Miền Nam Trung Quốc tiếp tục mưa lớn, 304 con sông có mực nước vượt trên ngưỡng báo động, 26 tỉnh bị mắc kẹt trong dòng nước lũ, mực nước của Tam Hiệp vượt quá mức cảnh báo, nhiều khu vực bị ngập lụt khiến đập Tam Hiệp “hiện nguyên hình” và có nguy cơ sụp đổ. Ngoài ra, có ít nhất 80.000 hồ chứa ở Trung Quốc giống như những “quả bom hẹn giờ”.
Quý Châu, Trùng Khánh và các khu vực trung và hạ lưu của sông Dương Tử đã tiếp tục hứng chịu lượng mưa lớn kể từ tháng 6. Theo thống kê, trận mưa liên tục dọc theo toàn bộ sông Dương Tử đã gây ra những thảm họa nghiêm trọng, 26 tỉnh, thành phố đã bị lũ lụt bao vây. Mưa lớn dự kiến sẽ tiếp tục ở khu vực Giang Nam vào tháng 7.
Mưa lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc đã trực tiếp tràn vào lưu vực sông Dương Tử, gây ra lũ lụt ở nhiều nơi. Ngoài ra, mực nước của đập Tam Hiệp vượt quá mức cảnh báo, khoảng 1.000 hồ chứa ở thượng nguồn, trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử nhanh chóng bị ngập lụt, nhiều khu vực bị những cơn lũ lớn nhấn chìm. Trung tâm khí tượng Trung Quốc khi đưa tin đã dùng từ “xối xả” để mô tả thảm họa mưa.
Gần đây, đã xảy ra những trận mưa lớn ở sông Ô Giang, Dân Giang và Đà Giang thuộc thượng nguồn sông Dương Tử. Do ảnh hưởng bởi điều này, lưu lượng nước đổ vào Hồ chứa Tam Hiệp bắt đầu tăng vào ngày 27/6. Vào chiều ngày 28/6, lưu lượng đổ vào Hồ chứa Tam Hiệp đạt 40.000 mét khối mỗi giây.
Để đối phó với lũ lụt, Ủy ban Kiểm soát lũ sông Dương Tử yêu cầu lưu lượng xả ra của Hồ chứa Tam Hiệp phải được nâng lên trung bình 35.000 mét khối mỗi giây. Đập Tam Hiệp đã mở hai đập xả vào ngày 29/6 để tăng lưu lượng xả.
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng, đập Tam Hiệp có thể chống chọi với trận đại hồng thủy “nghìn năm có một”, nghĩa là có thể chịu được lưu lượng nước 98.800 mét khối mỗi giây.
Tuy nhiên, lưu lượng nước 40.000 mét khối mỗi giây ở thượng nguồn sông Dương Tử còn thấp hơn tiêu chuẩn của một trận đại hồng thủy “10 năm có một”. “Lũ số 1 năm 2020 của sông Dương Tử” đã hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử. Tháng 7 vẫn còn một đợt lũ lớn, khiến nguy cơ đập Tam Hiệp “thất thủ” ngày một tăng lên.
昨日,重庆洪水,桥段屋塌pic.twitter.com/adADLu84qt
— 新闻/真话 (@TuCaoFakeNews) July 5, 2020
武汉友谊大道 pic.twitter.com/5y5uIxWTIx
— Ray Lau (@fiteray) July 5, 2020
Hiện tại, thượng lưu và hạ lưu đập Tam Hiệp đang đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt nghiêm trọng. Phía thượng nguồn tại Tứ Xuyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận mưa lớn này. Tính đến cuối tháng 6, các đơn vị thủy văn ở châu tự trị Aba của Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Cam Tư đều đã lần lượt đưa ra cảnh báo lũ màu cam. Hơn 210.000 người ở Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên đã bị ảnh hưởng, địa phương bắt đầu nâng mức kiểm soát lũ khẩn cấp lên báo động vàng.
Trước tình trạng lũ lụt liên tục diễn ra ở thượng nguồn sông Dương Tử, đập Tam Hiệp đã được mở để xả lũ, dẫn đến vùng hạ lưu Hồ Bắc và những vùng hạ lưu xa hơn như Hồ Nam, Giang Tây và Giang Tô, thế nước càng điên cuồng hung dữ.
Lũ lụt ở Nghi Xương và Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc thuộc hạ lưu đập Tam Hiệp đặc biệt nghiêm trọng. Nghi Xương chỉ cách đập Tam Hiệp hơn 40 km và là trạm đầu tiên ở hạ lưu đập Tam Hiệp. Mưa lớn đã xảy ra tại thành phố Nghi Xương vào ngày 27/6, khu vực đô thị bị ngập úng rất nghiêm trọng, các phương tiện gần như bị nhấn chìm trong biển nước.
Vào sáng ngày 5/7, các thành phố như Vũ Hán, Hoàng Cương, Kinh Châu, Ân Thi, Tiềm Giang… đã nâng mức cảnh báo mưa bão lên báo động đỏ.
