Từ năm 1979 đến 2015, chính phủ Trung Quốc đã cho áp dụng chính sách một con nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự gia tăng dân số. Thoạt nghe người ta sẽ cho rằng chính sách này chỉ giới hạn ở số lần mang thai. Tuy nhiên, thực tế là luật lệ khắc nghiệt và trái với tự nhiên này còn bao gồm cả việc nhiều đứa trẻ vừa được sinh ra đã bị sát hại.
Chính sách cho phép “giết” cả trẻ sơ sinh
Chính sách một con của Trung Quốc quy định rằng mỗi công dân chỉ được phép có một con. Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền, thậm chí trong một số trường hợp còn bị tịch thu tài sản.
Nhà làm phim Nanfu Wang sinh năm 1958 lớn lên ở vùng nông thôn Giang Tây Trung Quốc đã tái hiện lại hiện thực kinh hoàng do chính sách một con mang lại thông qua bộ phim tài liệu One Child Nation của cô. Cô vẫn còn nhớ cái cách mà chính phủ liên tục tuyên truyền về chính sách của họ, rằng việc có một con rồi cũng sẽ trở thành chuyện rất đỗi bình thường mà thôi.
“Có những lúc chính sách một con đã trở thành một phần bình thường của cuộc sống giống như không khí, nước, cỏ cây… Và mọi người sẽ ngưng chú ý cũng như ngừng đặt câu hỏi về nó bởi nó vẫn luôn hiện diện ở khắp nơi rồi”, Nanfu Wang chia sẻ trên tạp chí phi lợi nhuận NPR.
Những gia đình có nhiều hơn một con thường bị miêu tả là lạc hậu hoặc bị xem là tội phạm. Tuy nhiên đó chỉ mới là khía cạnh ‘có thể chấp nhận được’ về những gì chính phủ làm để kiểm soát dân số.
Nghiêm trọng hơn, các quan chức Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương còn được trao quyền bắt cóc phụ nữ trẻ, giam giữ và triệt sản để họ không mang thai. Trong trường hợp phụ nữ đang có thai, việc phá thai sẽ được thực hiện một cách quyết liệt mà không cần sự đồng ý của họ, ngay cả khi đó là bào thai từ 8 đến 9 tháng.
Thậm chí, chính phủ Trung Quốc đã đi quá xa so với những gì người ta có thể tưởng tượng được khi sát hại cả đứa trẻ vừa mới sinh để thực hiện chính sách này. Xác thai nhi thường được bọc trong túi đựng chất thải y tế màu vàng và bỏ vào thùng rác.
Trailer bộ phim One Child Nation
Không những thế, chính sách này đã mở ra thị trường cho nạn buôn bán trẻ mồ côi. Theo trang The Daily Beast, việc nhận con nuôi ở nước ngoài khi ấy nhanh chóng trở thành một mánh lới buôn người đáng khinh, trong đó các quan chức Kế hoạch hóa gia đình tìm cách tách đứa con thứ hai ra khỏi nhà và đưa đến trại trẻ mồ côi (với một khoản phí cho gia đình), sau đó bán chúng cho các gia đình người Mỹ và châu Âu, những người chẳng hề mảy may biết rằng họ đang tiếp tay cho mô hình bắt cóc để chuộc lợi.
Hậu quả
Năm 2013, một báo cáo từ cuộc khảo sát dài mang tên “Nghiên cứu dài hạn về sức khỏe và nghỉ hưu” được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh cho thấy trẻ em mang lại sự hỗ trợ rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho cha mẹ chúng.
Giáo sư kinh tế John Strauss của Đại học Nam California đã chia sẻ với báo South China Morning Post rằng: “Những đứa con gần gũi với cha mẹ sẽ dành thời gian bên họ còn những đứa con xa thường sẽ chu cấp tiền cho họ”.
Người ta thấy rằng những người cha người mẹ lớn tuổi đã nhận gần 1.700 nhân dân tệ từ con của họ trong suốt thời gian nghiên cứu, một số tiền đủ để chi trả gần 37% sinh hoạt phí. Nhưng với chính sách một con gây giảm số trẻ em hiện nay, trong tương lai người cao tuổi sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính ít hơn nhiều. Với tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi đang cao hơn ở dân số trung niên thì chắc chắn tương lai quốc gia này sẽ phải bỏ ra chi phí lớn hơn cho người cao tuổi.
Một hậu quả khác của chính sách hà khắc này là tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc đã bị lệch về nam giới, do văn hóa truyền thống thường khuyến khích sinh con trai. Tính đến năm 2016, đất nước này dư đến 33 triệu đàn ông. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc bắt đầu giảm sau năm 1980. Mặc dù từ năm 2016, chính phủ đã cho phép các cặp vợ chồng có 2 con nhưng nước này chắc chắn sẽ phải trải qua những tác động tiêu cực của chính sách một con trong vài thập kỷ nữa.
Thiên Hoa (Theo Vision Times)