Epoch Times, tên tiếng Trung là Đại Kỷ Nguyên Thời báo, được thành lập năm 2000, có trụ sở chính tại New York, đến nay đã phát triển thành một tờ báo lớn, có tính bao quát và trung thực với các ấn bản ở 8 ngôn ngữ. Paul Taylor – Thượng nghị sĩ của bang California, cho biết “Epoch Times là tờ báo mà ông Trump cho là đáng tin cậy nhất thế giới”.
1. Phát triển phần mềm vượt tường lửa
Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) đã tham gia phát triển một số phần mềm vượt tường lửa phổ biến nhất và mạnh nhất để vượt qua “Great Firewall” – Vạn lý Tường lửa kiểm duyệt Internet của Trung Quốc. Trong đó có FreeGate và UltraSurf.
Năm 2011, Quốc hội Mỹ đã ban hành một thông cáo nêu rõ FreeGate và UltraSurf là những phần mềm vượt tường lửa hiệu quả nhất.
Nhiều người nước ngoài đến Trung Quốc đại lục cũng phải sử dụng phần mềm vượt tường lửa để truy cập Facebook và YouTube. Nhân viên của các công ty nước ngoài đặt ở Trung Quốc cũng dựa vào phần mềm vượt tường lửa để đăng nhập Gmail hoặc email công ty.
Còn đối với người Trung Quốc thì phần mềm vượt tường lửa là cách duy nhất để họ vượt qua sự phong tỏa Internet nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhằm nắm bắt thông tin không bị kiểm duyệt. Dữ liệu từ website của Đại Kỷ Nguyên cho thấy: 80% độc giả của Đại Kỷ Nguyên tại Trung Quốc đang sử dụng phần mềm vượt tường lửa.
Theo tờ New York Times, những người hoạt động trong Phong trào Xanh (Green Movement) quy mô lớn ở Iran năm 2009 đã sử dụng FreeGate. Nó giúp họ đột phá phong tỏa Internet và sự ngăn chặn truyền thông của chính phủ Iran.
FreeGate không cần phải cài đặt và không lưu lại lịch sử trên máy tính. Nó có mức độ bảo mật còn cao hơn của ngân hàng Internet.
2. Thời báo Đại Kỷ Nguyên là tờ báo có nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới
Đại Kỷ Nguyên là tờ báo toàn cầu và đưa những tin chính thống. Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, Đại Kỷ Nguyên phát hành các ấn bản bằng tiếng Trung và ngôn ngữ địa phương.
Ban đầu, Đại Kỷ Nguyên được xuất bản bằng tiếng Trung phồn thể. Một năm sau ấn bản tiếng Hàn của Đại Kỷ Nguyên được phát hành. Hiện tại Đại Kỷ Nguyên đã có ấn bản bằng 8 ngôn ngữ: Trung, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn, Nhật, Indonesia và Do Thái.
Đại Kỷ Nguyên hiện có phiên bản trực tuyến bằng 21 ngôn ngữ: Đức, Nga, Ý, Bồ Đào Nha, Rumani, Bulgaria, Séc, Slovak, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Ba Tư…
3. Tờ báo được xuất bản rộng rãi nhất
Đại Kỷ Nguyên là tờ báo tiếng Trung được xuất bản rộng rãi nhất trên thế giới. Tổng số lượng phát hành hàng tuần là 1,6 triệu bản tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu, Úc và Châu Á.
Ấn phẩm này đã bao phủ 5 châu lục và 35 quốc gia. Đồng thời Đại Kỷ Nguyên đang cố gắng đạt mục tiêu “nơi nào có người Trung Quốc, nơi đó có Đại Kỷ Nguyên”.
Theo dữ liệu năm 2012, Đại Kỷ Nguyên đã trở thành tờ báo tiếng Trung và phương tiện truyền thông đa ngôn ngữ lớn nhất thế giới. Phóng viên của báo có mặt tại 60 quốc gia và khu vực.
Với mạng lưới khổng lồ này, Đại Kỷ Nguyên có thể nắm bắt được những tin tức quan trọng trong thời gian ngắn, cung cấp tin tức và thông tin mới nhất cho độc giả trên toàn thế giới.
