Trước khi chia tay, chàng lính Mỹ đã mua 50 chiếc phong bì đưa cho cô gái người Việt. Trong nước mắt và sự lưu luyến, chàng trai hứa với người yêu rằng “khi chiếc phong bì cuối cùng được gửi, anh sẽ quay lại tìm em”. Thế nhưng phải 50 năm sau đó, lời hứa thời trẻ năm nào mới được thực hiện.
Ông Ken Reesing vẫn nhớ như in giây phút lần đầu mình gặp người con gái Việt, cũng là mối tình đầu của ông.
Ông kể năm 1966, ông nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Hai năm sau đó, ông được đưa sang làm việc ở trung tâm dịch vụ dữ liệu của quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khi cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Thời điểm đó, mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, Ken thường ghé vào quán bar EM Club một mình nhấp vài ngụm bia cho vơi tâm trạng.
Rồi cơ duyên đến, tối nọ Ken vô tình nhìn thấy một cô gái phục vụ người Việt tên Thúy Lan, chỉ một cái chạm mắt, Ken đã biết mình phải lòng cô gái này rồi.
Kể từ đó, ông thường xuyên đến quán bar, không phải do buồn mà để lặng lẽ ngắm nhìn cô. Bỗng hai mắt họ vô tình chạm nhau, cô bẽn lẽn mỉm cười, và hôm ấy cũng là lần đầu họ trò chuyện.
Cứ cuối tuần, sau khi cô đi nhà thờ về, ông cùng cô lại đi hẹn hò ở gần doanh trại, chuyện tình của họ cứ êm đềm trôi qua như vậy cho đến một ngày Ken nhận được lệnh rút quân.
Tin này như một bức tường ngăn cản đôi trẻ, họ dần trở nên ít nói chuyện và xa cách nhau hơn.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cuối cùng Ken đưa ra quyết định. Ông hỏi Lan có muốn rời Việt Nam cùng ông đến Mỹ xây dựng gia đình không. Đó gần như là một lời cầu hôn của ông dành cho cô, nhưng Lan đã không đồng ý. Mặc dù rất yêu ông, nhưng cô lại là chị cả trong nhà, cô còn có gia đình, có quê hương, cô không thể bỏ tất cả để theo ông đến một đất nước xa lạ được.
Tôn trọng quyết định của người mình yêu, trước ngày về nước, Ken đã mua tập bì thư rồi đánh số từ 1 đến 50 với lời ước hẹn: “Khi lá thư cuối cùng được gửi đi, cũng chính là lúc anh đang trên đường trở về tìm em”.
Ở cách xa nửa vòng trái đất, cầu nối duy nhất của họ chỉ là những lá thư và nhờ một người bạn trong căn cứ Long Bình trao giúp.
“Khi trao cho Lan 50 phong bì thư, tôi nghĩ, cô ấy sẽ viết mỗi tháng một lá. Nhưng tuần nào cô ấy cũng viết. Mỗi tuần, tôi đều nhận thư của cô ấy qua một người bạn trong quân ngũ. Đọc những gì cô ấy viết trong thư, tôi rất vui. Lúc đó, tôi muốn được trở lại Việt Nam, ôm cô ấy vào lòng”, ông Ken nói.
Tuy nhiên không lâu sau đó thì người bạn của ông Ken trong căn cứ Long Bình về lại Mỹ và ông đã mất liên lạc với bà Lan từ đó, không còn nhận được bất cứ bức thư nào từ bà nữa.
Thế rồi chưa đầy 1 năm sau, 50 lá thư đã được bà Lan gửi hết, tuy nhiên đó cũng là lúc cả hai mất liên lạc. Người bạn của ông Ken trong căn cứ Long Bình lúc này đã về lại Mỹ và ông không còn nhận được bất cứ bức thư nào từ bà nữa.
“Thời điểm đó tôi chỉ còn biết tự trách mình vì thất hứa. Tôi ước ngày đó mình biết rõ hơn về tên tuổi, địa chỉ nhà của cô ấy. Trái tim tôi vỡ vụn và cảm thấy thật khờ dại”, ông tâm sự.
Còn phía bà Lan kể rằng khi bức thư thứ 50 được gửi đi mà không thấy người thương trở lại, bà vẫn tiếp tục viết dù trái tim có đau đớn như vỡ vụn vì không nhận được hồi âm. Đỉnh điểm là khi những kỷ niệm của cả hai đã bị mẹ bà phát hiện rồi đem toàn bộ đi đốt.
“Khi chiến tranh kết thúc, việc một gia đình người Việt có liên quan đến lính Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy mẹ tôi quyết định đốt hết tất cả thư từ, hình ảnh của ông Ken mà tôi đang giữ”, bà Lan kể.
Thời gian trôi qua, nỗi đau năm đó bà cũng dần quên đi, về sau bà gặp được người khác và đi đến hôn nhân, thế nhưng mái ấm này cũng không mấy hạnh phúc. Sau 1 năm sống chung, bà quyết định ly hôn rồi tự mình nuôi con bằng nghề bán cháo trắng.
