Tinh Hoa

Cuộc sống chông chênh giữa hy vọng và tuyệt vọng của người tị nạn Syria

Những người tị nạn Syria sau những chuyến đi dài và nguy hiểm, họ tới được những “miền đất hứa” với mong ước được những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, khi tới nơi này, họ lại phải đối mặt với một cuộc sống chông chênh giữa niềm hy vọng và sự tuyệt vọng.

Một lớp học tại trung tâm giáo dục tạm thời Mezitli nơi có chương trình học bằng tiếng Ả Rập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Epoch Times

Cháu không thích thức ăn Syria, cháu thích thức ăn Thổ Nhĩ Kỳ”, Abd Almajed, một cậu bé 6 tuổi người Syria nói với một nụ cười hồn nhiên. Cậu bé tị nạn người Syria này dường như đã thích nghi tốt với cuộc sống mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cậu bé Abd và gia đình đã bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2012 sau khi ngôi nhà của họ ở Idlib, Syria bị trúng bom trong một cuộc không kích khiến cha và chị gái của cậu thiệt mạng. Mẹ và anh trai của Abd tuy sống sót những đã bị thương nặng và phải điều trị trong hai tháng.

Lúc đó Abd Almajed chỉ mới hai tuổi, cậu bé đã được cứu thoát một cách thần kỳ mà không hề bị thương. Đó là nhờ một chiếc thìa mà cậu bé cầm trong tay.

Mẹ của Abd là bà Ahdaab nói: “Lúc đó là 7 giờ sáng, tôi đang chuẩn bị bữa sáng cho lũ trẻ. Chúng tôi nghe thấy âm thanh của những chiếc máy bay chiến đấu của chính phủ bay ngang qua thị trấn. Rất nhanh sau đó, máy bay bắt đầu thả bom”.

Toàn bộ ngôi nhà của họ bị sập khi bị trúng một quả bom. Họ đã bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong một vài giờ cho đến khi một đội cứu hộ đến.

Khi đội cứu hộ đang tìm kiếm, họ nghe thấy một tiếng động lạ. Là do Abd Almajed đã đập chiếc thìa vào một miếng kim loại dưới đống đổ nát. Nhờ vậy, đội cứu hộ đã tìm thấy Abd và mẹ của cậu”, theo lời kể của bà ngoại của Abd, người đã sống ở Aleppo vào thời điểm đó. Bà cũng đã chạy thoát được sang Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên khác trong gia đình.

Sau khi bà Ahdaab, mẹ của Abd hồi phục, họ đã chạy đến Mersin – một thành phố ven biển ở Thổ Nhĩ Kỳ.  Abd và mẹ của cậu hiện đang sống với bà ngoại và sáu người thân khác trong một căn nhà nhỏ ở một quận nghèo của Mersin.

Cháu nói được tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ả Rập”, cậu bé Abd Almajed tự hào nói. Abd hiện đang học ở một trường học của Thổ Nhĩ Kỳ gần đó. “Cháu yêu trường học và bạn bè của cháu”, cậu nói.

Trong khi cậu bé Abd Almajed có thể nhanh chóng phục hồi tinh thần sau thảm họa, mẹ cậu, bà Ahdaab và những người thân khác vẫn đang chịu đựng những thương tổn của chiến tranh.

Mỗi đêm khi tôi ngả đầu xuống gối, tôi lại nghe thấy tiếng rít ầm ĩ của tên lửa. Sau đó, tôi nhìn thấy ngôi nhà mình sụp đổ. Hằng đêm điều đó cứ lặp đi lặp lại đều như vậy”, bà Ahdab nói với đôi mắt ngấn lệ.

Mặc dù gia đình bà cảm thấy an toàn khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ phải đối mặt với một thách thức khác – sự nghèo khổ.

“Tất cả mọi người trong ngôi nhà này đều buồn khổ. Chúng tôi bị sụt cân”, bà Ahdaab nói.

