Vị nho sinh vẫn luôn khăng khăng cho rằng chỉ có quan điểm Nho gia của mình là đúng và không chịu “phục” những giáo lý của Phật gia. Đến khi nghe những lý lẽ uyên thâm của vị phán quan âm phủ thì nho sinh mới cảm thấy hổ thẹn.
Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh có một câu chuyện như sau:
Ngô Diệu Minh – cống sinh Dĩnh Châu kể rằng, ở quê làng anh ta có vị Lâm lão tiên sinh, vốn là bậc túc nho, phẩm cách đoan chính, là người chính trực. Lâm lão tiên sinh từng ở nhờ trong một miếu Thần, chăm lo việc học. Ngôi miếu này to lớn rộng rãi, những người đọc sách tá túc nơi này rất nhiều. Bởi Lâm lão tiên sinh tính tình “quái gở” nên rất ít giao du với những sĩ tử ở vùng này.
Một ngày kia, đến nửa đêm ông vẫn không ngủ được, bèn một mình tản bộ dưới ánh trăng. Bỗng nhiên có một người khách đi đến, mở lời chào hỏi ông. Lâm lão tiên sinh vì đang cảm thấy cô quạnh, thấy người đến cử chỉ phong nhã, bèn mời khách vào trong phòng ngồi. Nhâm nhi chén trà, ông liền cùng người khách nói chuyện trên trời dưới đất. Vị khách đó thích nói lý luận, ngôn ngữ phi phàm. Hai người cùng nhau đàm luận, vô cùng ăn ý.
Trong lúc đàm luận, bỗng nhiên đề cập đến chuyện nhân quả. Lâm tiên sinh nói:
“Xưa nay các bậc Thánh hiền làm việc lành, tuyệt đối không phải là vì đã biết trước sẽ được phúc báo rồi mới đi làm. Nếu như vì muốn đắc được phúc báo mới đi làm việc thiện, tuy cũng là hợp với tình người lẽ trời, nhưng trong tâm của họ lại ẩn chứa dục vọng, vậy nên không có giá trị gì lớn. Vậy nên, Phật gia chủ trương lý thuyết ruộng phước, nó là điều mà quân tử coi thường”.
Người khách nói:
“Một lời này của tiên sinh chỉ là luận điệu phiến diện. Nếu dùng loại quan điểm này để ước thúc bản thân, không hẳn là không được. Nhưng nếu dùng nó để ước thúc người khác, vậy thì không thể được nữa. Nếu như dùng nó để yêu cầu người quân tử có đạo hạnh tương đối, thì có thể có chút hiệu quả, nhưng nếu dùng nó để trị quốc an dân, vậy thì tuyệt đối không thể thực hiện được.
Thánh nhân thiết lập việc giáo hóa, mục đích là dạy người ta hành thiện mà thôi. Đối với những người không thể tự giác hành thiện, thì cần phải khuyên bảo dẫn dắt hơn nữa, giúp họ tích cực hành thiện. Đối với những người không có nguyện ý hành thiện, thì cần phải khuyến khích họ hành thiện. Thế là chế độ thưởng phạt đã được dựng nên.
Đối với những người có thể vì phần thưởng mà hành thiện, các bậc Thánh nhân chỉ tán dương một mặt vui vẻ hành thiện của họ, chứ không phê phán họ vì được thưởng mới đi hành thiện. Đối với những người vì sợ bị phạt mà tuân thủ luật pháp, Thánh nhân cũng chỉ tán thưởng một mặt có thể tuân theo pháp luật của họ, chứ không có phê phán họ vì sợ hình phạt mới tuân giữ luật pháp.
Nếu như dưới sự ước chế của thưởng phạt, khiến cho mọi người đều có thể thuận theo lẽ trời, vui vẻ hành thiện; nhưng lại phê phán họ là tham thưởng sợ phạt, là xuất phát từ tâm tự tư và dục vọng cá nhân; thế thì, sẽ khiến cho người ta không biết thế nào mới đúng.
Huống hồ nếu đã nói tham thưởng sợ phạt thành tư tâm dục vọng, mà lại dùng thưởng phạt để khích lệ mọi người hướng thiện; vậy thì mọi người sẽ thắc mắc rằng: ‘Thánh nhân phải chăng là muốn dùng thưởng phạt để dẫn dụ tư tâm dục vọng của con người ta?’. Ông có thấy vậy không?
Trong xã hội hiện thực, những người có trí huệ cao siêu, nổi trội hơn người rốt cuộc vẫn chỉ là số ít. Còn những người bình thường, trôi theo dòng đời thì lại là đại đa số. Vậy nên Thánh nhân lập nên chế độ thưởng phạt, chủ yếu là để mắt đến việc giáo dục đối với những người từ tầng trung trở xuống. Giáo lý của Nho gia và Phật gia tuy có sự khác biệt, nhưng một điểm dạy người hành thiện này lại là nhất trí với nhau.
Tiên sinh dựa theo lý luận ‘Chính kỳ nghị không mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kể kỳ công’ (tạm dịch: làm bất cứ chuyện gì đều là vì duy trì chính nghĩa chứ không phải là vì lợi ích cá nhân, đều là vì làm rạng rỡ chân lý mà không phải là vì công danh của bản thân) của Đổng Phu Tử, để bác bỏ thuyết nhân quả của Phật gia, há không phải là cũng bác bỏ chế độ thưởng phạt của các bậc Thánh nhân hay sao?
Tiên sinh chỉ nhìn thấy những tăng lữ đó khuyên bảo người ta bố thí, nói như vậy chính là hành thiện, có thể được phúc; chỉ nhìn được việc đốt hương bái Phật của chúng dân, nói đây là hành thiện, cũng có thể được phúc; không làm như vậy, chính là không hành thiện, sẽ phải nhận báo ứng. Như vậy ông liền nhận định thuyết nhân quả của Phật gia là đang mê hoặc quần chúng. Thật tình là tiên sinh đang không biết rằng định nghĩa thiện ác mà Phật gia nói đến cùng với Nho gia đại thể là như nhau. Báo ứng nhân quả mà Phật gia nói đến cũng không có khác biệt gì với quan niệm ‘những nhà tích thiện, ắt có phúc dư, những nhà không tích thiện, ắt có họa dư’ của Nho gia”.
Lâm tiên sinh đối với một tràng lời lẽ uyên thâm của vị khách này vẫn không cho là đúng. Ông muốn trình bày quan điểm của bản thân mình thêm một bước nữa. Càng tranh luận thâm sâu hơn một hồi, không ngờ ở phía đông trời đã dần sáng, người khách bèn đứng dậy cáo từ. Lâm tiên sinh vẫn còn hứng thú, khăng khăng giữ lại. Vị khách đó bỗng nhiên cứng đờ không động đậy, nhìn kỹ một lần nữa thì ra lại chính là bức tượng đất sét của một vị phán quan ở trong miếu này.
Lâm tiên sinh giật nảy mình, trong lòng không khỏi hổ thẹn. Ông nghĩ kỹ lại, cảm thấy những lời của phán quan thật là có đạo lý.
(Theo “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký”)
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com