Thảm họa Ukraine hiện nay là một biểu hiện khác của hệ tư tưởng cánh tả mà một số người bảo thủ không hiểu được. Phe bảo thủ chỉ trích sự yếu kém của Mỹ về sản xuất năng lượng và những cuộc phiêu lưu kỳ lạ như Afghanistan. Nhưng điểm yếu chỉ là một phần của câu chuyện. Vấn đề lớn hơn là sự ngu xuẩn và kiêu ngạo trong văn hóa đang tìm cách đưa thế giới nằm dưới quyền bá chủ của cánh tả tự do.
Tác giả giấu tên vì sợ các tổ chức ở Đông-Trung Âu trả thù.
Cuộc tấn công của Nga không chỉ có thể dự đoán trước, mà còn có thể tránh được theo cảnh báo của các học giả và chính khách có trách nhiệm.
Trong nhiều năm, rõ ràng là Nga nắm trong tay quân át chủ bài ở khu vực đó: Không chỉ việc chiếm Crimea và gây xung đột ở Donbass vào năm 2014 đã chứng minh điều này mà còn cả các cuộc chiến ở Georgia năm 2008 và Transnistria, Nagorno-Karabakh trong những năm 1990.
Sau khi vị thế suy yếu trên toàn cầu, Nga khéo léo bao quanh mình bằng các cuộc xung đột đóng băng để giữ NATO và Liên minh châu Âu ở khoảng cách xa. (Xung đột đóng băng là cụm từ mô tả các phong trào ly khai do Nga hỗ trợ ở Gruzia, Moldova… Các cuộc xung đột khiến những nước này trở nên bất ổn trong con mắt phương Tây, và nó sẽ chuyển từ đóng băng sang nóng lên nếu các nước này có ý định xích lại châu ÂU).
Bất kể kết quả cuộc chiến này thế nào (và Nga dường như đã xâm phạm quá mức), Nga đã loại bỏ mọi khả năng Ukraine gia nhập NATO và đảm bảo được một vùng đệm khác. Chúng ta biết rằng NATO sẽ không bảo vệ Ukraine. Vậy tại sao chúng ta không lắng nghe các nhà chức trách đáng kính cảnh báo nên loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine và coi trọng các mối quan ngại an ninh của Nga?
Tổng thống Donald Trump đã phát đi tín hiệu rằng Nga sẽ không khiêu khích nếu Ukraine không gia nhập NATO. Ông cũng rất khéo léo ngăn chặn cuộc đối đầu này trong thời kỳ còn tại vị.
Thế chiến I lẽ ra phải dạy cho chúng ta biết hậu quả của việc làm bẽ mặt một kẻ thù bại trận (vị thế mà chúng ta dành cho Nga) bằng cách dồn anh ta vào một góc và dùng gậy đánh anh ta, trừ khi bạn mong anh ta nổi cơn thịnh nộ.
Hệ quả tất yếu khi đe dọa Nga là lôi kéo Ukraine về phía mình: Lấp lửng tư cách thành viên NATO mà không bao giờ có ý định trao cho họ. Giờ đây, chúng ta đang động viên người Ukraine chiến đấu một mình vì những mục tiêu không chắc chắn, dẫn đến những cái chết, sự tàn phá và tình trạng vô gia cư, mặc dù bản thân chúng ta không sẵn sàng bảo vệ họ hoặc gánh chịu những hậu quả này.
Và sau 3 tuần diễn ra cuộc chiến, lãnh đạo NATO cho biết ngay từ đầu việc Ukraine trở thành thành viên liên minh đã bất khả thi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nói với các nhà báo rằng ông đã chấp nhận thực tế này “từ lâu”. Sao chúng ta không nói điều này trước khi hàng ngàn người phải chết và hàng triệu người phải đi tị nạn?
Nhưng có một điều còn khó hiểu hơn các vấn đề an ninh. Trong nhiều năm, chúng ta đã nói với quốc gia bị chia rẽ sâu sắc này (Ukraine) rằng chúng ta sẽ tạo dựng bản sắc của họ. Về mặt lịch sử và văn hóa, Ukraine là một quốc gia bị chia cắt sâu sắc, và không thể phủ nhận rằng họ có nhiều điểm chung với Nga cũng như với phương Tây. Sau tất cả, người Ukraine đã bầu ra một chính phủ thân Nga vào năm 2010.
Tuy nhiên, chúng ta lại nói rõ rằng chỉ có khía cạnh tự do-thế tục phương Tây trong bản sắc của họ được chấp nhận. Chúng ta sẽ không cho phép họ trở thành một quốc gia Chính thống giáo phương Đông vì bản sắc lớn hơn đó khiến giới tinh hoa phương Tây khó chịu. Chúng ta rõ ràng đã gửi “thông điệp” đó bằng cách hậu thuẫn cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của họ vào năm 2014.
Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác bổ trợ trong quá trình lôi kéo Ukraine của NATO: Ban cho Ukraine một hy vọng sai lầm khác là trở thành thành viên EU và sử dụng hy vọng đó làm đòn bẩy để lèo lái mối quan hệ Ukraine và Nga, gây ra những mối nguy hiểm lớn cho Ukraine. Tương tự, “thông điệp” này đã được truyền đi một cách rõ ràng vào năm 2014 khi EU đưa ra tối hậu thư cho Ukraine là phải ký một thỏa thuận hợp tác nhưng chỉ khi họ từ chối một thỏa thuận tương tự với Nga. Nhà sử học Stephen Cohen tin rằng tối hậu thư này đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năm 2014.
Vì vậy, Nga không phải là bá chủ duy nhất chơi trò chính trị quyền lực với cái giá phải trả của Ukraine. Chúng ta – Hoa Kỳ, NATO, EU – không xâm lược Ukraine, nhưng đã thao túng họ như một con tốt để nâng cao vị thế của chính mình và sau đó, khi điều tồi tệ nhất xảy ra, chúng ta để mặc người Ukraine gánh chịu hậu quả một mình. Nếu giờ đây Ukraine cảm thấy bị lợi dụng và bị phản bội, thì họ có lý. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có cứu vãn lương tâm của mình trong cuộc xung đột lớn hơn này không?
Và cho điều gì? Cho “độc lập”, hay “tự do” của Ukraine? Đây là những lý tưởng cao đẹp, nhưng phải là thực chất – đặc biệt là khi rủi ro và sự tàn phá gây ra bởi những người khác chứ không phải chúng ta. Không nghi ngờ gì nữa, người Ukraine dưới thời Liên Xô rất khao khát tự do và sẵn sàng chết vì nó, dù có thể thành công hay không. Nhưng bây giờ, chúng ta đã không thành công như vậy.
Tất cả những điều trên không thể cho Nga cái quyền xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Nhưng “quyền” ở đây hầu như chẳng có ích gì trong chính trị quốc tế, như năm 2014 đã chứng minh. Có lẽ tội ác lớn nhất trong tất cả những điều này, chính là sự ảo tưởng đang cuốn hút người Ukraine và nhiều nước khác vào cái gọi là “luật quốc tế” và “quyền con người”. Sự ảo tưởng đó phải vĩnh viễn bị xóa bỏ sau cuộc chiến này vì nó sẽ tìm thấy những cơ hội khác để làm mất ổn định thế giới.
Dĩ nhiên, những lý tưởng này xứng đáng có vị trí của chúng, nhưng thật ngu ngốc khi giả vờ rằng chúng có một sức mạnh ma thuật nào đó thay thế lợi ích cụ thể của các quốc gia hùng mạnh. Chúng ta cũng có thể hỏi phương Tây có quyền đạo đức gì để huy động các tổ chức liên chính phủ, dịch vụ tình báo, máy móc tuyên truyền của chính phủ, phương tiện truyền thông và thậm chí cả các trường đại học để đưa những người khác vào một cuộc chiến tàn khốc mà họ không bao giờ có thể “chiến thắng” theo bất kỳ nghĩa nào.
Khi người Ukraine đối diện thực tế này và thức tỉnh trước những ảo tưởng, lời hứa của phương Tây (và cả suy nghĩ mơ tưởng của các nhà lãnh đạo của họ), thì sự chết chóc, hủy diệt leo thang không thể không thúc đẩy các nhà lãnh đạo như Zelensky muốn lôi kéo NATO vào cuộc chiến mà sự hiện diện của liên minh này đã gây ra. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi NATO giữ khoảng cách và từ chối bất cứ điều gì để đảm bảo an ninh cho Ukraine mà họ từng hứa hẹn. Người Ukraine đâm ra chán nản, gọi NATO là “yếu đuối” và hèn nhát vì từ chối mạo hiểm chiến tranh hạt nhân.
Những cảnh tượng thống khổ và chủ nghĩa anh hùng ấn tượng ở Ukraine là những lời nhắc nhở về trách nhiệm của chính chúng ta và cũng là đòn bẩy tinh thần khiến leo thang chiến tranh.
Vậy điều quan trọng là gì khi đưa các quốc gia như Ukraine vào NATO với ảo tưởng họ sẽ là các nền dân chủ tự do phương Tây? Có phải vì Nga tỏ ra hiếu chiến trước khi tuyên bố cho Ukraine gia nhập NATO được đưa ra vào năm 2008? Không phải, trước năm 2014 không ai nói điều đó, và bất kỳ sự hiếu chiến nào như vậy đều đến từ việc đòi mở rộng NATO.
