Đối mặt với đám đông biểu tình hòa bình ở Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng bạo lực và đe dọa để đàn áp phong trào dân chủ Chiếm Trung tâm.
Ngày 3/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu chế ngự phong trào Chiếm Trung tâm bằng cách huy động những cá nhân và tổ chức ngầm thân ĐCSTQ tại Hồng Kông để quấy rối, đe dọa và hành hung, buộc các sinh viên và người đòi dân chủ rời bỏ khu vực biểu tình.
Những người quá khích vây hãm và hành hung người biểu tình với danh nghĩa hỗ trợ chính phủ và “chống Chiếm Trung tâm”, đồng thời kêu gọi sử dụng ruy băng xanh chống lại ruy băng vàng, biểu tượng cho phong trào đấu tranh vì phổ thông đầu phiếu.
Nhóm côn đồ đang cố gắng thể hiện cho thế giới mình là đại diện cho công luận, hy vọng các quốc gia khác không ủng hộ người biểu tình. Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông Trung Quốc còn vu khống và hạ uy tín của người biểu tình nhằm mục đích gây nhiễu lạc thông tin trước cộng đồng quốc tế.
Ngày 28/9, giới chức trách Bắc Kinh cho phép cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình bởi cho rằng có thể dễ dàng và nhanh chóng giải tán đám đông, ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng vũ lực. Nhưng thay vào đó, cuộc biểu tình càng thu hút thêm nhiều người tham gia.
Bắc Kinh cố tình gây hỗn loạn
Phe phái của những người ủng hộ cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình trong nội bộ ĐCSTQ đang chia rẽ về vấn đề xử lý các cuộc biểu tình.
Ngày 2/10, Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu Hồng Kông, cũng là một thành viên thuộc phe thân ông Giang đã được Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ lên tiếng ủng hộ.
Hôm sau, Lương Chấn Anh bắt đầu huy động xã hội đen và cơ chế ngầm của ĐCSTQ âm thầm gây hỗn loạn và đán áp các cuộc biểu tình ôn hòa.
Ông Lương đang thực hiện chính sách càng hỗn loạn càng tốt của phe thân ông Giang nhằm mục đích tạo rắc rối cho phe phái tân Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kể từ đó, các thành phần xã hội đen xuất hiện tại những khu vực biểu tình ở Mong Kok và Causeway Bay. Cục An ninh Công cộng của ĐCSTQ được cho là đã tham gia vào các nhóm xã hội đen, những tổ chức yêu nước, lãnh đạo Tân Giới (New Territories) cũng như các nhóm ủng hộ Bắc Kinh khác.
Chính quyền ĐCSTQ đã đe dọa, yêu cầu dân bản địa, những người có quyền sở hữu một căn nhà nhỏ tại khu vực Tân giới, tuyên bố lập trường về phong trào dân chủ. Ngoài ra, ĐCSTQ còn huy động dân địa phương phản đối Chiếm Trung tâm theo nhiều cách khác nhau, có cả chiến dịch hỗ trợ cảnh sát bằng cách đeo dải băng xanh.
Các cuộc tấn công bạo lực càng tạo thêm phẫn nộ cho người Hồng Kông. Ngày 4/10, hàng ngàn người đã tập trung tại Admiralty để phản đối bạo lực. Kế sách của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã giúp người Hồng Kông trở nên đoàn kết và hiểu rõ hơn thủ đoạn của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công không thể đe dọa giới sinh viên Hồng Kông, kể cả khi nhiều nhân vật có địa vị và tầm ảnh hưởng như hiệu trưởng kêu gọi sinh viên rời khỏi khu vực biểu tình.
Bắc Kinh bị chia rẽ
Giới chức trách Bắc Kinh không nhượng bộ vì nhiều lý do. Một là họ không thể lường trước được kết quả và hai, độc tài vốn là bản chất của ĐCSTQ.
Một nguyên nhân khác là bởi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc công kích chính trị kịch liệt từ phe Giang Trạch Dân, dẫn đến hệ quả chính quyền Bắc Kinh ít lưu tâm trong việc giải quyết yêu cầu dân chủ ở Hồng Kông.
ĐCSTQ tán thành việc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đồn trú tại Hồng Kông sẽ không can thiệp chuyện ở đây và tin tưởng Đặc khu Trưởng Lương Chấn Anh có thể xử lý tình hình.
Một trong những thân tín đã được ông Tập Cận Bình bổ nhiệm chỉ huy đơn vị đồn trú PLA, do đó sẽ không xảy ra tình trạng quân đội nhúng tay vào chuyện đang diễn ra tại Hồng Kông hay Lương Chấn Anh và Văn phòng Liên lạc có thể điều động quân đội.
Việc sử dụng quân đội đàn áp sinh viên sẽ ảnh hưởng và đe dọa đến hình ảnh quốc tế và mọi nỗ lực kể từ khi nhậm chức, bao gồm chiến dịch chống tham nhũng chống lại phe ông Giang của lãnh đạo Tập Cận Bình.
Các nguồn tin tiết lộ, nội bộ ĐCSTQ đang có chia rẽ, do đó sẽ không dễ dàng triển khai quân đội. Chủ tịch Tập Cận Bình đã để mặc ông Lương Chấn Anh tự xử lý phong trào biểu tình có tính khá nhạy cảm này. Nếu không thể giải quyết hợp lý tình huống, Lương Chấn Anh có khả năng sẽ phải từ chức.
Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) có thể sẽ không thu hồi quy định bầu chọn Trưởng Đặc khu Hồng Kông mới ra, nhưng khả năng sẽ điều chỉnh và hạ thấp điều kiện đối với các ứng viên.
Ngày 5/10, trang mạng Caixin.com của Trung Hoa đại lục đăng một bài viết khiển trách chính quyền ông Lương Chấn Anh thực hiện trì trệ các chính sách cải cách kinh tế ở Hồng Kông. Caixin.com được coi là mạng phát ngôn của phe ông Tập Cận Bình, đã có những đánh giá về Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh hoàn toàn trái ngược với Nhân dân Nhật báo.
Cũng trong ngày 5/10, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc công bố sẽ bắt đầu tiến hành điều tra tham nhũng ở Nhân dân Nhật báo.
Một số ý kiến cho rằng việc Caixin lên án ông Lương Chấn Anh chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình không tán thành hành vi sử dụng xã hội đen để trấn áp biểu tình Hồng Kông.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Epoch Times