Tinh Hoa

Đại quân châu chấu tấn công TQ, chính quyền khẩn cấp phòng bị lương thực

Trong khi lũ lụt vẫn đang lan tràn ở miền Nam thì nạn châu chấu cũng đã xuất hiện ở nhiều nơi của Trung Quốc. Gần đây chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu nông dân các nơi “trả lại đất canh tác bảo đảm lương thực”, cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực đang rất nghiêm trọng.

Kiếp nạn lũ lụt chưa qua, thảm họa châu chấu đã đến, Chính quyền Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 3/7, có cư dân mạng đã đăng tải một đoạn video cho thấy một số lượng lớn châu chấu xuất hiện ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc; huyện Giang Thành, thành phố Phổ Nhị, tỉnh Vân Nam và những nơi khác.

Đoạn video cho thấy số lượng lớn châu chấu xuất hiện ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, châu chấu bò đầy khắp mặt đất. Những con châu chấu này đều đang trong giai đoạn trưởng thành, hiện tại vẫn còn trong giai đoạn ấu trùng.

Huyện Giang Thành, thành phố Phổ Nhị, tỉnh Vân Nam cũng xuất hiện một số lượng lớn châu chấu, bay đầy khắp trời, ùn ùn kéo đến.

Ngày 30/6, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ, huyện Toàn Châu, một huyện nông nghiệp ở Quế Lâm, Quảng Tây, trong một đêm đã bị “đội quân châu chấu” tàn phá. Trong video có thể thấy châu chấu giăng đầy, cây trồng bị cắn tàn tạ không còn nguyên vẹn, thậm chí có cả đàn châu chấu đang bò đầy trên “quần áo” của nông dân. Người quay phim nhao nhao kêu lên “quá khủng khiếp”, “tai họa rồi”, “dọa chết người rồi” .

Đoạn video cho thấy thảm họa châu chấu đã lan rộng, và châu chấu đã xuất hiện ở An Hòa, Thạch Đường, Miếu Đầu, các làng và thị trấn khác ở huyện Toàn Châu, trong đó thị trấn Thiệu Thủy bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Theo ước tính sơ bộ của Cục Nông nghiệp và Nông thôn huyện Toàn Châu thì chỉ riêng cây liễu bên sông Thiệu Thủy có diện tích bị thiệt hại lên đến trên 100 mẫu, “cây nông nghiệp gần như bị tàn phá hết”.

Cư dân mạng lo lắng: “Đánh giá từ kinh nghiệm, đây là khúc dạo đầu cho sự bùng phát quy mô lớn của nạn châu chấu. Nếu không được kiểm soát kịp thời thì hậu quả sẽ không thể gánh nổi.”

“Trả lại đất canh tác bảo đảm lương thực” là nhiệm vụ quốc gia

Lũ lụt tràn lan cộng thêm nạn châu chấu bùng nổ trên quy mô lớn, các động thái gần đây của ĐCSTQ cho thấy vấn đề khan hiếm lương thực đang trở nên rất nghiêm trọng.

Theo báo cáo, văn phòng Nông nghiệp và Nông thôn Thành Đô của Tứ Xuyên gần đây đã ban hành một văn kiện, yêu cầu điều tra và báo cáo về việc phục hồi trồng lúa trong vườn cây và đồn điền trên toàn thành phố để đối phó với khủng hoảng lương thực có thể xảy ra.

Nội dung của văn kiến là muốn khuyến khích dân làng từ bỏ việc trồng cây ăn quả để trồng lúa, họ hứa sẽ bồi thường 3.000 nhân dân tệ trên mỗi mẫu cho những người bỏ vườn cây ăn quả để trồng lúa.

Một nông dân địa phương cho rằng, phía chính phủ trả chi phí cao như vậy để chuyển từ cây ăn quả qua trồng một loại lương thực chính (gạo) là cực kỳ kém hiệu quả, điều đó có nghĩa là dự trữ lương thực của Trung Quốc tương đối kém.

Cục Nông nghiệp và Nông thôn Thành Đô tuyên bố rằng, việc “trả lại đất canh tác bảo đảm lương thực” là nhiệm vụ quốc gia, nhưng các mức bồi thường ở các khu vực khác nhau sẽ khác nhau. Hiện tại nó vẫn đang trong giai đoạn điều tra và nguồn vốn cuối cùng vẫn do chính phủ định đoạt.

Ngoài Tứ Xuyên, ông Phương, một quan chức cơ sở ở thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, thành phố Hiếu Cảm cũng kêu gọi động viên dân làng cày cấy và hứa trợ cấp 150 nhân dân tệ cho mỗi mẫu đất lương thực, nhưng vì lợi nhuận nông nghiệp bấp bênh nên dù có một khoản bồi thường nhưng rất nhiều nông dân cũng không muốn trồng trọt.

Ông Phương nói, bọn họ cũng sợ nạn đói như năm 1959, nên năm nay loại lương thực này được coi trọng nhiều hơn và có một số ưu đãi cho nông nghiệp, nhưng cho dù như vậy thì vẫn có rất nhiều người không muốn canh tác.

Ông Trần đến từ Trùng Khánh cũng xác nhận rằng, nhiều cuộc khủng hoảng đang nổ ra cùng một lúc và tình hình chính trị đang hỗn loạn. ĐCSTQ muốn ngưng nhập khẩu lương thực của Hoa kỳ để gây áp lực lên Hoa Kỳ nhưng dự trữ lương thực quốc gia đang xuất hiện lỗ hổng, điều này làm cho phía chính phủ lo lắng đến vấn đề an toàn lương thực, bởi vì người dân chỉ cần còn có cái ăn thì bất kỳ nghịch cảnh nào cũng sẽ chịu đựng được, nhưng một khi cạn lương thực thì tất cả những thủ đoạn để duy trì ổn định cũng sẽ mất đi hiệu lực.

Ông Trần cũng nói rằng, một mặt chính quyền đã đẩy mạnh việc phục hồi nguồn lương thực chính với chi phí rất lớn, mặt khác, họ lại triển khai đội quân quy mô lớn đến cao nguyên Tây Bắc, đưa quân nhân dự bị vào sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy, thậm chí tuyên truyền khoe khoang là để phát triển tổ chức dân binh khuếch trương thế lực. Điều đáng lo ngại là chính sách của mấy thập niên trước “chuẩn bị chiến tranh chuẩn bị cho mất mùa” đang tái diễn.

Minh Huy (Theo NTDTV)