Gần đây, cựu bác sĩ Tân Cương Enver Tohti đã có những tiết lộ về việc chính quyền Trung Quốc đang biến Tân Cương thành nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa, và tham gia vào hoạt động cấy ghép nội tạng.
Cựu bác sĩ Tân Cương Enver Tohti đã tiết lộ với Epoch Times về bức màn đen che phủ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thử nghiệm vũ khí hạt nhân và quan chức Trung Quốc tham gia vào tội ác “mổ cướp nội tạng” ở Tân Cương. Ông lên án quan chức ĐCSTQ không xem người Tân Cương là người, nơi đây đã trở thành bãi rác, nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân và sinh hóa, những người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) biến thành đối tượng lấy nội tạng.
Ngày 30/10, cựu bác sĩ Khoa ngoại u bướu Bệnh viện Trung tâm Cục Đường sắt Urumqi (hiện sống lưu vong ở Anh), khi trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do (VOA) cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến nguy cơ nhân quyền ở Tân Cương.
Enver Tohti điều tra ô nhiễm hạt nhân
Enver Tohti từng điều tra 2.000 ca bệnh ở Tân Cương, phát hiện tỷ lệ rất cao người tộc Duy Ngô Nhĩ bị ung thư máu, ung thư phổi, u lympho và ung thư tuyến giáp, ông cho rằng đây là hậu quả của việc chính quyền ĐCSTQ thường xuyên thử nghiệm vũ khí hạt nhân diễn ra trong thời gian dài.
Trả lời VOA, ông Enver Tohti nói: “Hà Nam có hơn 100 triệu người và Tân Cương chỉ có 20 triệu người, hai tỉnh cùng mở bệnh viện u bướu năm 1994, khi đó cả hai bệnh viện đều có 500 giường; nhưng đến năm 2007, số giường bệnh tại bệnh viện u bướu Tân Cương là 2.000 giường, còn Hà Nam chỉ có 850 giường, tỷ lệ chênh nhau ngoài sức tưởng tượng”.
Theo ông Enver Tohti, chính quyền ĐCSTQ đã biến Tân Cương thành bãi rác, nơi thí nghiệm, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa, tập luyện cấy ghép nội tạng.
Theo hồ sơ công khai, ĐCSTQ xây dựng căn cứ thử nghiệm hạt nhân tại sa mạc Lop Nur, Tân Cương ngày 13/6/1959, trong thời gian 32 năm từ 1964 – 1996 đã âm thầm thử nghiệm hạt nhân 45 lần, tổng số vụ nổ tương đương 20 triệu tấn thuốc nổ (có hàng ngàn vết tích nổ ở Lop Nur). Tình trạng ô nhiễm phóng xạ hạt nhân đã ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe các sĩ quan, binh lính và những người dân xung quanh.
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản ngày 30/4/2009 đã đưa tin, trong luận văn “ĐCSTQ và tình trạng khủng bố hạt nhân trên con đường tơ lụa”, Giáo sư Jun Takada về phòng hộ hạt nhân thuộc Đại học Y khoa Sapporo Nhật Bản đã kết luận, có khoảng 190.000 người dân Tân Cương bị ảnh hưởng, nguy cơ đe dọa tính mạng vì thử nghiệm hạt nhân, số người bị ảnh hưởng bức xạ cấp tính lên đến 1,29 triệu người.
Năm 1998, sau khi Enver Tohti cùng kênh Channel 4 của Anh bí mật quay phim Cái chết trên con đường tơ lụa nên đã bị ĐCSTQ bức hại, phải sống lưu vong ở nước Anh.
Sân bay thiết kế đường cấp tốc vận chuyển nội tạng
Trả lời phỏng vấn, Enver Tohti nhắc đến tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị lấy nội tạng ngày càng khốc liệt. Ông đưa ra một hình ảnh do một người trong nước mạo hiểm gửi cho, hình ảnh cho thấy tại một sân bay ở Tân Cương có mở đường đặc biệt “vận chuyển nội tạng người”.
Ông nói: “Tôi cảm thấy run rẩy! Nếu đây là sự thật thì lượng giao dịch phải lớn như thế nào mới khiến một sân bay phải mở con đường chuyên dụng kiểu này? Mỗi ngày có bao nhiêu mạng người vô tội bị mổ sống lấy nội tạng?”.
ĐCSTQ bí mật xây dựng kho nội tạng ở Tân Cương
Enver Tohti còn tiết lộ, năm 2016, ĐCSTQ cho mở cái gọi là “Công trình vì sức khỏe người dân” ở Tân Cương, chuyên thử máu của người Duy Ngô Nhĩ. Ông nghi ngờ đây là vì ĐCSTQ muốn mở rộng quy mô cấy ghép tạng nên cho xây dựng nơi này làm kho dữ liệu nhóm máu phù hợp nội tạng phục vụ cho cấy ghép.
Theo điều tra năm 2017 của nhà báo người Mỹ là Ethan Gutmann, đến nay đã có 99,7% người Duy Ngô Nhĩ hoàn thành kiểm tra nhóm máu.
Ông Enver Tohti kêu gọi, nếu ai có ý định đi Trung Quốc thay tạng thì hãy suy nghĩ lại, nếu không có thể sẽ trở thành tòng phạm: “Vì kéo dài mạng sống của mình mà khiến người khác thiệt mạng là không thể chấp nhận, làm người phải tuân thủ giới hạn luân lý!”.
Tội ác mổ cướp nội tạng, vấn nạn tại Trung Quốc
Liên quan tới vấn đề cấy ghép nội tạng, từ lâu chính quyền Trung Quốc đã bị thế giới lên án là bảo hộ cho các hoạt động thu hoạch cưỡng bức nội tạng từ các tù nhân lương tâm, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Theo trang Minh Huệ, đầu tháng 3/2006, một nhân chứng đã tiết lộ thông tin về trại lao động tập trung Tô Gia Đồn ở Trung Quốc, nơi này giam giữ 6.000 học viên Pháp Luân Công để thu hoạch nội tạng.
Ngày 17/3/2006, bà Anne, vợ cũ của một cựu bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đã tiết lộ, từ cuối năm 2001 đến tháng 10/2003, chồng bà đã lấy đi giác mạc của 2.000 học viên Pháp Luân Công còn sống, nội tạng của họ cũng bị mổ cướp, sau đó thi thể bị hỏa thiêu mà không được sự đồng ý của người nhà.
Cũng theo thông tin trên Minh Huệ, một bác sĩ quân y giấu tên ở Thẩm Dương đã xác nhận sự tồn tại của trại tập trung Tô Gia Đồn và cho biết thêm Trung Quốc có 36 trại tập trung giống như vậy.
Hai nhà hoạt động nhân quyền là cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu sự thật. Ngày 6/7/2006, hai ông công bố bản báo cáo điều tra cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công, và nói rằng đây là “hành động tà ác nhất từ trước đến nay chưa từng có trên hành tinh này”.
Cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản vào năm 2007 của hai ông David Kilgour và David Matas cho thấy một loạt các chứng cứ chứng minh chính quyền Trung Quốc đã hậu thuẫn cho việc mổ cướp nội tạng những người tu Pháp Luân Công.
Đạo diễn Li Yun Xiang sau khi đọc cuốn sách này đã thể theo đó làm một bộ phim tài liệu mang tên “Davids and Goliath” (tạm dịch Davids chiến Hồng Ma) hay còn được biết đến với tên gọi Human Harvest (tạm dịch Thu hoạch nội tạng người). Bộ phim đã đoạt giải Phim Tài liệu Xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Hamilton lần thứ 9 ở Canada.
Hai ông Matas và Kilgour đều được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nỗ lực điều tra về tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Tổ chức Bác sĩ chống Mổ cướp Nội tạng (DAFOH) có trụ sở chính nằm ở Washington (Mỹ) đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2016. Tổ chức này đã ra đời dựa trên những thông tin mà hai nhà hoạt động nhân quyền này cung cấp.
Ngày 19/5/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra về bức hại Pháp Luân Công đã công bố một báo cáo dài hơn 210.000 chữ chứng minh có kho nội tạng sống khổng lồ ở Trung Quốc mà nguồn gốc chủ yếu là từ học viên Pháp Luân Công. Đây được cho là kết quả điều tra trong 10 năm thu thập chứng cứ, theo dõi 865 bệnh viện có hoạt động cấy ghép và hơn 9.500 bác sĩ làm nghề này, kiểm tra thông tin từ các báo cáo luận văn, kho số liệu trên các trang mạng của bệnh viện và gọi hơn 2.000 cuộc điện thoại ghi âm làm chứng.
Tuệ Tâm (t/h)