ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh cho rằng việc bắt đầu giờ học, giờ làm từ 8h30 và giảm thời gian nghỉ trưa xuống còn 1 tiếng sẽ mang lại lợi ích giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc và chăm lo đời sống cho gia đình.
Chiều 31/10, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã nêu đề xuất về việc đổi giờ học giờ làm phù hợp hơn ở các đô thị.
Việt Nam đang áp dụng khung giờ làm việc của nước nông nghiệp
Theo đại biểu Cảnh, việc thống nhất giờ làm với các cơ quan hành chính các cấp là không phù hợp vì tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa, điều kiện ở mỗi vùng mỗi khác.
Trong khi hầu hết quốc gia ở Châu Á và trên thế giới đều bắt đầu làm việc từ 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng thì Việt Nam vẫn đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp áp vào các đô thị phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Hiện nay, một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài cũng đã áp dụng giờ làm việc từ 8h30-9h, trong khi ở Việt Nam, học sinh phải bắt đầu học từ sớm. Nhiều phụ huynh cũng lo lắng vì con em phải dậy sớm để đến trường mà không có bữa sáng phù hợp. Trong khi đó, 7h-9h sáng là thời điểm tốt nhất cho bữa ăn sáng…
Đi làm, đi học muộn sẽ nâng cao hiệu quả làm việc và đời sống gia đình
Trước tình trạng trên, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã kiến nghị Thủ tướng cần phải điều chỉnh đồng bộ giờ học, giờ làm từ 8h30 và nghỉ trưa 1 tiếng để nâng cao hiệu quả làm việc và chăm lo đời sống cho gia đình.
Đại biểu phân tích: “Nếu bắt đầu từ 8h-9h thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi”.
Không những vậy, nếu đi làm, đi học từ 8h30 thì cha mẹ sẽ có đủ thời gian lo cho con cái ăn uống vào bữa sáng cũng như quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường hơn.
Ngoài ra, Đại biểu cũng cho rằng thức khuya ở đô thị cũng phù hợp với đi làm muộn. Điều này phù hợp với xu hướng hiện nay là phát triển kinh tế ban đêm, đóng góp hơn 5% GDP nhiều nước.
Dẫn số liệu thống kê của một tờ báo khảo sát hơn 23.000 độc giả về thời điểm bắt đầu giờ làm việc, ông Cảnh cho biết có 53% chọn 8h30, còn lại 33% chọn 8h và 14% chọn 7h30.
Theo đó, ông Cảnh cho rằng đề xuất đổi giờ làm việc nhận được sự ủng hộ và mong Chính phủ xem xét vấn đề này.
Trước đó, vào kỳ họp giữa năm 2017, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đã lần đầu đưa ra đề nghị này: ông cho rằng nên điều chỉnh giờ làm việc của công chức khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị trên khắp cả nước từ 8h30, kết thúc lúc 17h, nghỉ trưa một tiếng.
Hiện nay giờ làm việc của công chức Việt Nam là từ 7h30 đến 17h, thời gian nghỉ trưa 1,5-2 tiếng.
Vũ Tuấn (t/h