Hơn 20 năm trước, một người phụ nữ làm nghề chèo đò đã cứu 34 phu củi thoát chết kỳ diệu trong một vụ tai nạn chìm đò trên hồ Sông Rác. Những tưởng một người tốt như bà sẽ có được cuộc đời bình an, nhưng ít ai ngờ năm tháng sau này bà vẫn phải đối mặt rất nhiều biến cố…
Vào một ngày đầu tháng Giêng năm 1996, khi sương mù dày đặc vẫn che kín đỉnh núi, trên mặt hồ Sông Rác bỗng vang lên tiếng kêu cứu thất thanh của 84 phu củi. Trong không gian hỗn độn ấy chỉ còn thấy những cánh tay vô vọng chới với giữa biển nước mênh mông…
Nhớ lại buổi sáng định mệnh ấy, bà Nguyễn Thị Hệ (trú thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể, lúc đó bà đang ăn cơm với người con đầu là anh Nguyễn Văn Thực (SN 1973) để chuẩn bị lên thuyền đi làm. Nghe thấy tiếng kêu cứu, bà vội bỏ bát đũa cùng con trai chạy ra bến thuyền thì chứng kiến cảnh con thuyền của anh Hồ Văn Di (trú tại xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) chở 84 người đang dần chìm xuống lòng hồ.
Không chút do dự, bà cùng con trai nhanh chóng nổ máy đưa thuyền hướng về phía những người gặp nạn. “Tôi đưa thuyền đến nơi thấy hàng chục người đang chới với giữa lòng hồ. Tôi vội dùng cây sào dài dí xuống mặt nước để những người gặp nạn bám vào, sau đó kéo từng người một đưa lên thuyền”, bà Hệ nhớ lại.
Trong số 84 phu củi có mặt trên thuyền, 54 người được cứu sống. Trong đó chính tay bà Hệ đã cứu sống 34 người, 11 người được người dân đánh cá cứu, số còn lại thì không may mắn như vậy…
Là một trong những người may mắn thoát chết trong vụ chìm đò năm xưa, anh Bùi Ngọc Anh, người được chính tay bà Hệ cứu sống đến nay vẫn bị ám ảnh, ký ức xưa vẫn là một nỗi kinh hoàng khó tả với anh.
Anh vẫn nhớ, vào cái sáng ngày 4/1 ấy, anh đến bến hồ Sông Rác rồi lên thuyền anh Di để vào rừng kiếm củi. Trên thuyền có tất cả 84 người, họ đều là những phu củi lâu năm, đi lại đều đặn trên thuyền.
Khi thuyền ra giữa hồ thì đột nhiên rung lắc mạnh, nước từ các phía ập vào rất nhiều. Thấy cảnh tượng nguy hiểm, những người trên thuyền bắt đầu hoảng loạn. Một số người nhảy xuống hồ, số khác bám vào mạn thuyền rồi bị nước nhấn chìm trong tích tắc.
Mặc dù khoảng cách từ nơi gặp nạn đến bờ khi ấy ước chừng chỉ khoảng 500m nhưng thời điểm thuyền chìm là lúc 7 giờ sáng, khi ấy sương mù vây kín mặt nước nên mọi người không thể phân biệt được phương hướng để bơi vào bờ. Lòng hồ lại sâu, nhiều người dù biết bơi nhưng do hoảng loạn, bơi toán loạn thành ra kiệt sức rồi chết đuối.
Trong khi chới với giữa dòng nước dữ, anh may mắn tiếp cận gần thuyền của bà Hệ, rồi được bà cứu lên đưa vào bờ. Sau đó, anh nhập viện vì bị vết cắt ở chân.
“Tôi và 33 người khác không được bà Hệ cứu kịp thời chắc bỏ mạng giữa lòng hồ 22 năm trước rồi. Bà ấy là ân nhân cứu tôi khỏi tử thần, công ơn ấy không bao giờ quên được”, anh Ngọc Anh nói.
Sau sự việc ấy, bà Hệ vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc chèo đò của mình. Nhưng đến nay, dù đã 22 năm trôi qua bà vẫn luôn mang trong mình một nỗi ám ảnh, dằn vặt về những nạn nhân chới với giữa dòng nước năm xưa.
“Nghĩ lại, tôi cảm thấy bất lực, rất buồn vì không thể cứu được tất cả những người gặp nạn lên bờ. Khi đưa được 34 người vào bờ, quay thuyền trở lại thì họ chìm hết rồi.
Họ là những người dân sống ở các xã quanh đây, thường xuyên lên thuyền qua hồ để vào núi kiếm củi. Rất nhiều người là khách quen của tôi, người lớn có, học sinh có, họ chết thật đau lòng”, bà Hệ chia sẻ.
Không những luôn cảm thấy áy náy, người phụ nữ bên hồ Sông Rác năm đó khi về già lại phải sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần chồng chất, cả bản thân bà và những người trong gia đình đều bệnh tật, ốm yếu.
Năm 2006, bà Hệ đã thôi không làm nghề chèo đò nữa mà chuyển sang làm ruộng. Nhưng do tuổi già đau yếu nên bà cũng chỉ làm được từng nào hay từng đó. Nguồn chi tiêu chính của gia đình chủ yếu dựa cả vào mức trợ cấp 1,4 triệu đồng của người chồng thương binh.
Cuộc sống đã khốn khó là thế thì ít năm sau bà lại bằng hoàng khi nghe tin con trai gặp tai nạn phải nằm viện điều trị. Thời điểm đó, bà Hệ vừa phải trả nợ tiền mua thuyền trước đây, vừa phải gánh thêm việc chăm lo cho con tại bệnh viện nên bà đã vay số tiền 100 triệu đồng từ ngân hàng. Thế nhưng trong suốt thời gian vay, ngay đến cả tiền lãi hàng tháng bà cũng không trả nổi. Số tiền mượn theo đó cứ nhân lên thành 300 triệu đồng.
Tưởng chừng những ngày cơ cực của bà Hệ sẽ mãi tiếp diễn nhưng cuối cùng, ở hiền thì cũng gặp lành. Câu chuyện đời của người phụ nữ hiền lành, dũng cảm đã được nhiều người biết đến thông qua các trang tin tức. Một chủ doanh nghiệp tốt bụng sau đó đã đứng ra làm việc với ngân hàng và thay bà Hệ trả hết số nợ tồn đọng.
Đồng thời, rất nhiều mạnh thường quân khác biết được hoàn cảnh khó khăn của bà cũng ủng hộ, tặng gia đình bà cuốn sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng để đỡ đần chi tiêu. Nhận được sự giúp đỡ quý giá từ cộng đồng, bà Hệ không khỏi rơi nước mắt xúc động.
Sự việc trên dẫu xảy ra đã lâu nhưng khi nhắc lại vẫn mang đến nhiều bài học suy ngẫm cho cuộc sống, nhất là khi nơi nào trong xã hội hiện nay cũng khiến người ta hoài nghi về lòng tốt.
Câu chuyện của bà Hệ cũng cho ta thấy cuộc đời này luật nhân quả sớm muộn rồi cũng sẽ đến. Hơn 20 năm trước, bà đã không màng nguy hiểm chèo thuyền giữa làn sương mù dày đặc để cứu người thì ngày nay, cũng có rất nhiều cánh tay đưa ra giúp đỡ khi bà gặp khó khăn.
Xuân Hạ (t/h)