay tức khắc thì những người biểu tình đã có được chiến thắng, ăn mừng trên khắp các con phố trong 2 ngày cuối tuần, sau đó lại tiếp tục cuộc sống của họ.
Cách xử lý thiếu tính toán của Bắc Kinh đã khiến tòa án quốc tế phải vào cuộc, cũng như gây sụt giảm doanh thu và tổn hại uy tín cho trung tâm tài chính hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên tính đến hiện tại, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vẫn không dừng lại và có khả năng sẽ kéo dài một thời gian nữa.
ĐCSTQ đã mất đi ưu thế và tự hạ thấp khả năng lãnh đạo của mình. Điều tồi tệ hơn, họ đã dại dột châm ngòi cho “sự can thiệp của nước ngoài” vào Hồng Kông, điều mà ĐCSTQ vẫn tuyên truyền với công dân của mình trong nhiều thập kỷ. Và điều đó đã thực sự xảy ra khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố việc Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ.
Do thất bại trong việc xử lý sớm tình hình Hồng Kông, Bắc Kinh đã trao cho Tổng thống Trump cơ hội mà ông vốn không bao giờ có được. Tình trạng này càng kéo dài thì dường như càng tệ hại hơn cho ban lãnh đạo ĐCSTQ. Điều khá rõ ràng là những quyết định không sáng suốt, những sai lầm tự rước lấy này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến ĐCSTQ từ cốt lõi.
Rắc rối nhân đôi khi đối đầu với Mỹ
Trên thực tế, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung phần lớn đã được giải quyết trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng Hồng Kông. Hồi tháng 5, Tổng thống Trump từng công bố một thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc đã cắt xén và không tôn trọng vị tổng thống Mỹ khi rút khỏi các điều khoản đã thỏa thuận trước đó.
Một lần nữa, điều đó cũng không hề khôn ngoan hay hữu ích cho Trung Quốc. Đó không chỉ là sai lầm của lãnh đạo Đảng về cách đạt được lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc, mà còn là sai lầm rất lớn trong việc phán đoán tính cách và hành động của Tổng thống Trump.
Việc không thể thừa nhận sự khác biệt cơ bản giữa Tổng thống Trump và những người tiền nhiệm đã khiến cuộc chiến thương mại trầm trọng hơn, thay vì nhìn ra hướng giải quyết rõ ràng trước mắt. Lãnh đạo ĐCSTQ đáng lẽ đã có một cơ hội để hàn gắn mối quan hệ với Mỹ trong thỏa thuận tháng 5, nhưng họ đã khước từ nó.
Phản ứng của Trump trước hành động từ bỏ đàm phán của Trung Quốc rất nhanh gọn. Ông lập tức tăng thuế, hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào các công nghệ chính và ký lệnh hành pháp cấm vận Huawei cùng các nhà cung cấp mạng khác của Trung Quốc vì mối đe dọa an ninh quốc gia. Như vậy, cơ hội duy nhất để hàn gắn cuộc chiến thương mại đã mất và không có lợi thế nào dành cho Trung Quốc.
Tình hình Trung Quốc hiện tại đang tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái.
Giờ đây, có một câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu Trung Quốc có trở nên hung hăng hơn vào năm 2020 không? Liệu năm sau, thế giới có chứng kiến một Trung Quốc khoe mẽ sức mạnh quân sự để đáp lại những thách thức đang ngày một tăng và sự thất bại trong khả năng lãnh đạo?
Liệu quốc gia này còn tự chuốc thêm sai lầm và không màng hậu quả? Hay Đảng sẽ đánh giá lại quá trình vừa qua để ra quyết định và tìm cách giải quyết các vấn đề trên cơ sở hợp lý hơn?
Năm sau sẽ là một năm then chốt dành cho Trung Quốc!
Tác giả: James Gorrie
Huy Hoàng biên dịch