Tinh Hoa

ĐBQH Lê Thanh Vân gửi kiến nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải

Ngày 13/5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân xác nhận đã gửi kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội (QH) xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.

Ông Nguyễn Hòa Bình (trái) và ông Nguyễn Trí Tuệ tại phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải. (Ảnh: TTXVN)

Theo bản kiến nghị, Đại biểu Vân cho rằng phiên tòa Giám đốc thẩm xét xử vụ án Bưu điện Cầu Voi có nhiều dấu hiệu “không phù hợp với pháp luật”.

Được biết trước đó đã có ít nhất ba ĐBQH nêu đồng ý kiến cho rằng cần thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của QH cho vụ án này. Các đại biểu đặt nghi ngờ về tính công minh, thiên vị, vô tư của Hội đồng thẩm phán và tính định kiến tư pháp vào ghế thẩm phán.

Cũng theo bản kiến nghị. ĐBQH Lê Thanh Vân đưa ra hai hình thức giám sát. Một là giám sát tối cao của QH, bằng cách tổ chức một phiên chất vấn và trả lời chất vấn riêng của QH đối với Chánh án TAND tối cao.

Hai là, có thể căn cứ vào điều 404 của bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu HĐTP Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án đã tuyên, khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại phiên tòa, hoặc phát hiện những tình tiết mới mà HĐTP chưa biết. Trùng hợp là, luật sư Trần Hồng Phong mới đây cũng đã cung cấp thêm bằng chứng và tình tiết mới trong vụ án.

Luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải cùng ký đơn cung cấp chứng cứ ngoại phạm mới của Hồ Duy Hải. (Ảnh: Phan Thương)

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, địa vị pháp lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khác với Ủy ban Tư pháp hay Viện kiểm sát tối cao. Trong khi hai chủ thể này chỉ có thể đưa ra kiến nghị, và HĐTP có quyền đánh giá tính hợp pháp của kiến nghị này để đưa ra khả năng bác bỏ hay chấp nhận nó. Như tại phiên Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, HĐTP đã biểu quyết bác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuy nhiên quyết định của UBTVQH sẽ buộc HĐTP phải xem xét lại nội dung vụ án. Đối với khả năng này, Phó chánh án TAND tối cao cũng trả lời: “vụ án này bị UBTVQH yêu cầu phải xem xét lại, thì cả HĐTP chúng tôi lại ngồi xem xét một lần nữa”.

Ông cũng cho rằng việc 17 thẩm phán đã biểu quyết y án trước đó lại thực hiện xét lại như vậy là không vi phạm tố tụng bởi quy định đặc biệt của Giám đốc thẩm. Đồng thời, ông phủ nhận mọi cáo buộc và nghi ngờ của dư luận, cũng như các ĐBQH.

Từ Thức (t/h)