Tinh Hoa

Cựu Tổng biên tập báo Hà Tĩnh: Đừng để vụ án “tập trống” tại Thái Nguyên trở thành cái ung lớn

Liên quan đến việc công an thành phố Thái Nguyên khởi tố vụ án hình sự đối với các bị can về hành vi “Cướp giật tài sản” của chính họ, ông Nguyễn Quốc Khanh, nguyên Tổng biên tập báo Hà Tĩnh đã đưa ra những nhận định của mình.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, nguyên Tổng biên tập báo Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Báo Hà Tĩnh.

Vào 18 giờ, ngày 29/7/2017, một nhóm 5 người gồm Trần Thị Ngọc, Trần Thị Tiến, Trần Kim Chung, Nguyễn Thị Xìu và Vũ Thị Huyền đều sống tại thành phố Thái Nguyên, đang luyện trống tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên thì bị lực lượng an ninh tới ngăn cản vì cho rằng tập trống là hành vi gây mất an ninh, trật tự công cộng.

Sau đó, công an đã tiến hành thu đài và 3 trống của đội, đưa 5 người lên xe về đồn, bắt từng người kê khai thông tin cá nhân và bảo từng người ký vào biên bản. Tuy nhiên, nhóm 5 người này đều cho rằng mình không sai phạm nên tất cả đều không ký.

Xong việc, bà Xìu ra về trước, còn 4 người ở lại đòi công an trả lại trống. Sau khi xảy ra giằng co với nữ cán bộ trực ban, 4 người còn ở lại lập tức bị bắt tạm giam. Riêng bà Xìu, 1 giờ sáng hôm sau công an vào nhà đọc lệnh bắt. Bà Xìu bị giam 3 ngày đêm, 4 người còn lại bị tạm giữ đến sáng 22/3/2018 mới đem ra xử.

Sau khi sự việc diễn ra, ngày 11/08/2017, Báo điện tử Công an nhân dân Online đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Khởi tố nhóm đối tượng cướp tài sản tại Công an phường”, trong đó có nội dung Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an thành phố Thái Nguyên khởi tố vụ án hình sự đối với các bị can về hành vi “Cướp giật tài sản”, “Khống chế người thi hành công vụ”… Tuy nhiên, bài báo lại quy kết rằng những hành vi đó là do những người này theo tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang rất phổ biến tại Việt Nam, gây nên sự hiểu lầm trong công chúng.

Về vụ án này, ông Nguyễn Quốc Khanh, nguyên Tổng biên tập báo Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Báo Hà Tĩnh, đã đưa ra những nhận định của mình và đăng tải trên trang Facebook cá nhân Nguyễn Quốc Khanh. Sau đây, chúng tôi xin được đăng lại một vài điểm chính.

***

Bài viết về “vụ án Thái Nguyên” đến giờ phút này đã khá đông người đọc và chia sẻ. Cho nên Quốc Hội, HĐND tỉnh Thái Nguyên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không nên đứng ngoài cuộc nữa. Người đọc đứng nhiều góc độ khác nhau nên lý giải khác nhau, đó là quyền của các bạn. Riêng tôi xin bày tỏ nhận thức của mình như sau:

Là một công dân, tôi thấy công an thành phố Thái Nguyên bắt người vô tội và giam giữ họ quá thời hạn pháp luật cho phép. Người dân mang nhạc cụ tập đánh trống ra công viên khi công viên không có sự kiện gì cần giữ trật tự thì sao phải “xin phép” ai?

Một buổi biểu diễn trống lưng của Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân.

Công an xua đuổi họ đã sai, đằng này còn thu giữ tài sản họ không lập biên bản nữa thì càng sai! Tiếp đó bắt họ chở về đồn lấy “lời khai” nữa thì còn gì là phép nước nữa! Một tổ chức có nhiệm vụ chính yếu là giữ gìn pháp luật ở Việt Nam hành xử như thế ư?

Bà Nguyễn Thị Xìu hoàn toàn vô tội, cớ gì 1 giờ sáng đến đọc lệnh bắt người gây chấn động dư luận một vùng? Chỉ những kẻ phạm pháp hình sự nghiêm trọng, hoặc tội phạm truy nã mới dùng lối trấn áp cần thiết như vậy?

Cả 5 người bị bắt giữ đều là công dân tại địa phương, hầu hết cao tuổi từng nhiều năm là công dân gương mẫu sống làm việc theo pháp luật, hết lòng xây dựng quê hương, có vị còn là người có công với đất nước, chỉ là cuối ngày ra vui vẻ văn nghệ lành mạnh, công khai tại công viên bỗng chốc bị coi là tội phạm, bắt giam suốt 8 tháng để “điều tra” làm án!

“Vụ án” này có tình tiết nào khó mà “làm án” suốt 8 tháng mới đem ra xét xử???

Vụ án này sao lại chỉ những người “có giấy mời” của tòa mới được nghe? Tất cả người thân và dân chúng đều không được ngồi tại phòng xử án để theo dõi? Lỗi này làm dân chúng nghi ngờ tính minh bạch của công lý.

Trống lưng, một loại hình nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây, tuy nhiên lại bị chính quyền coi là gây mất an ninh trật tự. (Ảnh: Youtube)

Đừng để vụ án “tập trống” trở thành cái ung lớn

Đúng ra việc “tập trống tại công viên”“xô xát giữa những người bị tam giữ với công an” đều chưa cấu thành tội phạm, bắt giữ là sai ngay từ đầu.

Tiếp đến Viện Kiểm sát thành phố cũng đánh mất vai trò “độc lập xét xử”. Thấy không đủ chứng cứ buộc tội đáng ra phải ra “Quyết định đình chỉ điều tra”, đằng này lại “Gia hạn tạm giam” điều tra bổ sung làm cái sai thêm trầm trọng.

Luật hiện hành không coi người tập Pháp Luân Công là phạm pháp nên chuyển tội danh thành “Cướp tang vật vụ án”. Vậy hỏi:

1. Dùng trống đánh những bản nhạc ca ngợi Chân – Thiện – Nhẫn tại công viên (khi ở đây không có một sự kiện gì lớn) là “Vi phạm trật tự xã hội”?

2. Những người dân không hiểu luật nên định mang trống về dẫn đến giằng co với nữ công an. Sự xô xát này có gây thương tích gì cho vị nữ công an không? Nếu có thì giám định ảnh hưởng sức khỏe bao nhiêu %?

3. Quá trình điều tra, công an tìm cách lập được bản giám định thiệt hại sức khỏe cô này đến mức đủ kết tội, thì tại tòa các bị cáo có quyền đối chất người bị hại. Tôi nghĩ trước 5 mặt – 1 lời, dù tư cách kém đến đâu nữ công an cũng không thể nói mình bị thương trong vụ xô xát đó.

Phải chăng vì thế cô ấy không đến dự phiên tòa? Buộc Tòa phải hoãn đến ngày 11/4 xử lại? Hay hoãn còn có lý do nào khác?

4. Từ thực tế trên, chúng tôi kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần đình chỉ vụ án để công luận đỡ bất bình, để những người bị tạm giam rút ngắn thời gian tủi khổ; nhà nước giảm được số tiền đền bù cho những người bị oan sai (trong đó có cả bà Nguyễn Thị Xìu).

Theo Facebook Nguyễn Quốc Khanh

Bài liên quan: