Hôm thứ Ba (29/9), Đại sứ sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ tại Trung Quốc một lần nữa chỉ trích việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu tình hình dịch bệnh; ông cũng tuyên bố rằng, chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách giúp các công ty và cá nhân Mỹ ở Trung Quốc đạt được sự đối đãi tương tự như các công ty và cá nhân Trung Quốc ở Mỹ.
Cựu Thống đốc tiểu bang Iowa – Ông Terry Branstad, sau khi đã đảm nhiệm cương vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc trong 3 năm 3 tháng, vào cuối tuần này ông sẽ trở lại Iowa. Bắc Kinh là nơi vợ chồng ông sinh sống lâu nhất ngoài quê hương. Hiện Tổng thống Trump vẫn chưa chỉ định ai sẽ là Đại sứ thay thế cho ông Branstad .
Hãng thông tấn Associated Press (AP) của Hoa Kỳ đưa tin vào ngày 29/9 nói rằng, trong một cuộc phỏng vấn tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, ông Branstad một lần nữa tuyên bố rằng quan hệ Mỹ – Trung đã bị tổn hại do đại dịch. Ông nói rằng Tập Cận Bình từng đảm bảo với Trump rằng đại dịch đã thực sự được Kiểm soát, nhưng sự thật không phải là như vậy.
Branstad nói: “Hiển nhiên, tôi cho rằng cảm tình của tổng thống đối với Trung Quốc (Bắc Kinh) có liên quan mật thiết đến những điều này”.
Trump một mực lên án ĐCSTQ vì tội che giấu tình hình dịch bệnh khiến đại dịch virus Vũ Hán lan tràn khắp thế giới. Tối ngày 15/9, Trump đã tham gia một cuộc đối thoại trên truyền hình do đài ABC tổ chức ở Philadelphia, tại đây ông đã kể về quá trình liên lạc giữa ông và Tập Cận Bình sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc
Trump nói: “Khi mới bắt đầu bùng phát (dịch), trước khi không ai biết (virus) này là gì, tôi đã từng có cuộc nói chuyện qua điện thoại cùng Tập Cận Bình và ông ấy nói, ‘Chúng tôi đã làm rất tốt, chúng tôi đã kiểm soát được dịch’, thế là tôi yên tâm.”
“Ông ấy (Tập Cận Bình) nói với tôi, ‘Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát’. Sự thật đã chứng minh điều đó hoàn toàn là giả, bởi vì dịch bệnh không được kiểm soát, và nó đã lan truyền khắp 188 quốc gia trên thế giới”, Trump nói.
Sau đó, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích ĐCSTQ che giấu dịch bệnh khiến đại dịch lan rộng, ông cũng nhiều lần nói rằng dịch bệnh đã làm thay đổi quan điểm của ông về hiệp định thương mại giai đoạn một mang tính lịch sử giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong quan hệ thương mại
Branstad nói: “Tôi nghĩ trong lĩnh vực thương mại, chúng tôi đã giành được sự chú ý của họ (Trung Quốc) và đang đạt được nhiều tiến bộ.”
Ông trích dẫn giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại đã đạt được vào tháng Giêng, cùng với việc Bắc Kinh đồng ý liệt kê fentanyl là chất phải được kiểm soát là một bước phát triển khá tích cực. Hoa Kỳ đang nỗ lực giảm nhập khẩu thuốc phiện từ Trung Quốc.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể ở những phương diện khác, ví dụ như về phương diện đối đãi với truyền thông của chúng ta, phương diện đối đãi với các nhân viên ngoại giao của chúng ta cũng đạt được tiến triển giống như vậy.” Ông nói.
Branstad đã đi du lịch nhiều nơi ở Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình. Ông phàn nàn rằng mọi chuyến thăm đều cần được sự chấp thuận của chính quyền ĐCSTQ. Vào năm ngoái, trước khi được đến Tây Tạng, ông đã phải nộp đơn xin ba lần.
Ông nói rằng ở Tây Tạng, ông đã giao tiếp cởi mở với các giáo viên và học sinh ở đó.
Ở những vùng khác nhau của Trung Quốc, Branstad cũng đã có những trải nghiệm rất khác nhau.
Hoa Kỳ cố gắng duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc
Để tìm kiếm một mối quan hệ đối đẳng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây đã áp đặt các hạn chế đối với các nhà ngoại giao và nhà báo Trung Quốc, đồng thời cho đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, nơi mà Hoa Kỳ cho là nơi ẩn náu của một ổ gián điệp ĐCSTQ.
ĐCSTQ ngay sau đó cũng ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị nói rằng, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979, quan hệ hai nước đã phải đối mặt với những thách thức gay gắt nhất.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác cũng đã chỉ trích gay gắt các hoạt động quân sự của ĐCSTQ ở Biển Đông, các vấn đề về nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.
Branstad nói rằng, mối quan hệ Mỹ-Trung đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá khứ và ông thừa nhận rằng đối với những áp lực mà ĐCSTQ gây ra có thể sẽ dẫn đến nhiều biện pháp hạn chế hơn.
Ông nói: “Thật không may, chúng tôi đang cố gắng cân bằng lại mối quan hệ (Mỹ-Trung) để chúng ta có một mối quan hệ công bằng và cùng có lợi, nhưng mỗi khi chúng tôi làm điều gì đó, họ (ĐCSTQ) sẽ khiến cho mối quan hệ đó không còn công bằng.”
Branstad: Tôi có mối quan hệ lâu dài với Tập Cận Bình, nhưng tôi đại diện cho Hoa Kỳ
Branstad có mối quan hệ lâu dài với Tập Cận Bình. Sau khi ký kết hiệp định bang giao giữa Iowa và tỉnh Hà Bắc, ông đã đến thăm Trung Quốc vào năm 1984 với tư cách là thống đốc Iowa và gặp Tập Cận Bình vào năm sau đó.
Mặc dù mối quan hệ Mỹ-Trung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Branstad tin rằng mối quan hệ lâu dài của ông với Tập Cận Bình vẫn rất có giá trị. Ông cho biết kể từ khi đến Trung Quốc vào năm 2017 đến nay, ông đã gặp Tập Cận Bình nhiều lần, trong đó có một bữa tối gia đình vào đầu năm 2018, con gái và cháu trai của Branstad cũng có tham dự.
Branstad nói: “Tôi cho rằng ông ấy đối với tôi, đối với Iowa và cách mà chúng tôi cư xử với ông ấy, vẫn rất có hảo cảm”; “Ngoài ra, tôi thấy rằng trong nền văn hóa này, mối quan hệ giữa các cá nhân là rất quan trọng. Nhưng tôi Đại diện cho Hoa Kỳ.”
Branstad hy vọng rằng sau khi trở lại Hoa Kỳ, ông sẽ vận động cho Trump và các ứng cử viên Đảng Cộng hòa khác ở Iowa. Ông nói rằng một phần trọng tâm của ông sẽ là các hành động của chính phủ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, cùng với việc tất yếu phải duy trì quan hệ (Mỹ – trung), nhưng ông khẳng định phải duy trì quan hệ Mỹ-Trung công bằng.
Chính trị gia lão luyện 73 tuổi nói: “Tôi chưa bao giờ thua trong một cuộc bầu cử. Đó là bản năng của tôi”.
Minh Huy (Theo Epoch Times)