Phương án thu thuế bất động sản đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên trong Dự án Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất, đang gặp phản ứng trong dư luận với đa phần ý kiến là không ủng hộ.
Đề xuất đánh thuế nhà có giá trị vượt mức 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang bị phản ứng dữ dội. Nhiều ý kiến cho rằng, đánh thuế nhà là “thuế chồng lên thuế” khi để làm ra một căn nhà, người dân đã phải đóng rất nhiều loại thuế. Mua một căn nhà đã phải trả nhiều loại thuế, xây nhà cũng đóng các loại thếu và nay ở trong ngôi nhà của mình cũng bị đánh thuế…
Đánh thuế nhà là “thuế chồng thuế”
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.
Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Bộ Tài chính đề nghị nghiêng về áp dụng phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Điều này, theo Bộ Tài chính, là “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.
Dự kiến, ngân sách có thể thu được 31 nghìn tỷ đồng/năm nếu đề xuất này được áp dụng.
Ví dụ: Trường hợp nhà ông A ở phố Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), diện tích 50m2, nhà 3 tầng, có nghĩa tổng diện tích sử dụng là 150m2.
Theo Quyết định 706 của Bộ Xây dựng, nhà 3 tầng có suất đầu tư là 6.810.000 đồng/m2. Như vậy, chi phí xây dựng căn nhà có diện tích sàn 150m2 của ông A là khoảng 1 tỷ đồng. Ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng, cho nên số thuế nhà dự kiến phải nộp là phần 300 triệu đồng. Với mức thuế nhà dự kiến 0,4%, mỗi năm ông A phải nộp 1,2 triệu đồng.
Ngoài ra, theo dự thảo Luật Thuế tài sản, nhà ông A có thể sẽ phải nộp thuế đất ở với mức 12,3 đến 16 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều mức hiện hành.
Trao đổi về đề xuất đánh thuế nhà của Bộ Tài chính, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về thuế không khỏi ngạc nhiên. Vị này thảng thốt: “Đất đai là tài sản quốc gia thì đánh thuế là đúng. Nhưng nhà đất thuộc sở hữu cá nhân do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng mà tính thuế nộp hàng năm thì gọi là thuế gì?!”
Vị giám đốc này nói: “Khi người dân xây nhà đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thậm chí thuế tiêu thụ đặc biệt rồi. Vậy thì nếu thu thuế tài sản với nhà có phải là thuế chồng thuế hay không?”. Tương tự, nếu mua nhà người dân cũng phải chịu các loại thuế tính trong giá nhà.
Mặt khác, việc tính giá trị nhà căn cứ theo đơn giá xây dựng của Bộ Xây dựng có phân loại theo khu vực hay không? Nếu không đó sẽ là sự cào bằng khiến việc thu thuế không được công bằng. Hơn nữa, khi người dân có nhà cho thuê, họ đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân rồi, nay lại thu thêm thuế Tài sản như vậy có phải là thuế chồng thuế hay không?
“Nếu cần có phương án đánh thuế tài sản tối ưu thì chỉ nên đánh thuế đối với tài sản là nhà thứ 2 trở lên, vì bản chất thuế là điều chỉnh thu nhập”, vị này chia sẻ.
Không thể phù hợp
Cho rằng không nên đánh thuế nhà, ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, lập luận: Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế nhà này như một khoản thuế cố định, giống như thuế sử dụng đất, phải đóng hàng năm. Điều đó là sai. Nhà này là sở hữu của tôi, có phải sở hữu của nhà nước đâu mà bắt tôi đóng thuế sử dụng. Thuế đó gọi là thuế gì chứ thuế tài sản là không đúng.
“Tài sản của tôi tự nhiên tôi phải nộp thuế. Trong khi đó, tôi làm ra tài sản ấy tôi đã phải đóng thuế rồi”, ông Tiến nói.
Theo ông Chung Thành Tiến, để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, Quốc hội, Chính phủ không nên điều chỉnh tăng/thêm các sắc thuế nội địa để bù đắp thâm hụt ngân sách. Thay vào đó, nên tăng cường năng lực cho ngành thuế thông qua công tác thanh/kiểm tra, tăng cường các phương tiện hỗ trợ để đảm bảo thu đúng, thu đủ, kiên quyết với việc kinh doanh gian lận/trốn thuế, thiếu trách nhiệm với xã hội.
Điều này cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam vững vàng hơn khi ra biển lớn.
“Đó là việc nên làm chứ không phải là tăng thêm sắc thuế hay tăng thuế”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội), Bộ Tài chính thiếu cơ sở pháp lý khi đề xuất việc đóng thuế như trên, mặt khác khi không đủ cơ sở pháp lý thì cũng phải có cơ sở thực tiễn. “Nhưng cơ sở thực tiễn mà Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào việc đem về nguồn thu cho nhà nước mà quên quyền lợi của người dân”, luật sư nói.