4. Phương tiện truyền thông đầu tiên đưa tin về dịch SARS một cách có hệ thống và liên tục
Đối với những người sống ở Trung Quốc đại lục, việc thiếu thông tin chân thực có thể ảnh hưởng đến mạng sống của họ.
Ví dụ điển hình là dịch SARS năm 2003. Đại Kỷ Nguyên là phương tiện truyền thông đầu tiên đưa tin có hệ thống và liên tục về SARS – việc làm có ý nghĩa then chốt đối với tính mạng của người dân ở đại lục.
Tháng 2/2003, một giáo sư của Đại học Trung Sơn Quảng Đông đã đến Hong Kong để trị bệnh và ở lại khách sạn Metropark, Mongkok. Vị giáo sư và khách ở khách sạn bị nhiễm bệnh đã mang SARS đến Hong Kong và thế giới.
Sự việc này lại diễn ra ngay trước các cuộc họp của Lưỡng hội Trung Quốc. ĐCSTQ đã ra sức làm dịu tình hình và che đậy dịch bệnh.
Đại Kỷ Nguyên đã xuất bản hàng trăm bài báo để cung cấp cho độc giả những tin tức quan trọng về loại virus gây chết người này. Lúc đó, lưu lượng truy cập phần mềm vượt tường lửa và website của Đại Kỷ Nguyên tăng gần gấp đôi.
Đại Kỷ Nguyên báo cáo mức độ, phạm vi của dịch bệnh, dân số bị ảnh hưởng, v.v. Do đó, tờ báo đã trở thành nguồn tin quan trọng cho các phương tiện truyền thông toàn cầu có được sự thật về đại dịch.
Sau khi Đại Kỷ Nguyên đưa tin, những phương tiện truyền thông khác ở Trung Quốc cũng bắt đầu công bố các thông tin liên quan. Với áp lực cộng đồng ngày càng tăng, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận sự bùng phát của dịch SARS.
Mãi đến giữa tháng 3 năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới mới chính thức đặt tên cho loại virus là hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS).
Cho đến nay, khi tình hình dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, Epoch Times vẫn là một trong những tờ báo cập nhật thông tin liên tục và chính xác về những diễn biến mà ĐCSTQ không muốn người dân của họ biết. Với việc che giấu sự thật về dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã đặt người dân vào tình thế thiếu cảnh giác và không có biện pháp bảo vệ cho bản thân.
Một độc giả người Hoa sống tại Mỹ đã gọi điện đến tổng đài của Epoch Times để cảm ơn những sự thật mà trang báo cung cấp, bà nói: ““Chính Epoch Times đã cứu mạng tôi. Không có ‘Epoch Times’ tôi sẽ mãi ‘mù tịt’ không biết gì, nếu phải “chôn chân” ở Trung Quốc thì sẽ lo sợ đến nhường nào, bạn không biết sẽ nhiễm căn bệnh đó vào lúc nào: khi đi siêu thị, đi thang máy hay đi vệ sinh… Tôi đã nghe Epoch Times và quay lại sớm, nên tránh được những mối rủi ro này. Vậy về mặt khách quan chính ‘Epoch Times’ là ‘ân nhân’ cứu mạng của tôi, mà căn bệnh này là một căn bệnh rất dễ lây lan, vì vậy ‘Epoch Times’ đã cứu mạng sống của cả gia đình chúng tôi”.
5. Loạt bài viết khởi xướng làn sóng toàn cầu
Năm 2004, Đại Kỷ Nguyên công bố loạt bài có tên Cửu Bình, phơi bày bản chất và lịch sử bị che đậy của ĐCSTQ.
Thông qua việc đọc Cửu Bình, một lượng lớn người Trung Quốc đã hiểu được sự thật về ĐCSTQ. Điều này làm dấy lên phong trào thức tỉnh: Hàng triệu người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên quan.
Từ 1/1/2005 đến 3/2016, 232 triệu người Trung Quốc đã tuyên bố thoái Đảng trên trang web của Đại Kỷ Nguyên.
Ngoài ảnh hưởng đối với người Trung Quốc, Cửu Bình cũng đã làm dấy lên làn sóng thoát ly đảng cộng sản toàn cầu.