Anh trai của bà hiện đang sống cùng với gia đình bà và ông chăm lo cho cả gia đình. Ông có bằng đại học và kiếm được 800 Lira (đơn vị tiền Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương với 275 USD) mỗi tháng. Họ chi 185 đô la cho tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt. “Các chị và em trai của tôi vẫn đang tìm việc làm. Nhưng họ cũng đang phải vật lộn mưu sinh”, bà Ahdaab nói.

Dần mất hi vọng và sự nghèo khổ gia tăng

Thành phố Mersin, một trung tâm quan trọng đối với người tị nạn Syria. Ảnh: Epoch Times

Rất khó để một người Syria có thể tìm được việc làm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn lòng chấp thuận tình trạng tị nạn của người Syria, đây là lý do chính khiến nhiều người Syria di cư tới châu Âu.

Sau 5 năm, những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ – 80% trong số đó sống ngoài các trại tị nạn – đã cạn kiệt tài lực. Về mặt pháp lý, họ bị ngăn cấm lao động, do đó những người làm công việc bất hợp pháp sẽ bị lợi dụng và trả lương thấp, điều này đã làm gia tăng căng thẳng xã hội giữa những người tị nạn và các ông chủ của họ”, theo một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) được công bố vào cuối tháng 9/2015.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quê hương thứ hai của 2,5 triệu người Syria tị nạn và đã trở thành quốc gia có số dân tị nạn lớn nhất thế giới, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Thổ Nhĩ Kỳ đã khá hào phóng với người tị nạn Syria, chính phủ nước này đã chi 7,6 tỷ USD từ lúc cuộc nội chiến khởi đầu tại Syria vào năm 2011. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thiết lập một chế độ bảo vệ tạm thời cho những người tị nạn Syria và xây dựng 25 trại tị nạn – hiện là chốn dung thân của khoảng 250.000 người.

Đa số những người tị nạn sống bên ngoài các trại tị nạn này và họ sống trải dài ở các thành phố lớn của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố Mersin, nằm trên bờ biển phía đông Địa Trung Hải, là một trong những nơi có đông người tị nạn Syria nhất. Khoảng 350.000 người tị nạn sống tại Mersin, đó là con số đáng kể đối với một thành phố chỉ có 1 triệu dân.

Thành phố này cũng là cửa ngõ vào châu Âu. Nhiều người Syria đến Mersin, việc này được ví như bàn đạp cho những chuyến vượt biển trái phép và nguy hiểm của người Syria nhằm vượt biển Địa Trung Hải, với hy vọng rằng mình sẽ đặt chân đến được châu Âu để bắt đầu một cuộc sống mới.

Theo UNHCR, hơn 1 triệu người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đã đến các bờ biển châu Âu trong năm 2015, 80% trong đó đã tới Hy Lạp thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Hầu hết những người Syria chạy trốn sang châu Âu là có trình độ học vấn cao (86 phần trăm tốt nghiệp trung học hoặc có trình độ đại học), theo UNHCR. Và hầu hết những người tị nạn muốn xin tị nạn ở Đức do nước Đức có những cơ hội việc làm và giáo dục tốt hơn.

Phụ nữ và trẻ em chịu nhiều đau khổ nhất

Trẻ em Syria phải bán nước trên các đường phố, ăn xin, hoặc lượm rác.

Cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn với những phụ nữ Syria, đặc biệt là các góa phụ. Họ đang bị mắc kẹt trong một thế giới của sự nghèo đói, cô đơn và sợ hãi, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Phụ nữ Syria đang vô cùng lo lắng không rõ một mình họ sẽ sống và chăm lo cho gia đình mình ở nước ngoài như thế nào. Phụ nữ dễ bị động khi bị quấy rối. Và trong tuyệt vọng, một số phụ nữ thậm chí đã trở thành gái mại dâm.

