Tinh Hoa

ĐBQH: Đề xuất không cho để xe ở trong hầm chung cư, khách sạn

Trước những vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các chung cư gần đây, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị không cho để xe ở trong hầm chung cư, khách sạn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. (Ảnh: Quốc hội)

Ngày 13/11, tại Quốc hội đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị sửa Luật Xây dựng để không cho các chung cư cao tầng hoặc khách sạn dùng tầng hầm làm nơi để xe.

Theo đại biểu Phương, mỗi xe đều có thùng xăng nên việc đậu ô tô, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.

“Nếu phun nước vào thì xăng nổi lên, xăng vẫn cháy. Khi cháy thì không những nguy hiểm đến tính mạng, tài sản mà nguy hiểm là nhà cao tầng 50, 70 tầng, cháy thì các trụ sẽ bị nóng, bị ảnh hưởng, chắc chắn rất khó để đảm bảo an toàn của chung cư, khách sạn đó”, Phương nhận xét.

Theo ông, trong tương lai, các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm.

Đại biểu Phương nói “Tôi đề nghị Quốc hội xem xét, sửa Luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm. Cơ quan nhà nước thì có chấp nhận được vì ít (xe), chứ còn các khu chung cư thì phải có một khu vực đậu xe riêng và khu vực này có thể cũng là cao tầng”.

Trước đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói rằng Bộ này đang nghiên cứu. “Chúng tôi hiện nay đang nghiên cứu xem có sử dụng tầng hầm làm chỗ đỗ xe nữa hay không? Điều này cũng sẽ có những nghiên cứu”.

Tán thành với đề nghị của ĐB Phương, ông Thạch Phước Bình đại biểu Trà Vinh cho hay, nhiều tầng hầm chung cư là nơi lắp đặt bốt điện, tản nhiệt, điều hoà… Nếu chập điện thì hàng trăm xe máy, ô tô chứa xăng có nguy cơ bị cháy, nổ. Trong khi không ít chung cư chưa được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có nhưng người dân không biết sử dụng

Đại biểu Thạch Phước Bình. (Ảnh: Quốc hội)

Giải pháp được ông Bình nêu ra là trong quá trình xây dựng các chung cư cao tầng, chủ đầu tư và cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Người dân sinh sống ở đây phải được phổ biến, tập huấn về phòng, chữa cháy từ những việc đơn giản nhất như dùng ổ điện đúng cách, sắp xếp đồ dùng, hàng hoá đảm bảo có lối thoát nạn…

Trả lời ĐB Bình, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, nhiều quy định về phòng cháy, chữa cháy ở lĩnh vực xây dựng đã lạc hậu với quá trình phát triển đô thị. Ông nêu dẫn chứng, hiện các toà nhà cao hơn 150 m chưa có quy định cụ thể về phòng cháy, chữa cháy. “Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế trên và sẽ làm hết sức mình để khắc phục”, ông nói và cam kết thời gian tới Bộ sẽ bổ sung các quy định, quy chuẩn để phù hợp với thực tế.

Được biết, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 126 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 35 người, bị thương 92 người, thiệt hại về tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng. Trung bình 1 năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.

Hà My (t//h)