Cử tri Thành phố Đà Nẵng cho rằng mức thu thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) 4.000 đồng đối với 1 lít xăng như hiện nay là một con số rất lớn, do đó cần phải công khai cho người dân biết việc quản lý, sử dụng nguồn thu này.
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Tài chính, kể từ khi áp dụng thuế BVMT vào năm 2012, tổng số thu từ thuế này đã liên tục tăng ổn định qua các năm.
Kiến nghị công khai việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT
Còn kể từ ngày 1/1/2019, khi thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu.
Ước tính số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng so với năm cũ.
Trước thực tế nêu trên, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã thay mặt cử tri thành phố, gửi kiến nghị tới Ban Dân nguyện – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị công khai cho người dân biết việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT với xăng, dầu.
‘Việc quản lý, sử dụng thuế được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước’
Trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế BVMT được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.
Hiện nay, mặt hàng xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế BVMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012.
Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng hiện nay là 4.000 đồng/lít xăng.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng chi Ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016, bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào ngân sách nhà nước để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT (chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT, các khoản vay và viện trợ…) là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với số thu thuế BVMT thu được trong giai đoạn này.
Trong đó, tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng, gồm chi thường xuyên từ NSNN (NSTW và NSĐP) bố trí trực tiếp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (không quá 1% tổng chi NSNN) khoảng 52.420 tỷ đồng; chi các hoạt động kinh tế của NSTW khoảng 36.711 tỷ đồng (chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo,… bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường…)
Tổng chi đầu tư phát triển của NSTW khoảng 24.246 tỷ đồng.
Tổng chi từ dự phòng NSTW để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa… khoảng 18.480 tỷ đồng.
Ngoài ra còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững…
Vũ Tuấn (t/h)