Chúng tôi theo dõi thấy sự gia tăng các hoạt động tội phạm như giết người, bắt cóc, và nghiêm trọng nhất là nạn mại dâm trong cộng đồng người tị nạn Syria ở Mersin”, nhà báo Huseyin Kar từ hãng tin IHA cho biết.

Cái nghèo cũng buộc phụ nữ phải lựa chọn giữa việc gửi con đến trường hoặc để chúng ra ngoài làm việc.

Phụ nữ Syria đến từ một xã hội đề cao truyền thống và bảo thủ. Phải lao động là một sự xúc phạm đối với một người phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ Syria không làm kinh doanh hoặc có các sinh hoạt xã hội. Đương nhiên trẻ em sẽ bị đẩy ra ngoài để lao động”, theo Arzu Kaymak, một sinh viên sau đại học ngành quản trị công tại Đại học Mersin, đã nghiên cứu về người tị nạn Syria.

Trẻ em Syria phải bán nước trên các đường phố, ăn xin, hoặc lượm rác. Chúng làm một số công việc trong các nhà máy dệt may, điều đó không được pháp luật cho phép.

Đại đa số các trẻ em Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ sống bên ngoài các trại tị nạn. Và chỉ có khoảng 25% trong số chúng đi học trong năm 2014 – 2015, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực bằng cách nới lỏng các rào cản pháp lý để trẻ em Syria có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục chính thức. Họ cũng đã bắt đầu chấp nhận một hệ thống “các trung tâm giáo dục tạm thời” nơi cung cấp chương trình học bằng tiếng Ả Rập. Ở Mersin có 11 trung tâm giáo dục tạm thời như vậy.

Ngoài ra còn có rất nhiều tổ chức từ thiện hoạt động lâu dài để giúp người tị nạn Syria ở Mersin. Tổ chức Syrian Social Gathering là một trong số đó. Tổ chức này được thành lập bởi một vài doanh nhân Syria nhằm hỗ trợ giáo dục cho trẻ em Syria.

Chúng tôi lên danh sách những người tị nạn Syria, thăm họ thường xuyên, thu thập dữ liệu, và giới thiệu các dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng để giúp đỡ các gia đình nghèo và đảm bảo rằng con cái của họ có thể tiếp cận với giáo dục”, Mohammad Zein, chủ tịch của Syrian Social Gathering nói.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức giáo dục phi chính phủ, các hỗ trợ vẫn chưa đến được 75% trẻ em tị nạn Syria.

Mặc dù các trường học Thổ Nhĩ Kỳ đều miễn học phí, nhưng một số gia đình lại quá nghèo và bơ vơ đến nỗi họ thậm chí không biết làm thế nào để ghi danh cho con họ đến trường. Bên cạnh đó, một số trẻ em lại là trụ cột kiếm sống chính của gia đình nên chúng phải làm việc”, Arzu Kaymak nói.

Những thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe

Bác sĩ Ful Ugurhan, chủ tịch của Hiệp hội Bác sĩ của Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Epoch Times

Tổ chức Syrian Social Gathering và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thành lập các trung tâm y tế cho người tị nạn Syria. Các trung tâm y tế này thuê các bác sĩ của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Những trung tâm y tế này rất cần thiết, nhưng chúng chưa đủ”, bác sĩ Ful Ugurhan, chủ tịch của Hiệp hội Bác sĩ của Mersin cho biết.

Mỗi bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay tiếp nhận trung bình 200 bệnh nhân mỗi ngày tại các bệnh viện này”, bà Ugurhan nói.

Những người tị nạn Syria có bệnh mãn tính là khổ nhất. Họ không thể giải thích tình trạng của họ cho các bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ; họ không thể lấy thuốc nếu không có đơn thuốc. “Đối với người Thổ chúng tôi cũng đã rất khó khăn trong việc hiểu hệ thống y tế của đất nước mình, chứ đừng nói là người tị nạn Syria. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất”, bà Ugurhan cho biết.

