Người dân TP.Đà Nẵng thực hiện Bộ Quy tắc để từng bước hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch, qua đó nâng cao hình ảnh tốt đẹp của con người Đà Nẵng khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động ở nơi công cộng trong và ngoài nước.
Đà Nẵng hướng đến ứng xử có văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch. Ảnh: Nhiệt Băng Ngày 5.8, Sở VHTTDL cho biết, đã ban hành quy định về chuẩn mực ứng xử của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, người dân địa phương, khách du lịch khi tham gia vào các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngoài các quy tắc ứng xử chung, các tổ chức, cá nhân phải ứng xử đúng mực, tôn trọng khách, có thái độ niềm nở, thân thiện khi phục vụ khách, tư vấn nhiệt tình, trung thực và sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch, biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách, không phân biệt đối xử với khách du lịch, không đeo bám, chèo kéo, làm phiền khách du lịch, không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính, không sử dụng điện thoại, hút thuốc lá, nhai kẹo khi đang phục vụ khách… Ngoài ra, giá cả phải được niêm yết công khai, rõ ràng và bán đúng giá niêm yết, không cung cấp các sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo chất lượng cho khách du lịch. Đặc biệt, luôn sẵn sàng nói “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”, “Xin chào và hẹn gặp lại quý khách”. Riêng đối với người dân Đà Nẵng, cần mặc trang phục lịch sự, phù hợp, tránh mặc trang phục quần short hoặc váy quá ngắn, trang phục hở hang, xuyên thấu hoặc có in hình phản cảm. Người dân Đà Nẵng phải có thái độ thân thiện, mến khách, tôn trọng, giúp đỡ và ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ, không nói lời thô tục, thiếu văn hóa; xếp hàng nghiêm túc khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng… Clip du khách Hà Nội nói về môi trường du lịch Đà Nẵng: |
Theo Lao Động