Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, việc giảm giá heo cũng cần có lộ trình để không gây sốc thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khi được phóng viên hỏi tại sao lại giảm giá heo hơi xuống mức 75.000 đồng/kg mà không phải con số khác.
Cụ thể, ông Dương thông tin, trong nhiều năm, các doanh nghiệp cũng như các cơ sở chăn nuôi đã phải chịu đủ mọi tổn thất. Vào năm 2017, heo ở trong tình trạng bão giá, giá tụt thê thảm. Đến năm 2018 thì chịu ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng.
Tiếp đó vào năm 2019 lại chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (từ tháng 1/2019 – 10/2019) và gần như lúc nào cũng phải bán dưới giá thành. Chỉ bắt đầu từ tháng 11/2019 đến nay, giá heo mới tăng lên.
Đối với những doanh nghiệp quản lý tốt, có đầu ra, đầu vào, con giống, cơ sở sản xuất thức ăn… thì có thể đã giải quyết được vấn đề thua lỗ và có lãi. Nhưng cũng có nhiều cơ sở chưa thể giải quyết được vấn đề này vì họ chưa tự làm được và làm tốt tất cả mọi khâu. Đó đó lý do cần phải có một lộ trình giảm giá, trách gây sốc thị trường.
“Chúng ta phải thừa nhận cần có lộ trình giảm giá để không gây sốc thị trường, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Chứ không thể đang ở mức giá 80.000 đồng/kg mà giảm luôn xuống 60.000 đồng/kg. Không ai làm được, không một doanh nghiệp nào làm được vì chưa có doanh nghiệp nào độc quyền điều tiết giá thị trường”, ông Dương cho hay.
Cũng theo nguồn tin của phóng viên thì hiện nay giá heo hơi trên cả nước đã giảm xuống còn 73.000-75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá thịt heo ngoài chợ và các siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.
Như tại Đồng Nai, giá thịt heo ba rọi ngày 19/2 vẫn ở mức cao với 180.000 đồng/kg; thịt heo nạc 150.000 đồng/kg; thịt heo đùi 140.000 đồng/kg…
Trao đổi về vấn đề trên, ông Dương khẳng định nguyên nhân là do có độ trễ khi các công ty, cơ sở chăn nuôi đã giảm giá heo nhưng những người giết mổ nhỏ lẻ chưa tiếp cận được với giá đó.
Hoặc có dấu hiệu tranh thủ đợt tăng giá trong lúc giao thời này. Tuy nhiên, cứ theo đà này thì sắp tới sẽ giảm giá cả ở heo thịt và thịt heo.
Cũng liên quan đến vấn đề thịt heo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc các doanh nghiệp giảm giá lợn như trên là vì chính tương lai của ngành chăn nuôi, của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.
Giá lợn hơi quá cao không chỉ ảnh hưởng xấu tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát mà còn hệ lụy tới nhiều lĩnh vực khác. Nó có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát dẫn tới mất cân đối cung cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu phi vẫn còn xảy ra lác đác tại một số tỉnh, thành.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi thì khả năng Việt Nam đảm bảo nguồn cung thịt lợn vào khoảng hơn 4 triệu tấn là rất cao.
Vũ Tuấn (t/h)