Tinh Hoa

Dân khổ vì lò đốt rác

Với nhiệm vụ là xử lý rác thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng ở nhiều nơi, lò đốt rác thải sinh hoạt cỡ nhỏ đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhà kính, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Ô nhiễm trầm trọng

Cách đây vài năm, khi bãi rác của thị trấn Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang) được đầu tư lò đốt công nghệ Thái Lan với giá hơn 3 tỉ đồng, người dân hết sức vui mừng vì sẽ thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Nhưng thực tế, sau khi lò đi vào hoạt động, rác vẫn ngập ngụa. Bãi rác và lò đốt rác đặt gần khu dân cư khiến người dân xung quanh bức xúc.

Lò đốt rác tại Cao Thượng, Bắc Giang gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Ông Đặng Xuân Hồng (sống cạnh bãi rác của thị trấn Cao Thượng) phàn nàn: “Khi lò đốt hoạt động, khói từ lò đốt bốc lên nghi ngút, mùi rất khó chịu. Nhiều nhà phải bịt kín cửa sổ, lỗ thoáng khí trong nhà để tránh ô nhiễm”.

“Xu hướng trên thế giới bắt đầu coi lò đốt là công nghệ đã lỗi thời, nhiều nước không khuyến khích, thậm chí cấm sử dụng lò đốt, đặc biệt lò đốt quy mô nhỏ”.

Ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường

Tương tự, dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ) hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng cũng không giải quyết được tình trạng ô nhiễm. “Trước khi đi vào sử dụng, chính quyền địa phương tưởng lò đốt hiện đại lắm nhưng khi đưa về thực tế là một chiếc lò đốt rất bé. Lò đốt ra khói mù mịt, khiến người dân bức xúc”, ông Trịnh Bình Xuyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ) thừa nhận.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xuất, Phó Giám đốc sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang cho biết, tỉnh đã kiểm tra các lò đốt rác trên địa bàn. Sau khi kiểm tra, đoàn đã có báo cáo số 74/BC – KHCN ngày 12/5/2015 gửi UBND tỉnh Bắc Giang. Kết quả cho thấy, hầu hết các lò có chỉ tiêu Dioxit Sunfua (SO2) và nhiệt độ khí thải đều vượt tiêu chuẩn cho phép 2,5 đến 6 lần. Nhiệt độ khí thải ra môi trường cao hơn 1,13 đến 2,7 lần (trừ lò của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Giang). Về tro xỉ, hầu hết các chỉ tiêu kim loại nặng đề vượt tiêu chuẩn cho phép (Asen từ 2,58 đến 3,53 lần; Cadmium từ 2,78 đến 4,38 lần; Thủy ngân từ 4,35 đến 5,75 lần).

“Hiện nay các địa phương trang bị lò đốt rác không xin ý kiến của Sở Khoa học Công nghệ dẫn đến nhiều bất cập. Hầu hết các lò đốt rác trên địa bàn chưa đạt yêu cầu. Nếu nói chỉ đốt rác thì đạt yêu cầu còn nói để xử lý rác thải là chưa được”, ông Xuất cho biết.

Công nghệ lỗi thời?

Theo báo cáo không đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 50 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, đa số là lò đốt cỡ nhỏ (dưới 500 kg/h). Nhưng cũng chỉ là một giải pháp tình thế, góp phần giải quyết vấn đề chất thải sinh hoạt nông thôn. Theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Môi trường Y tế (Bộ Y tế), không chỉ gây ô nhiễm không khí, bệnh về hô hấp, các lò đốt còn tạo ra các chất dioxin, furan, chất gây ung thư, hiệu ứng nhà kính… Đặc biệt, lò đốt loại nhỏ không xử lý hết được các chất ô nhiễm, dẫn đến kim loại nặng có thể đọng lại trong tro. Kim loại nặng là một trong những chất thải nguy hại có thể gây ung thư…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, vừa qua, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ TN&MT khảo sát việc sử dụng lò đốt chất thải ở một số địa phương. Kết quả cho thấy, một số lò đốt chất thải sinh hoạt đang hoạt động chưa đáp ứng về mặt kỹ thuật cũng như về xử lý khí thải. Thậm chí một số lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải và trên ống khói không có điểm lấy mẫu khí thải, khi đoàn khảo sát yêu cầu lấy mẫu thì đơn vị mất mấy ngày để đục cửa lấy mẫu. Nhiều lò đầu tư ở cấp xã, huyện để giải quyết tình thế nên không có quan trắc, thậm chí không có thiết kế, hồ sơ giấy tờ.

Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới có hiệu lực cùng Nghị định số 38/2015/NĐ – CP và các Thông tư hướng dẫn là những căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý lò đốt rác thải theo định hướng mới. Đại diện Bộ TN&MT cho biết, Bộ cũng đang xây dựng ban hành QCVN về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đây là những căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất, lựa chọn sử dụng và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn đầu.

“Hiện nay đã có nhiều lựa chọn tiên tiến cho xử lý chất thải sinh hoạt. Ví dụ như đồng xử lý trong lò nung xi măng rất hiệu quả do lò xi măng sẵn có nên không mất tiền đầu tư, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Một số nước đang đi theo hướng công nghệ chuyển hóa chất thải thành nhiên liệu như than, dầu, khí đốt hoặc ninh áp suất cao để chuyển hóa chất thải thành các vật chất hữu cơ đồng nhất làm phân bón mà không cần phân loại… Việt Nam có thể xem xét áp dụng”, ông Yên đề xuất.

 

Theo Báo Tin Tức