Hay thay vào đó là vì NATO không chỉ là một liên minh mà còn là một “tổ chức” – một bộ máy quan liêu lo sợ bị lỗi thời, cần một mục đích mới, và tìm kiếm mục tiêu không chỉ trong chiến tranh mà còn là phương tiện để thay đổi xã hội? Vụ ném bom trái phép vào Serbia năm 1999 (nhân danh luật pháp quốc tế) đã xua tan mọi ảo tưởng rằng NATO vẫn thuần túy là một liên minh “phòng thủ” (và cuộc chiến tranh Iraq đã triệt tiêu mọi lập luận như vậy về Mỹ).
Nhưng xa hơn, những tổ chức đối ngoại và liên chính phủ như Liên Hợp Quốc, EU, NATO rất dễ thiên tả vì họ không gần sự giám sát của các khu vực bầu cử và cử tri trong nước. Những chương trình nghị sự nào khiến Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc và NATO bận tâm? Tìm hiểu các khu vực nhiều năm bất ổn và biến động? Hay “định nghĩa lại” an ninh toàn cầu theo các chương trình nghị sự cấp tiến như nóng lên toàn cầu và bình đẳng giới? (pdf)
Có thật là những lý tưởng về tự do, dân chủ đang được những người yêu nước Ukraine (và những người nhân danh họ) đề cập đến? Hay đó chỉ là bình phong của giới tinh hoa phương Tây nhằm thao túng giới lãnh đạo các nước khao khát dân chủ tự do — sau đó gây áp lực để họ trở thành các nền dân chủ cánh tả tự do, rồi dần phá hủy các giá trị truyền thống, tín ngưỡng Cơ đốc giáo ở Đông Âu?
Như nhà nghiên cứu chính trị Patrick Deneen từng hỏi: “Nếu người dân nông thôn và những đứa con của chúng ta được ‘tầng lớp máy tính xách tay’ yêu cầu chiến đấu và hy sinh gần hết cho họ, chúng ta phải hỏi – họ chết vì điều gì? Có phải nền văn minh ‘cổ điển và Cơ đốc giáo’ đã chiến đấu và đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản? Hay là nó nhân danh… một chủ nghĩa tự do độc hại mà ngày nay tự phủ lên mình những lá cờ Ukraine, nhưng ngày mai sẽ đe dọa chính lý tưởng về quốc gia, nền văn hóa riêng biệt và Cơ đốc giáo, sẽ loại bỏ lá cờ xanh vàng của Ukraine để tạo nên một lá cờ bảy sắc cầu vồng, và quay sang tấn công những nhà thờ Ukraine mà người dân đang nương tựa?”
Đây là mô hình hoạt động trên khắp Đông-Trung Âu kể từ những năm 1990. Say sưa với địa vị bá chủ toàn cầu độc nhất, chúng ta tìm cách biến các đồng minh mới của mình (và cả chính chúng ta) thành những nền dân chủ tự do cánh tả.
Những tổ chức như Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tuyên truyền hoạt động tư pháp đang gây ra sự phản đối từ Ba Lan và các thành viên phía đông EU khác. Các “tổ chức phi chính phủ” giàu có như Quỹ Xã hội Mở của George Soros không chỉ thâm nhập vào các trường đại học với tư tưởng thức tỉnh như “nhân quyền” và “nghiên cứu giới” ngày càng mở rộng, mà thậm chí còn lật đổ các chính phủ như chính phủ Ukraine vào năm 2014, gây ra nỗi kinh hoàng ngày nay.
Tổng thống Zelensky và Ukraine chắc chắn hiểu rằng họ đã bị lợi dụng để phục vụ chủ nghĩa tự do đế quốc. Những lời kêu gọi hòa bình của ông Zelensky bị truyền thông phương Tây phớt lờ, còn chính quyền Biden thì nói rằng sự liều lĩnh sẵn sàng hy sinh của người Ukraine vẫn chưa yếu đi. Giống như Crimea, điều này sẽ không thể đảo ngược. Nga đã tạo ra một “cuộc xung đột đóng băng” khác. Đàm phán với kẻ xâm lược thật cay đắng. Nhưng chính hệ tư tưởng và sự lừa dối của cánh tả phương Tây sẽ gây ra tác động xấu hơn nữa trên toàn cầu.
Các phương tiện truyền thông đã không ngừng tâng bốc Zelensky. Nhưng một chính khách thực sự sẽ nhắc nhở chính quyền Biden rằng chính ông ta phải phụ trách Ukraine chứ không phải Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland. Hãy chấp nhận thực tế lịch sử và địa lý của Ukraine, và đặt cuộc sống của người Ukraine lên hàng đầu, cùng với đó là sự ổn định, khả năng thanh toán và hòa bình trên toàn cầu.
Tác giả là nhà văn từng giảng dạy khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại các trường đại học ở Ba Lan, Nga, Cộng hòa Séc và Hoa Kỳ từ những năm 1990, bao gồm cả trong chương trình Fulbright và Dự án Giáo dục Công dân do Soros tài trợ.
Bài viết thể hiện ý kiến của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT Tinh Hoa.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)