Zhan Youbing, xuất thân là một người lao động xa xứ, đến với nhiếp ảnh một cách tình cờ, và nó trở thành sứ mệnh của anh với mong muốn giúp người xem có được góc nhìn chân thực nhất về những người lao động xa xứ, những người chỉ có thể đoàn viên cùng gia đình vào mỗi dịp Tết âm lịch.
Hơn một thập niên, Zhan là một trong 250 triệu “cuộc đời nổi trôi” với thân phận lao động xa xứ. Là một dân quê của tỉnh Hồ Bắc, anh trở thành nhân viên bảo vệ trong những nhà máy xung quanh khu vực miền Nam thành phố Quảng Châu, cách quê anh trên cả nghìn cây số.
Cảm giác thân thuộc
Hiện là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, anh quay ống kính về những gì bản thân đã trải qua lúc trước.
Anh nói, “Tôi đã sống cuộc sống này. Vì vậy tôi biết rõ hoàn cảnh của họ“.
Mười năm qua, anh đã chụp ảnh công nhân ở tám nhà máy tại Đông Hoản, một nhà máy gần Quảng Châu, sau đó ghi lại tư liệu về cuộc sống của họ khi làm việc và cả trong cuộc sống đời thường.
Những cảnh chụp của Zhan ghi lại những khoảnh khắc từ kỳ lạ đến riêng tư.
Trong một nhà máy thiết bị điện tử, công nhân như những phi hành gia với bộ đồng phục phủ kín người chỉ chừa lại đôi mắt, đang tranh thủ chợp mắt. Nhưng trong một bức ảnh khác, anh lại cho người xem thấy một góc khác của cuộc sống, nơi những người bạn thân quây quần trong một bữa tiệc ở phòng trọ tập thể.
Anh đã chụp hơn 400.000 tấm ảnh, và đưa chúng đi triển lãm khắp cả nước, nhưng bản thân anh lại không có mặt tại bất kỳ buổi triển lãm nào.
Anh chia sẻ, “Tôi không có tiền chi tiêu cho những chuyến đi“.
Vào tháng 11/2014, anh xuất bản cuốn sách mang tên, “Tôi là một lao động xa xứ“, sách là bộ tư liệu được biên soạn, gồm bài viết và hơn 150 bức ảnh.
Cuộc sống bấp bênh
Zhan bắt đầu chụp ảnh cho một tờ báo nội bộ của nhà máy vào năm 2002. Sau đó anh tham gia một lớp dạy nghề. Khi trở về nhà vào dịp Tết Âm lịch, Zhan nhận thấy rằng, ảnh chụp là phương thức sinh động và hiệu quả có thể giúp anh diễn tả trọn vẹn cuộc sống trong nhà máy với mẹ và mẹ vợ mình.
Qua những bức ảnh này, anh cảm nhận sâu sắc hơn về sự bấp bênh, cảm giác ấy thôi thúc anh tiếp tục công việc ghi lại hình ảnh cuộc sống của người lao động xa xứ, một cuộc sống chênh vênh mà bản thân họ khó lòng kiểm soát.
Zhan nói: “Thỉnh thoảng, bạn muốn nhảy sang công ty khác vì lương cao hơn dù chỉ vừa mới bắt tay vào công việc hiện tại. Lúc khác, bạn muốn ở lại để ổn định công ăn việc làm, thì đột nhiên bị sa thải, hoặc nhà máy bị sang tay“.
Vòng quay buồn bã
Nếu chụp ảnh là công việc mơ ước của Zhan vào thời mới bước vào nghề, thì bây giờ nó đã trở thành sứ mệnh của anh. Anh tâm sự, càng chụp nhiều bức ảnh, anh càng hiểu về những vấn đề mà người lao động xa xứ phải đối mặt. Anh quan tâm nhất là tình cảnh của những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ lại ở quê nhà.
Thiếu thốn chỗ ở, điều kiện hạn hẹp về giáo dục và chăm sóc sức khỏe là những vấn đề người lao động xa xứ phải đối mặt nếu họ muốn mang theo con cái, thế nên chúng thường bị bỏ lại quê nhà để ông bà, họ hàng hay hàng xóm chăm sóc.
“Bố mẹ chúng đã cống hiến cả đời mình cho ngành công nghiệp sản xuất, nhưng cuối cùng họ gần như chẳng có gì. Trong khi đó, con cái của họ lại bắt đầu bước vào vòng quay buồn bã đó”.
Mặc dù đã thành công trên sự nghiệp, Zhan nghĩ bản thân mình cũng không khác gì một người lao động xa xứ, và cảm giác chật vật suốt khoảng thời gian đó sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí anh.
“Tôi cảm thấy mình như cánh bèo trôi dạt tại một đất nước kỳ lạ“, Zhan bùi ngùi.
Phía sau cuộc sống của người lao động xa xứ Trung Quốc
Thanh Phong – Dịch từ CNN