Bà vừa đến thăm những người tị nạn Syria sống trong các lán bằng thiếc ở Adalioglu, một ngôi làng ở ngoại thành của Mersin. Hơn một ngàn người tị nạn đã định cư ở đó để làm công việc lao động tạm thời trong các trang trại. “Ở đó điều kiện sức khỏe còn tệ hơn”, bà nói. Mặc dù chính phủ đã tiến hành kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng, bà vẫn lo điều kiện sống tồi tệ có thể có thể dẫn đến các loại dịch bệnh.

Vệ sinh môi trường là vấn đề lớn nhất, đặc biệt là kể từ khi hầu hết những người tị nạn từ chối sử dụng nhà vệ sinh di động và thay vào đó họ đã đào hố để đi vệ sinh. Và trong những điều kiện tồi tệ như vậy, đang có những đứa trẻ tiếp tục được sinh ra, bà Ugurhan cho hay.

“Tất cả những gì chúng tôi cần là sự tôn trọng”

Hơn một ngàn người tị nạn Syria sống trong các lều thiếc và làm công việc tạm thời trong các trang trại ở Adalioglu, một ngôi làng ở ngoại thành Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất cả nhứng gì chúng tôi cần là sự tôn trọng. Làm ơn tôn trọng người Syria”, anh Hadi Samra, một người tị nạn Syria nói.

Ở nơi làm việc của chúng tôi họ thường gọi tôi là ‘Này người Ả Rập’. Tôi có tên và họ biết tên của tôi. Gọi như vậy là một sự xúc phạm”, anh Samra nói. Anh nói rằng anh tránh nói tiếng Ả Rập ở nơi công cộng vì sợ bị làm bẽ mặt.

Hadeel Samra, một sinh viên Syria ở Đại học Mersin, phàn nàn về vấn đề tương tự: “Có cả những người tốt và xấu như trong mọi xã hội. Ví dụ, trên phương tiện công cộng, một số người dân địa phương ra vẻ coi thường tôi khi họ nhận ra tôi là người Syria”.

Với những dòng người tị nạn Syria tràn vào Mersin, giá bất động sản tại đây đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đột biến. Người Syria chấp nhận lao động với những mức lương thấp hơn và không có lợi ích xã hội.

Thị trưởng thành phố Mersin ông Burhanettin Kocamaz thông báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mersin đã tăng 20 phần trăm trong tháng 10 năm 2015. Người dân địa phương cảm thấy bị đe dọa bởi số lượng người Syria ngày càng tăng.

Tất cả những vấn đề này gây căng thẳng xã hội giữa những người tị nạn và người dân địa phương. Ngoài ra, người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn ngần ngại đi đến các cửa hàng và quán ăn của người Syria.

Người tị nạn Syria cảm thấy không được chào đón. Họ cần sự cảm thông. Vì vậy đôi khi bạn có thể nhìn thấy họ đi theo nhóm và phân phát hoa cho người dân địa phương trên đường phố”, theo Kaymak, một sinh viên sau đại học từng nghiên cứu về tình hình người tị nạn cho biết.

Bà Ugurhan nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không có kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống có hàng triệu người tị nạn. Chúng tôi đáng lẽ đã có thể xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn tốt hơn. Bất chấp tất cả những khó khăn, xã hội chúng ta vẫn dành sự cảm thông đối với người Syria”, “Tại thời điểm này, cả người dân địa phương và người Syria đang cùng chung sống hòa bình, không làm tổn thương lẫn nhau. Tuy nhiên, người dân địa phương sợ người Syria sẽ ở lại mãi mãi”.

Sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy các chuyên gia tin rằng hầu hết những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại ngay cả sau khi cuộc chiến đã kết thúc. “Người dân địa phương sau đó sẽ bắt đầu đặt câu hỏi và đó là khi các vấn đề thực sự sẽ phát sinh”, bà Ugurhan nhận định.

Theo vietdaikynguyen.com