Theo ông Xuân Anh, đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà. “Đây là quy định đi ngược lại tinh thần Hiến pháp, bởi mọi người dân đều có quyền có nơi ở”, ông nêu quan điểm.
Đánh giá việc giải thích học hỏi kinh nghiệm từ các nước, luật sư Xuân Anh cho rằng “lý giải” này chưa chặt chẽ bởi các quốc gia văn minh thường áp dụng đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi.
Luật không phù hợp dễ dẫn đến trốn thuế
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Hà Nội) cho hay dự thảo cần đánh giá tác động đến nền kinh tế, đời sống xã hội của người dân. Sẽ bao nhiêu gia đình sẽ chịu ảnh hưởng của đạo luật này? Vấn đề an sinh xã hội sẽ bị tác động thế nào nếu đạo luật được thông qua?…
Pháp luật hiện nay quy định người có thu nhập có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác. Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hàng năm). Khi chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng và diện chịu thuế). Như vậy, chủ sở hữu tài sản chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.
Ông Vinh cho rằng ở nhiều nước phát triển, luật này không phải là mới, việc áp dụng cũng khá thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để có được điều đó thì họ đã phải bỏ ra nhiều năm để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của công dân và một loạt các chế định để hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời. Với nước ta, do nhiều nguyên nhân, nếu được thông qua thì việc thực thi không được thuận lợi như vậy.
Dù Bộ Tài chính mới chỉ nêu đề xuất, song theo ông Vinh nội dung này còn “quá nhiều vấn đề phải giải quyết, làm rõ”.
Thứ nhất, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn của mức 700 triệu đồng? “Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định liên quan đến hạn mức này. Câu hỏi đặt ra là tại sao không phải là 500 triệu hay 1 tỷ mà lại là 700 triệu?”, ông Vinh nói.
Thứ hai, về nguyên tắc thu nhập có được để sở hữu nhà đất, người dân đã phải chịu thuế. Nếu mặc nhiên cứ trên 700 triệu là thu thì sẽ là thuế chồng thuế, rất thiệt thòi cho người dân.
Theo ông Vinh, trước mắt chỉ có thể đánh phần giá trị tăng thêm thì mới hợp lý. “Ví dụ, trước đây, tôi mua nhà một tỷ, bây giờ quy hoạch mở đường hoặc vì lý do nào đó giá trị nhà đất tăng lên hai tỷ thì tôi chỉ nộp thuế của phần tăng thêm. Nếu giá nhà đất không tăng thì tôi không phải nộp. Cách tính này tương tự như thuế nhu nhập hiện nay, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách cũng đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế”, luật sư đề xuất.
Ông Vinh cho rằng luật chỉ cần quy định các đối tượng thuộc diện mua nhà có thu nhập thấp không thuộc diện phải chịu thuế tài sản. Mở rộng ra, người được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ thuộc diện miễn, giảm thuế tài sản.
Thứ ba, rất nhiều nhà đất hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc quản lý biến động cũng còn nhiều bất cập. Trên giấy chứng nhận là nhà cấp bốn nhưng thực tế là nhà nhiều tầng kiên cố, có thể xây có phép hoặc không phép. Cơ sở dữ liệu không đầy đủ, không đồng bộ trên phạm vi cả nước. Nếu nhà đất không có giấy chứng nhận, không có giấy phép xây dựng mà thu thuế thì có vô tình hợp pháp hóa cho vi phạm? Vấn đề này phải được làm rõ giữa nghĩa vụ của người quản lý, sử dụng tài sản với việc nhà nước công nhận quyền tài sản cho người dân.
Hơn nữa, các quy định về định giá hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Nếu thu trên giá nhà nước quy định thì không tiếp cận đúng bản chất của đạo luật này. Nếu tiến hành định giá theo giá thị trường thì ngành tài chính khó có thể triển khai đồng loạt.
Thứ tư, yếu tố lạm phát, trượt giá. Chủ sở hữu tài sản phải được miễn thuế đối với phần này thì mới đảm bảo công bằng giữa một bên chủ thể là nhà nước và một bên chủ thể là người dân.
Thứ năm, nếu thuế này được thông qua thì nhà nước cần xem xét lại việc có tiếp tục thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở nữa hay không? Mặc dù tiền thuế đất phi nông nghiệp không lớn nhưng không thể một tài sản đồng thời chịu hai khoản thuế.
Chốt lại vấn đề, ông Vinh đánh giá: “Để luật khả thi thì các quy định phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; phải phù hợp với nguyện vọng của phần lớn người dân. Nếu không tất yếu sẽ phát sinh việc lách thuế, trốn thuế”.
Tuệ Tâm (t/h)