Sau những chiếc máy cấu hình khủng thì hôm nay chúng ta sẽ cùng xem qua một chiếc máy giá rẻ, cấu hình đủ xài dành cho đối tượng học sinh sinh viên. Lenovo IdeaPad 100-14 là chiếc máy mình muốn nói tới, nó có thiết kế đơn giản, cấu hình đủ xài với vi xử lý Celeron, RAM 2 GB, màn hình 14″ và giá khoảng 6 triệu đồng. Mình đã cài thử Windows 10 lên chiếc máy này, cập nhật đầy đủ driver được Lenovo cung cấp và thử nghiệm hiệu năng của nó thì kết quả khá là ngạc nhiên. Mời anh em cùng xem qua: Thiết kế: đơn giản, toàn bằng nhựa, mỏng nhẹ Là một chiếc máy giá rẻ nên IdeaPad 100-14 không có gì nổi bật về thiết kế. Toàn bộ vỏ máy được làm bằng nhựa màu đen, hơi sần. Nắp máy được thiết kế với các họa tiết lỗ rỗ đơn giản, cổ điển nhưng mang lại cảm giác tiếp xúc tốt, ít bám bẩn. Thêm vào đó, IdeaPad 100-14 mặc dù là dòng giá rẻ nhưng lại có cấu trúc kiểu Ultrabook với độ mỏng đáng kể và trọng lượng nhẹ. Màn hình máy mỏng khoảng 7 mm, được nối với thân máy bằng 2 bản lề nổi bằng nhựa. Thiết kế bản lề không được chắc chắn cho lắm khiến màn hình dễ rung lắc khi chạm vào. Khi gập màn hình lại, độ mỏng của máy vào khoảng 2 cm, trọng lượng khoảng 1,9 kg khá nhẹ để có thể mang theo trong cặp học sinh. Cạnh máy bên trái được Lenovo trang bị khá đầy đủ các kết nối cao cấp gồm HDMI, 1 cổng USB 3.0, 1 cổng USB 2.0, jack âm thanh combo và LAN. Cạnh bên phải thì trống không, ở độ mỏng này thì IdeaPad 100-14 cũng không có ổ đĩa quang. Cạnh trước thì có một đầu đọc thẻ SD và các đèn tín hiệu. Kết nối không dây trên IdeaPad 100-14 gồm Bluetooth 4.0 và Wi-Fi 802.11 b/g/n. Nhìn chung về thiết kế bên ngoài và các kết nối thì IdeaPad 100-14 khá ổn ở tầm giá dưới 6 triệu. Bàn phím và bàn rê: trải nghiệm nhập liệu tốt nhưng bàn rê dỏm Lenovo trang bị cho IdeaPad 100-14 bàn phím khá dễ làm quen và bấm rất thích tay. Tương ứng với kích thước 14″, bàn phím trên IdeaPad 100-14 có layout tiêu chuẩn của các mẫu máy màn hình nhỏ, không có phím số Numeric. Mặc dù không gian khá chật chội nhưng Lenovo vẫn giữ được kích thước phím lớn, hành trình phím 19 mm, các phím điều hướng kích thước lớn và các phím Home, End, PageUp, PageDown được theo một cột khiến mình có thể dễ dàng tiếp cận mà không cần nhìn khi lướt web hay soạn thảo. Ngoài ra, các phím được thiết kế low-profile, khoảng trống giữa mỗi phím và vỉ phím khá lớn giúp loại bỏ hiện tượng flex, mang lại cảm giác bấm tự tin, độ nẩy vừa phải. Thử nghiệm bằng 10fastfingers.com, mình có thể gõ 110 từ tiếng Việt trong 1 phút, rất tốt. Chỉ có 1 điều là bàn phím không có đèn backlit, một đặc điểm chung của hầu hết các mẫu máy tính giá rẻ. Nếu như bàn phím tốt thì bàn rê trên IdeaPad 100-14 lại không được như vậy. Bàn