Đài quan sát khí tượng trung ương dự báo vào ngày 4/7, trong 10 ngày tới các khu vực sẽ phải tiếp tục hứng chịu lượng mưa lớn như trước kia, chủ yếu là vùng phía Đông khu vực Tây Nam, Giang Hán, Giang Hoài, và phía Bắc Giang Nam. Hiệu ứng mưa bão chồng chất đan xen, sẽ gây ra các rủi ro thảm họa thứ cấp như lũ quét, thiên tai địa chất, lũ sông vừa và nhỏ, ngập úng đô thị và nông thôn tăng cao, cần phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
Trung Quốc vẫn còn 80.000 “quả bom hẹn giờ”
Vương Duy Lạc, một chuyên gia thủy lợi Trung Quốc sống ở Đức nói rằng, toàn quốc lũ lụt rất nghiêm trọng, nhưng địa điểm cụ thể, mức độ nghiêm trọng và số người thương vong không được chính quyền ĐCSTQ công bố, và người dân địa phương không thể nào biết được thông tin thiên tai thực sự ở các khu vực họ sinh sống.
Ông tiết lộ, đập Tam Hiệp vốn dĩ không có khả năng kiểm soát lũ giống như ĐCSTQ khoe khoang. Đập Tam Hiệp hiện đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa lớn ở thượng lưu, trung lưu và cả hạ lưu, trận lũ trên sông Dương Tử năm 1954 cũng tương tự như vậy, chỉ cần thượng lưu và hạ lưu đều đổ mưa lớn, sẽ khiến khả năng ngăn lũ “bằng 0” của đập Tam Hiệp “hiện nguyên hình.”
Vương Duy Lạc tin rằng, rò rỉ xung quanh âu tàu của đập Tam Hiệp rất đáng lo ngại. Nếu đê bị vỡ, khu vực bên dưới đập từ Nghi Xương đến Thượng Hải sẽ bị ngập hoàn toàn.
Ngoài đập Tam Hiệp, Trung Quốc còn có 80.000 “quả bom hẹn giờ”! Vương Duy Lạc nói rằng, có hơn 98.000 hồ chứa ở Trung Quốc, hơn 66.000 hồ chứa đã từng có nguy hiểm và hơn 16.000 hiện đang gặp nguy hiểm.
Vào ngày 11/6/2019, tại cuộc họp giao ban chính sách thường lệ của Quốc vụ viện Trung Quốc, Điền Dĩ Đường, Giám đốc Cục Phòng chống lũ lụt và hạn hán của Bộ Thủy lợi cho biết, Trung Quốc có hơn 98.000 hồ chứa và hơn 66.000 hồ chứa từng là hồ chứa nguy hiểm, hơn 16.000 hồ chứa hiện đang là hồ chứa nguy hiểm, cần phải được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Vương Duy Lạc phân tích, theo dữ liệu này, tổng cộng có hơn 82.000 hồ chứa đã và đang là hồ chứa nguy hiểm, chiếm 84% tổng số hồ chứa ở Trung Quốc. Điền Dĩ Đường cho rằng, một trong những lý do chính khiến các hồ chứa ở Trung Quốc trở nên nguy hiểm là do hầu hết các hồ chứa được xây dựng vào những năm 1950 và 1970.
Nói cách khác, những hồ chứa này đã được sử dụng trong hơn 40 đến 60 năm. Nếu tính theo tuổi thọ bình thường của các hồ chứa là 50 năm, thì các hồ chứa này đã gần hết thời gian sử dụng bình thường hoặc đã quá hạn.
Cuộc điều tra và thống kê về đập hồ chứa nguy hiểm được bắt đầu vào năm 1975 khi xảy ra sự kiện vỡ đập Bản Kiều. Vào thời điểm đó, có hơn 60 đập hồ chứa, hai trong số đó là các hồ chứa cỡ trung bình – Bản Kiều và Thạch Mạn Than. Đập Bản Kiều vỡ đã khiến 240.000 người tử vong.
Vương Duy Lạc cho biết, Trung Quốc đã xây dựng hàng chục hồ chứa trên một con sông. Nếu một trong số đó bị vỡ đê, hồ chứa bên dưới cũng sẽ bị vỡ đê theo. Những hồ chứa này giống như một quả bom hẹn giờ. Nó cực kỳ không an toàn cho người dân Trung Quốc sống ở phía dưới hồ chứa.
Ông cảm khái nói, câu nói “Cầu vàng, đường bạc, đập kim cương” lưu truyền trong giới công trình Trung Quốc, có nghĩa là xây dựng đập hồ chứa mang lại lợi nhuận cao nhất. Xây dựng đập thủy điện cũng đã trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế, nhưng tất cả con đập chắc chắn đều không tránh khỏi việc đã chôn sẵn ở dưới những quả “bom hẹn giờ”.
Minh Huy (Theo NTDTV)