Tinh Hoa

Dấu hiệu suy trị: Công An “ôm” luôn Giao thông, Giáo dục, Y tế vì quá nhiều tiêu cực?

Bộ Giao thông dưới thời ông Nguyễn Văn Thể đã dựa dẫm không nhỏ vào lực lượng công an. Từ việc nhờ vả giám sát gói thầu cao tốc Bắc Nam, đến việc chuyển quyền cấp Giấy phép lái xe, nay ông Thể lại đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông. Nguyên nhân cũng vì tiêu cực quá nhiều, không kiểm soát được. Đại biểu Quốc hội đành phải than thở: “Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn”

Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về hai dự án: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (mới) đã vấp phải nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Như Ý/ tienphong.vn)

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn, điều ông muốn nghe nhất là tại sao chúng ta lại tách ra thành hai luật, thì Bộ trưởng GTVT lại chưa đề cập. Theo ông, khi dự kiến trình ra Quốc hội thì đã ràng buộc là trong phạm vi điều chỉnh của luật Giao thông đường bộ. Do đó, nếu thêm luật thì phải trình cùng lúc 2 luật. 

Hồ sơ trình mặc dù cố gắng phân định: Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ; Luật Bảo đảm an toàn giao thông thì quy định quy tắc giao thông, phương tiện giao thông, tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy giao thông… thế nhưng khi điều chỉnh cụ thể vào điều khoản lại gây chồng chéo, phân định rất khó.

Ông Tùng ví dụ, cùng là phương tiện giao thông nhưng dự án Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh an toàn kỹ thuật, tức là đăng kiểm, môi trường; còn phương tiện giao thông của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì dưới góc độ đăng ký xe, cấp biển số xe. Nhưng giữa 2 luật có một số vấn đề rất chồng chéo, dẫn tới vướng mắc ở vấn đề phối hợp, tinh gọn bộ máy, hiệu quả, chi phí đội tăng…

“Cái tổng thể của giao thông bao gồm hai yếu tố cấu thành: tĩnh và động. Liệu chúng ta có tách được hai cái này ra không để điều chỉnh trong hai luật mà nó không liên quan tới nhau và đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác được ông Tùng nêu lên nữa là ngành GTVT có khoảng 2.000 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ cấp giấy phép sẽ đi về đâu?

“Thế thì 2.000 người đó anh Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng GTVT) thải ra ngoài hay tiếp tục sử dụng việc khác? Thế biên chế đấy có phải dư không, có đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy không? Ngành Công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không?”, ông Tùng đặt hàng loạt câu hỏi.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) góp ý kiến, cho rằng tĩnh và động là 2 mặt của vấn đề, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học. Theo ông Phong, một trong những điểm đáng chú ý là giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Lý do được đưa ra trong tờ trình là do có hiện tượng bằng giả, đào tạo sát hạch có tiêu cực. Tuy nhiên, nói về vấn đề này, theo ông Phong “ngành nào chẳng có”.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên than thở: “Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn. Theo phương pháp luận thế này thì ta phải làm thế”.

Từ Thức (t/h)