rê có kích thước khá lớn 9,5 x 5,5 cm, bề mặt được phủ sần tiệp với bề mặt nghỉ tay. Mình cài cho máy Windows 10 cùng bộ driver touchpad chính thức từ Lenovo nhưng bàn rê không hỗ trợ thao tác đa điểm, chỉ có thể dùng 1 ngón tay để rê, cũng không thể cuộn trang bằng 2 ngón được, thật đáng tiếc. Thêm vào đó, 2 nút chuột bên dưới bàn rê được làm dạng 1 thanh nhựa liền, khi nhấn bên nào sẽ nghiêng bên đó và nếu nhấn nhiều một bên thì khá dễ bị lún. Màn hình và âm thanh: màn tình khá nét, độ sáng cao, âm thanh kém Lenovo IdeaPad 100-14 được trang bị màn hình 14″ độ phân giải 1366 x 768 px – một độ phân giải tiêu chuẩn trên không chỉ máy giá rẻ mà còn nhiều mẫu máy tầm trung. Nếu xét về tầm giá rẻ thì mình cho rằng IdeaPad 100-14 sở hữu một cái màn hình khá chất lượng. Màn hình dùng công nghệ TN thế hệ mới nên góc nhìn 2 bên đã được cải thiện đáng kể, dĩ nhiên là góc nhìn từ trên xuống vẫn xuất hiện tình trạng bóng ma đặc trưng. Màn hình có độ sáng tối đa 200 nit, dễ chịu với mát và với đặc điểm màn hình gương (glossy) thì độ sáng này không gây mỏi mắt trong quá trình sử dụng. Thêm vào đó, với kích thước 14″ cùng độ phân giải này thì màn hình giữ được độ nét khá tốt, font chữ, biểu tượng khi quan sát ở cự ly sử dụng thông thường rất khó thấy hiện tượng răng cưa. Mặc dù vậy, do sử dụng tấm nền rẻ tiền nên khả năng tái hiện màu sắc của màn hình không chính xác. Thử nghiệm với hệ màu RGB, tất cả các màu đều có xu hướng bệt đi, điển hình như màu đỏ thì ngã sang hơi cam, xanh lam thì hơi nhạt. Ngoài ra, do có lớp kính bên ngoài nên màn hình có tính phản chiếu cao dưới nguồn sáng mạnh, làm việc ngoài trời buộc phải chỉnh tối đa độ sáng để có thể thấy được nội dung. IdeaPad 100-14 chỉ được trang bị 1 loa 1,5 W đặt phía trên bàn phím. Chính vì thiết kế 1 loa như vậy khiến âm thanh đầu ra rất nhỏ, trải nghiệm giống như loa ngoài điện thoại. Dĩ nhiên với 1 loa thì chất lượng âm thanh cũng kém, hoàn toàn không có bass, chỉ có treble, âm thanh đủ rõ để có thể nghe thay vì thưởng thức. Hiệu năng: chạy ngọt Windows 10 64-bit, đáp ứng nhu cầu làm việc và giải trí cơ bản Đó là những gì mình có thể mô tả về hiệu năng trên IdeaPad 100-14. Phiên bản mình đánh giá có tên đầy đủ là IdeaPad 100-14IBY với cấu hình như sau: Về con Celeron N2840 trên IdeaPad 100-14 thì đây là 1 CPU dành cho máy tính giá rẻ thuộc nền tảng Bay Trail-M, phát triển trên vi kiến trúc Silvermont tương tự Bay Trail-T và được sản xuất ở quy trình 22 nm. Phiên bản N2840 có xung nhịp thuộc hàng cao nhất trong dòng Celeron này với tốc độ cơ bản 2,16 GHz, tăng tốc Burst Frequency lên 2,58 GHz nhưng chỉ có 2 lõi và 2 luồng xử lý và 1 MB bộ nhớ Cache. Các phiên bản Celeron thuộc gia