6. Tường thuật trực tiếp về phong trào phản đối Điều 23 – Luật Cơ bản của Hồng Kông
Năm 2003, chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng khiến Điều 23 Luật cơ bản của Hồng Kông có hiệu lực, gây ra sự phản kháng mạnh của người dân.
Điều 23 là luật chống lật đổ, được đề xuất nhằm mục đích dập tắt tiếng nói chống ĐCSTQ ở Hong Kong. Vào ngày 1/7 năm đó, nửa triệu người đã xuống đường phản đối dự luật này.
Đại Kỷ Nguyên đã song hành cùng người dân Hong Kong. Phóng viên của Đại Kỷ Nguyên ở Mỹ và Châu Âu đã phỏng vấn các quan chức chính phủ, đại biểu Quốc hội và Nghị viện. Ngay sau đó, Quốc hội Mỹ, Hội đồng liên bang, Nghị viện Châu Âu và nhiều nước châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm và thái độ của họ đối với Điều 23.
Đại Kỷ Nguyên đã tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình ở hơn 20 thành phố trên thế giới để ủng hộ phong trào người dân Hong Kong chống lại Điều 23, cũng như các sự kiện khác có liên quan.
Dưới áp lực của Hong Kong và cộng đồng quốc tế, cuối cùng ĐCSTQ đã buộc phải rút lại dự luật.
7. Vượt qua áp lực để phơi bày sự thật
Ở Trung Quốc, chính quyền cộng sản kiểm soát đất nước bằng cách lừa dối và phong tỏa thông tin. Trong mắt các nhà chức trách Trung Quốc, những hãng truyền thông đưa tin chân thực là kẻ gây rối.
Trong hoàn cảnh hà khắc, các phóng viên và biên tập viên của Đại Kỷ Nguyên ở Trung Quốc đại lục đã vượt qua đe dọa, áp lực, kết tội phi pháp và các nguy cơ đe dọa tính mạng để đưa tin chân thực. Hầu hết những người báo cáo tin tức cho Đại Kỷ Nguyên ở Trung Quốc là sinh viên đại học nổi tiếng và trí thức trẻ, một số là học viên Pháp Luân Công.
Họ lên tiếng thay cho nhóm người yếu thế ở Trung Quốc. Trong đó có những người bị đàn áp vì theo đạo Thiên Chúa, Công giáo, học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người tái định cư, người đi kiến nghị. Ngoài ra còn phải kể đến luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, nhà hoạt động xã hội Hồ Gia và luật sư khiếm thị Trần Quang Thành cùng nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác… và còn những nạn nhân của sữa nhiễm độc, gạo độc…
Các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tuyên truyền rằng xã hội đang ổn định và che đậy các thảm họa, kể cả dịch bệnh đang bùng phát. Trong khi đó, Đại Kỷ Nguyên cho công chúng biết sự thật. Đồng thời, họ còn vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ, nội tình các cuộc đấu đá chính trị của Bắc Kinh, v.v. Qua đó, người dân Trung Quốc có thể nhìn thấu sự dối trá, và giúp cộng đồng quốc tế hiểu được tình hình chính trị, và kinh tế thực sự ở Trung Quốc.
Khi công tác cho Đại Kỷ Nguyên, hơn 40 phóng viên và cộng tác viên ở Trung Quốc đại lục đã bị bắt giữ. Có những người phải ở từ từ 3 đến 10 năm hoặc bị gửi vào các trại lao động tập trung.
8. Các chuyên gia có trình độ học vấn cao đang hỗ trợ cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên
Những người sáng lập ra Epoch Times là một nhóm người Hoa ở hải ngoại. Họ rất quan tâm đến tình hình của Trung Quốc, và lo lắng về việc các tuyên truyền của ĐCSTQ đang bao phủ quốc gia này.
Năm 2000, báo Đại Kỷ Nguyên và website đã ra mắt ở Mỹ. Sau hơn 10 năm nỗ lực, tờ báo đã phát triển thành tờ báo tiếng Hoa lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Các nhân viên và hàng trăm tình nguyện viên của Đại Kỷ Nguyên đã đột phá sự phong tỏa mà ĐCSTQ thiết lập trên các phương tiện truyền thông nước ngoài.