Kể từ ngày rời Việt Nam trở về Mỹ, nỗi nhớ bà Lan vẫn luôn thường trực tròng lòng ông Ken. Ông cũng đã từng kết hôn nhưng không có con cái và hiện chỉ sống độc thân ở tiểu bang Ohio.
Ông cho biết, thời gian đầu, ông tìm kiếm bà Lan thông qua bạn bè, các tổ chức nhưng không có kết quả. “Tôi chỉ làm âm thầm, vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của cô ấy”, ông Ken nói.
Đến tháng 6/2019, khi đó ông Ken đã ngoài 70 tuổi, trong nỗi nhớ và niềm ray rứt về lời hứa chưa thể thực hiện với bà Lan ông đã đăng một dòng trạng thái lên mạng xã hội, kèm tấm ảnh của bà khi đang độ tuổi 17.
“Xin chào, tôi là Ken Reesing (cựu binh Mỹ) từng đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa) năm 1969. Tại đây tôi đã quen và yêu một cô gái tên là Thúy Lan. Khi đó cô ấy làm việc tại EM Club trong căn cứ Long Bình (cô ấy giờ có lẽ khoảng 70 tuổi). Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về cô ấy.
Tôi đã hứa với cô ấy sẽ quay trở lại nhưng vì nhiều lý do tôi đã không thể. Tôi muốn tìm lại cô gái ấy, người luôn hiện hữu trong trái tim tôi, chỉ để biết rằng cô ấy có còn sống và hạnh phúc và tôi sẽ không xen vào cuộc sống của cô ấy”.
Vốn ông cũng không hy vọng gì nhiều về việc có thể gặp lại bà Lan. Thế nhưng kỳ tích đã xảy ra, những dòng chia sẻ của ông đã nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội, với sức mạnh của cộng đồng mạng, ông đã biết hiện bà Lan đang mưu sinh bằng nghề bán cháo tại phường Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai.
Ở cách xa nửa vòng trái đất, họ cứ ngỡ cả đời này sẽ không bao giờ gặp lại nhau. Nhưng giờ đây họ đã có thể hẹn nhau ở giữa phi trường Tân Sơn Nhất.
Sau 50 năm xa cách, bà Lan lại được mặc chiếc áo dài màu xanh mà ông thích nhất, bà kể: “Tôi cứ ngỡ như là một giấc mơ vậy, có một người yêu và nhớ đến mình suốt 50 năm, giờ người ấy trở thành tri kỷ để trò chuyện mỗi ngày. Không cần giàu sang hay quyền lực, đời tôi chỉ cần như thế là quá đủ”.
Thời gian như ngừng trôi khi 2 người gặp lại nhau, không giấu nổi sự xúc động, họ ôm chầm lấy nhau mà khóc, khóc cho nỗi nhớ nhung, cho quãng thời gian lãng phí của tình yêu.
Ông Ken tâm sự: “Tôi thật sự rất hạnh phúc khi biết bà ấy vẫn còn sống và khỏe mạnh. Trước lúc gặp nhau, tôi nhắn mong muốn được thấy bà ấy mặc bộ áo dài truyền thống của Việt Nam và tôi khó có thể quên được giây phút xuống sân bay và nhìn thấy bà Lan trong tà áo dài. Qua 50 năm, chỉ có mái tóc của bà ấy ngắn hơn thôi, còn khuôn mặt và nụ cười vẫn vậy, vẫn như một cô thiếu nữ tuổi 16 mà tôi từng gặp trước đây”.
Từ ngày ông Ken về Việt Nam, quán cháo của bà Lan vui hơn hẳn, những người đi qua đều nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi ngoại quốc, đầu đội nón lá Việt Nam bưng cháo cho khách. Bà lan cười rất nhiều, thỉnh thoảng 2 người lại dành cho nhau những cái nắm tay thật chặt.
Thế nhưng ông Ken chỉ về Việt Nam 14 ngày, một lần nữa, ông hỏi bà có muốn cùng ông đi đến Mỹ. Mặc dù cả hai đã có tuổi, nhưng ông vẫn muốn được kết hôn cùng bà, thực hiện lời hứa 50 năm trước vẫn chưa trọn vẹn.
Con cái và họ hàng đều rất ủng hộ cả hai đến với nhau, nhưng bà Lan cho rằng, bà vẫn cần có thời gian để suy nghĩ, bởi bà chỉ mới gặp lại ông, thời gian qua đi, vẫn còn nhiều điều bà chưa biết về ông.
Nhân duyên thật kỳ diệu, con số 50 như một lời tiên đoán trước cho mối tình của họ. 50 lá thư gửi hết, cũng là lúc họ lạc mất nhau, nhưng 50 năm sau, họ lại tìm thấy nhau.
Yên Yên (t/h)