đình Bay Trail-M đều được Intel tích hợp GPU dựa trên Intel HD Graphics của dòng Ivy Bridges với 4 đơn vị thực thi, phiên bản N2840 có xung nhịp GPU từ 311 – 792 MHz. TDP của N2840 cũng như dòng Celeron Bay Trail-M nói chung rơi vào khoảng 7,5 W và tùy theo hoàn cảnh sử dụng có thể chỉ tiêu thụ 4,5 W. Mình chọn ra 6 mẫu máy chạy Celeron khác để so sánh. Bao gồm: So với các mẫu máy dùng ổ cứng HDD thì hiệu năng tổng thể của IdeaPad 100-14 khá tốt. Thử phân tích như sau: Trong bảng trên Sony Vaio Fit multi-flip có điểm PCMark 7 cao nhất đơn giản vì chiếc máy này chạy con Celeron N2920 4 lõi, xử lý đa nhiệm tốt hơn cùng với việc được trang bị ổ M.2 của Samsung cho tốc độ truy xuất cao. Kế đến là Acer Aspire ES1, chiếc máy này dùng Celeron N3050 thế hệ Braswell đời mới cùng bộ nhớ eMMC cho hiệu năng tối ưu hơn. Một đối thủ ngang tầm của IdeaPad 100-14 là Toshiba Satellite Radius 11, dùng cùng Celeron N2840 nhưng có 4 GB bộ nhớ RAM, do đó điểm số PCMark 7 của nó chỉ nhỉnh hơn IdeaPad 100-14 đôi chút. Các mẫu máy còn lại gồm Dell Inspiron 15 3531, ASUS X551MAV và HP 250 G3 đều chạy Celeron N2830 với xung nhịp CPU lẫn GPU thấp hơn so với N2840 nên điểm số PCMark 7 cho thấy sự chênh lệch rõ ràng. Như vậy về điểm PCMark 7 thì IdeaPad 100-14 xếp thứ 4. PCMark 8 với 3 bài test theo 3 điều kiện sử dụng khác nhau lại cho kết quả khác. IdeaPad 100-14 về thứ 3 ở bài test Home Accelerated và Creative Accelerated nhưng lại về bét bảng ở bài test Work Accelerated. Trong quá trình chạy thử bài test này thì máy gặp tình trạng crash và mình nghĩ là do Windows 10 vẫn chưa hỗ trợ tốt PCMark 8, điều tương tự cũng đã xảy ra với chiếc HP Pavilion 14 ab018tu mà mình vừa review cách đây vài hôm. Chuyển sang bài test năng lực đồ họa 3DMark 11 và 13, điểm số 3DMark 11 của IdeaPad 100-14 xếp thứ 2, chỉ sau Acer Aspire ES1. Trên con Celeron N3050 thì nó đã được Intel nâng cấp GPU tích hợp với 12 đơn vị thực thi, GPU dựa trên Intel HD Graphics của Broadwell nên hiệu năng đồ họa hiển nhiên được cải thiện đáng kể. Về điểm số 2 bài test Ice Storm và Cloud Gate của 3DMark 13, IdeaPad 100-14 đạt lần lượt 12274 điểm và 1280 điểm cho 2 bài test. Hiệu năng đồ họa có thể nói ở mức trung bình trong bảng so sánh trên bởi hạn chế chỉ có 2 GB RAM. Về tốc độ truy xuất ổ cứng, IdeaPad 100-14 dùng ổ Seagate Momentus Thin ST500LT012 500 G tốc độ 5400 rpm và chiếc ổ cứng này có tốc độ đọc và ghi liên tục vào khoảng 94 MB/s và 77 MB/s, thấp nhất trong số các mẫu máy mình so sánh. Ổ cứng chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu năng tổng thể của IdeaPad 100-14. Những điểm số trên đã phản ánh ít nhiều hiệu năng của IdeaPad 100-14 và trải nghiệm thực tế cũng