Nhân viên của Đại Kỷ Nguyên có học vấn cao và tinh thần đảm đương sứ mệnh. Nhiều biên tập viên và phóng viên ở các chi nhánh trên thế giới là thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Trong đó, nhiều người là sinh viên, học giả và chuyên gia kỹ thuật ưu tú của Trung Quốc đã nghiên cứu và định cư ở nước ngoài.
Ấn bản tiếng Anh của Đại Kỷ Nguyên đã giành được 21 giải thưởng trong cuộc thi Hiệp hội báo chí New York lần thứ 85 năm 2015, gồm các giải dành cho tin tức trực tiếp, tin tức đặc biệt, nhiếp ảnh, thiết kế tổng thể và quảng cáo tốt nhất.
9. Phiên bản Hong Kong của Epoch Times chưa bao giờ ngừng xuất bản
Đại Kỷ Nguyên Hong Kong là chi nhánh thuộc tập đoàn truyền thông Epoch Times, và là tờ báo duy nhất của Đại Kỷ Nguyên hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc.
Ấn bản tiếng Trung của Đại Kỷ Nguyên Hong Kong ra đời dưới dạng tuần báo vào năm 2001 và phát triển thành nhật báo vào tháng 1/2005. Kể từ 21/3/2016, nó chính thức có mặt trên các sạp báo.
Đại Kỷ Nguyên cung cấp tin tức trung thực cho người dân Hong Kong, phơi bày tình hình thực sự của Trung Quốc đại lục, đồng thời đóng vai trò cầu nối chân thành và đáng tin cậy tới đại lục.
Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Đại Kỷ Nguyên mang đến mối lo cho ĐCSTQ. Tháng 5/2005, những nhà in cho Đại Kỷ Nguyên Hong Kong chịu áp lực từ ĐCSTQ nên đã chấm dứt hợp đồng in ấn.
Với sự giúp đỡ từ các văn phòng Đại Kỷ Nguyên toàn cầu, Đại Kỷ Nguyên Hong Kong mở cơ sở in riêng vào tháng 2/2006.
ĐCSTQ nhiều lần thuê côn đồ gây thiệt hại cho các cơ sở in của Đại Kỷ Nguyên, nhưng việc in ấn chưa bao giờ bị gián đoạn. Các tờ báo Đại Kỷ Nguyên ở Hong Kong đã liên tục được phát hành trong 15 năm qua.
10. Từ chối mọi hình thức đầu tư vốn từ ĐCSTQ
Những năm gần đây, tài trợ vốn từ đại lục đã len lỏi vào truyền thông Hong Kong. Những nhà đầu tư này khoác lớp áo của những doanh nhân giàu có từ Trung Quốc đại lục hoặc Đông Nam Á. Thực tế thì họ nằm trong kế hoạch hoạt động “đại tuyên truyền” được ĐCSTQ rót vốn.
Theo Tổ chức Jamestown của Mỹ, ĐCSTQ đã nỗ lực can thiệp vào truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài. Các chiến lược chính gồm: kiểm soát đầu tư cổ phiếu, cung cấp cho ông chủ các hãng truyền thông lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc đại lục và cài cắm đảng viên vào nội bộ các hãng truyền thông.
Nhiều phương tiện truyền thông tiếng Trung đã bị mua chuộc hoặc né tránh các vấn đề nhạy cảm khi đưa tin về Trung Quốc do sợ làm mất lòng ĐCSTQ. Những tờ báo này ngày càng biểu đạt thái độ theo đảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng từ trước đến nay, Đại Kỷ Nguyên luôn tồn tại độc lập và từ chối những hình thức đầu tư vốn từ ĐCSTQ.
Truyền thông được xem là phương tiện bảo vệ công bằng xã hội, lương tâm đạo đức và quyền tự do. Nếu ý thức được sứ mệnh của báo chí và tuân thủ các nguyên tắc độc lập – trung thực khi đưa tin, các hãng truyền thông mới có thể được độc giả ủng hộ và phát triển bền lâu. Trong vòng mười mấy năm ngắn ngủi, Đại Kỷ Nguyên đã phát triển và mở rộng như một kỳ tích nhờ sức mạnh của công lý và sự ủng hộ từ độc giả.
Thiên Hoa (Theo Epoch Times)