Rằm tháng Bảy đang đến gần, không khí mua bán hàng mã cho người cõi âm càng nhộn nhịp. Để có đủ bộ “hàng hiệu” như điện thoại iphone, xe SH, ô tô BMW, biệt thự… để gửi người cõi âm, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền triệu mua hàng để hóa.
Nhộn nhịp làng làm hàng mã
Làng làm hàng mã Văn Hội (xã Văn Binh, huyện Thường Tín, Hà Nội) thời gian đầu tháng 7 âm lịch là khoảng thời gian mà cảnh người, xe tấp nập ra, vào, hàng mã tập kết dọc đường làng. Năm nay, những món đồ hàng mã ở đây đều là “hàng hiệu”, như: điện thoại Iphone 6S, ô tô BMW, biệt thự sang trọng, thậm chí cả… máy bay!
Có tới hơn 800 hộ dân ở ngôi làng này sống nhờ nghề “bán đồ giả, lấy tiền thật”. Người dân ở đây có thể làm ra bất cứ loại hàng mã nào khi có khách đặt, kể cả những mẫu mới, mẫu khó… Tất nhiên, để trả tiền cho những mẫu hàng “độc”, hàng mới thì khách phải “chi đẹp” vì giá thành rất đắt.
Ông Lê Văn Có, chủ một cửa hàng bán đồ mã ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chuyên cất sỉ hàng tại làng Văn Hội cho biết: “Thời gian gần, cứ một tuần/lần tôi lại phải đánh xe tải xuống làng Văn Hội để nhập hàng với số tiền từ 40 – 50 triệu đồng. Người ta bây giờ thích đốt “hàng hiệu” cho người cõi âm. Chuyện người cõi âm có nhận được hay không, tôi không biết, nhưng theo nghề này nên khách có cầu thì mình cứ đáp ứng”. Theo ông Có, khách hàng của ông có khá nhiều gia đình từng bỏ ra cả chục triệu đồng/lần để mua hàng mã đốt cho người cõi âm.
Phố Hàng Mã – trung tâm hàng mã Hà Nội
Với quan niệm “Trần sao âm vậy” nên những ngày này tại phố Hàng Mã tràn ngập các đồ hàng hiệu từ trang sức, đồng hồ, dép Bitis, tivi Sony đến xe Lexus, Camry, xe máy SH…Đặc biệt là đồ công nghệ cũng ra sức chạy đua theo thị trường như iphone 5, 5s, 6…Thậm chí, thẻ ATM, sim thẻ điện thoại mệnh giá 1 triệu đồng cũng có mặt.
Bán chạy nhất trong số những loại “hàng hiệu” này là các loại “điện thoại cao cấp” như Iphone 5, Iphone 6 với giá 120.000 – 150.000 đồng/bộ gồm cả tai nghe, dây sạc và ổ cắm; Máy tính bảng Ipad có giá 200.000 đồng/chiếc; Laptop của các hàng Acer, HP, Sony… với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/chiếc…
Theo chị Nguyệt, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, nhiều gia đình giàu có, họ đặt quần áo rất cầu kỳ và đặt trước cả tháng. Cửa hàng chị đã nhận đặt hàng của không ít khách với bộ quần áo y xì như thật, chất liệu giấy lụa, người xỏ vào không rách, với giá 300 nghìn đồng/bộ. Ví dụ người nhà mét 7 thì họ yêu cầu phải cắt đúng mét 7. Thậm chí có gia đình có người trước đây làm bác sỹ nha khoa đã mất, nên họ còn đặt làm hẳn một bộ chữa răng hơn 2 triệu đồng để người đã khuất xuống suối vàng còn hành nghề. Có người còn đặt mua cả xe tăng, máy bay.
“Những gia đình bình thường thì chọn mua bộ vàng mã chỉ vài trăm nghìn nhưng dân kinh doanh, gia đình giàu có thì sắm lễ cả chục triệu là chuyện thường”, chị Nguyệt cho biết.
Tuy nhiên theo chị Nguyệt, năm nay mọi người thắt chặt chi tiêu hơn. Từ đầu tháng 7 âm lịch đến giờ đơn hàng cao nhất mà chị bán là 4 triệu đồng. Không giống như năm ngoái, năm trước, có người còn đặt cả vài chục triệu tiền vàng mã.
Theo những người kinh doanh vàng mã tại phố Hàng Mã thì năm nay đồ vàng mã đẹp hơn, đa dạng hơn, giá cả cũng phù hợp hơn. Nhiều mặt hàng như nhà lầu, quần áo còn giảm từ 10- 20% so với năm ngoái.
Có nên chạy theo “Hàng hiệu” ?
Cũng chọn đồ mã toàn “hàng hiệu”, chị Nguyễn Kim Thu (ở phố Láng Hạ) đi sắm đồ cho người cõi âm ở phố Hàng Mã bày tỏ: “Tôi theo quan điểm “trần sao âm vậy” nên ngoài quần áo, tiền, bạc, phải có điều hòa, ti vi LCD, ô tô, xe máy, Iphone, máy tính bảng… Chỉ cần lúc hóa vàng rắc thêm tí rượu, nhờ các ‘quan chức năng’ dưới đó chuyển hàng đến đúng địa chỉ thì người thân sẽ nhận được”.
Cũng theo chia sẻ của chị Thu, gia đình chị không thuộc diện dư giả nhưng cả năm chỉ có một ngày Rằm tháng Bảy nên vẫn muốn biếu, muốn cúng các cụ tươm tất, chu đáo. Một bộ hàng “bình dân” đầy đủ cũng hết hơn 1 triệu đồng, nếu mua thêm các món hàng “công nghệ cao” sẽ phải hết thêm bằng đó tiền nữa. “Biết là tốn kém nhưng tôi thấy lòng mình yên ổn”, chị Thu chia sẻ.
Hàng năm, cứ mỗi khi đến “Tháng cô hồn”, không ít người đã vung tiền triệu, thậm chí hàng trăm triệu vào đồ hàng mã, để mong được người âm phù hộ cho tiền tài, địa vị hoặc cầu mong thanh thản. Nhưng liệu đây có phải là giá trị truyền thống của người Việt chúng ta hay không ? hay lại lãng phí khi chạy theo xu thế đua đòi, khoe khoang!
Theo Gia đình & xã hội, infonet