cho thấy điều tương tự. Máy có hiệu năng trung bình nếu dựa trên những con số nhưng theo cảm nhận của mình thì IdeaPad 100-14 có thể chạy khá ngọt Windows 10 64-bit, xử lý các tác vụ khác nhanh và hoạt động ổn định. Hiệu năng của chip Celeron dĩ nhiên không thể so sánh với Core I nhưng nếu xét về một chiếc máy giá rẻ, dùng để làm việc văn phòng hay giải trí đơn giản thì IdeaPad 100-14 cùng Windows 10 64-bit có thể đáp ứng đủ nhu cầu này. Liệu có thể cải thiện hiệu năng hệ thống cho IdeaPad 100-14? Qua tìm hiểu thì mình phát hiện ra bạn vẫn có thể nâng cấp thêm RAM và dĩ nhiên là ổ cứng cho nó. Máy có 2 khe RAM, trên máy có sẵn 2 GB 1 thanh và còn dư 1 khe, do đó bạn có thể gắn thêm 1 thanh 2 GB nữa để máy có thể chạy Windows 10 64-bit tốt hơn. Celeron N2840 hỗ trợ đến 8 GB RAM chạy kênh đôi (Dual-channel) do đó việc gắn thêm 1 thanh RAM nữa không chỉ cải thiện hiệu năng hệ thống mà còn là hiệu năng đồ họa. Ngoài ra, nếu dư dả bạn có thể gắn cho máy một chiếc ổ SSD để tăng tốc mọi thứ. Máy không có ổ quang nên khi quyết định gắn SSD hay ổ cứng khác thì bạn phải xác định sẽ tháo ổ theo máy ra và gắn ổ mới vào. Pin và nhiệt: thời lượng pin khá, vận hành mát mẻ IdeaPad 100-14 không được Lenovo thiết kế quạt tản nhiệt thường thấy bởi nó dùng Celeron N2840 – một con CPU có TDP chỉ 7,5 W và hỗ trợ thiết kế fanless. Cũng chính vì lý do này mà IdeaPad 100-14 trở nên mỏng và nhẹ. Nhiệt độ CPU khi không tải vào khoảng 35 – 38 độ C và khi tải nặng tăng lên khoảng 41 – 43 độ C, nhiệt độ ổ cứng khi truy xuất nhiều cũng được duy trì ở mức 32 độ C. Do đó, IdeaPad 100-14 vận hành rất mát mẻ. Về pin, IdeaPad 100-14 được trang bị pin 30 WHr cho thời lượng sử dụng pin khá tốt. Thử nghiệm xem phim liên tục với độ sáng màn hình 100%, âm lượng 100%, chế độ pin Balance thì từ 2:25 đến 5:50 thì máy còn 19% pin, như vậy có thể trụ được 4 tiếng. Nếu sử dụng để làm việc với độ sáng màn hình vừa phải thì chắc chắn thời lượng pin sẽ còn dài hơn. Thời lượng này cũng rất gần với thời lượng được Lenovo quảng cáo về IdeaPad 100-14. Tổng kết: IdeaPad 100-14 là một chiếc máy tính giá rẻ, cấu hình đủ dùng để làm việc và giải trí đơn giản, tính di động cao và thời lượng pin khá. Nếu nhu cầu của bạn chỉ dừng lại ở đây thì chiếc máy này là một sự lựa chọn không tồi. Giá bán của máy mình vừa kiểm tra trên lazada.vn vào khoảng 4 triệu 999 ngàn, vừa giảm 1 triệu đồng, 1 mức giá rất hợp lý. Dĩ nhiên một chiếc máy rẻ thì khó có thể đòi hỏi những tính năng cao cấp nhưng không phải vì thế mà có thể bỏ qua những yếu tố thiết yếu đối với một chiếc máy tính. IdeaPad 100-14 sở hữu nhiều điểm tốt nếu xét về tầm giá nhưng cũng có vài nhược điểm đáng kể: Ưu điểm: |
Theo Tinh Tế