Vào ngày 10/7, ông Vinayak Bhat, Đại tá quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu công bố những hình ảnh từ vệ tinh và chỉ ra rằng đập Tam Hiệp đã mở toàn bộ cửa xả lũ. Hơn nữa, chính quyền mở cửa lũ và gây ra lụt trước khi công bố cho người dân, thậm chí lần mở cửa lũ vừa qua là không cần thiết vì mực nước còn thấp hơn cả năm 2017. Nếu thật là như vậy thì đúng là “coi mạng người như cỏ rác”!
Chính quyền TQ xả lũ trước khi thông báo, và tất cả các cửa xả lũ đều đã được mở
Sau khi mở 2 cửa xả lũ hôm 29/6, hình ảnh mới nhất được Tân Hoa xã đăng tối 2/7 cho thấy đập Tam Hiệp chắn ngang sông Trường Giang đã mở 3 cửa xả lũ. Cho đến thời điểm này, Bắc Kinh vẫn khẳng định chỉ mở 3 cửa xả lũ, thậm chí còn giảm lượng xả xuống một nửa nhằm giảm tải cho hạ lưu.
Tuy nhiên, trên tờ India Today, Đại tá Vinayak Bhat công bố ảnh vệ tinh cho thấy, nước được xả ra từ ít nhất 5 cửa xả lũ lớn và 5 cửa xả lũ nhỏ của đập Tam Hiệp vào ngày 24/6, tức là 5 ngày trước khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố xả lũ đập thủy điện lớn nhất thế giới (tức ngày 29/6).
Theo tờ Laodong, Đại tá Vinayak đã nói với Taiwan News rằng, dựa trên ước tính của ông, tất cả các cửa xả lũ đều mở ít nhất một phần, trong đó ít nhất 5 cửa lớn mở hoàn toàn.
Được biết, đập Tam Hiệp có 23 cửa xả đáy và 22 cửa cống bề mặt.
Bên cạnh đó, một bài đăng trên Twitter hôm 28/6 đã đăng tải những bức ảnh mới nhất về con đập Tam Hiệp đang mở tới 7 cửa xả lũ để giải phóng lượng nước cực lớn đang đổ về từ thượng nguồn.
Nếu xả lũ là vì bảo vệ đập Tam Hiệp thì chính là “coi mạng người như cỏ rác”
Đáng chú ý là Đại tá Ấn Độ nhận định, việc xả lũ tại Đập Tam Hiệp ở thời điểm đó là thực sự không cần thiết và tác động mạnh đến tình hình lũ lụt ở hạ lưu Dương Tử.
Theo ông Vinayak, mực nước của hồ chứa vào ngày 24/6, hai ngày sau trận lũ lớn ở thượng nguồn, thực ra thấp hơn 15 mét so với một bức ảnh từ ngày 27/10/2017, khi các cửa xả lũ hoàn toàn đóng.
Ông khẳng định rằng, mặc dù mực nước năm 2017 cao hơn 15 mét nhưng rõ ràng lúc đó không có nhu cầu xả lũ, và việc xả lũ như đã thấy vào ngày 24/6/2020 là không cần thiết.
Vào ngày 27 và 28/6 nhiều video được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy thành phố Nghi Xương nằm ngay dưới đập Tam Hiệp phải trải qua trận lụt lớn. Người dân nghi ngờ rằng lũ lụt là kết quả của việc con đập lớn nhất thế giới mở cửa xả lũ để giảm áp lực cho nguy cơ vỡ đập.
Như vậy, sự hoài nghi về việc Tam Hiệp gặp sự cố nên phải xả nước dù mực nước không cao như năm 2017 càng được củng cố. Nghĩa là có khả năng chính quyền Trung Quốc đã lựa chọn xả lũ để bảo vệ đập mà không màng đến tính mạng của người dân, thậm chí còn “tiền trảm hậu tấu” mà không công bố trước đó để người dân có thể kịp thời xoay sở.
Đại tá Vinayak cho biết, các hình ảnh vệ tinh mới nhất đến từ nhà cung cấp hình ảnh nguồn mở Sentinel, trong khi các ảnh cũ hơn có nguồn gốc từ Google Earth.
Mưa lớn và lũ lụt đang làm ảnh hưởng tới hàng chục triệu người Trung Quốc, gây nên thiệt hại hàng tỷ USD. Khoảng 140 người đã thiệt mạng hoặc mất tích vì lũ lụt tại Trung Quốc, theo số liệu chính thức.
Lương Phong(t/h)