Trước giờ phút sinh ly tử biệt, ông Vũ Đình Bích (82 tuổi – Tây Ninh) nhẹ nhàng thơm lên khuôn mặt của người vợ là bà Nguyễn Thị Thuận (80 tuổi), đã kết tóc se tơ cùng ông trong suốt 62 năm cuộc đời.
Ông cúi đầu, hôn lên má, lên trán bà rồi nói: “Thương lắm, thương lắm, sáu mươi mấy năm rồi, kiếp sau gặp lại nhau hen”. Người đàn ông lớn tuổi khẽ lau nước mắt cho vợ, xoa bóp tay để bà đỡ mỏi.
Bà cũng không nói được gì, vì sức đã khỏe quá yếu phải thở bình oxy. Bà ra hiệu cho con gái tháo găng tay giúp mình. Bà muốn được nắm tay ông lần cuối. Xung quanh là những tiếng nấc nghẹn ngào, như thắt chặt trái tim mỗi người. Sau đó, bà nhắm mắt thanh thản ra đi, khép lại một cuộc đời, một tình yêu trọn vẹn.
Tình yêu xuất phát từ cuộc hôn nhân sắp đặt
Được biết, Bà Thuận và ông Bích cưới nhau vào năm 1957 và có cuộc hôn nhân hạnh phúc kéo dài trong suốt 62 năm. Hai vợ chồng sinh được 8 người con, 4 trai, 4 gái.
Giọng xúc động, cháu của ông bà, chị Như Hảo kể: “Ông bà ngoại tôi kết hôn từ năm 1957. Lúc đó, cụ ngoại tôi – tức bố đẻ ông ngoại thấy hoàn cảnh bà ngoại đáng thương nên đã cưới bà về cho con trai”.
Mặc dù, cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu nhưng sau ngày cưới, hai vợ chồng đã nảy sinh tình cảm thực sự, yêu thương, trân trọng và nắm tay nhau trong suốt 62 năm cuộc đời.
Vào ngày 7/5, không may bà Thuận được bác sĩ chuẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Bà đi, ông ở nhà rất lo lắng và mong ngóng, thậm chí ông còn lấy chiếc áo bà hay mặc để đặt kế mình cho yên tâm.
Khi vợ đỡ và được con cái cho lên thăm, ông vui vẻ đi ủi áo sơ mi cho phẳng, cạo râu, cắt tóc trước khi gặp vợ. Đi dọc đường, ông phát hiện quên đổi dép thì hốt hoảng nói: “Bà không cho ông mang dép lào. Bà thấy là la chết luôn”.
Trong khi đó, bà dù nằm viện nhưng nghe tin chồng lên thăm cũng hồi hộp không kém. Bà còn bắt con cháu giữ ông lại vì sợ ông gặp lúc bà vừa làm phẫu thuật, phải tháo răng giả ra nhìn không đẹp nữa.
Khoảnh khắc hai ông bà gặp nhau ở bệnh viện, ai cũng ngỡ như hai người xa nhau lâu lắm rồi. Như Hảo kể: “Hai người gặp nhau ở bệnh viện, ông cứ hỏi: ‘Bà đau không?’, ‘Bà thấy sao?’…
Ông lên thăm bà rồi không chịu về, đuổi con cháu về hết để mình ông lo cho bà thôi. Trời thì nóng, bệnh viện quá tải, ông cứ đứng quạt cho bà suốt. Bà muốn gì, ông cũng chiều theo ý bà luôn”.
Thế nhưng, sau ca phẫu thuật, bệnh tình của bà bất chợt chuyển biến nặng chỉ sau 10 ngày nằm viện. Do vậy, bác sĩ đã khuyên gia đình đưa bà về nhà vì thời gian của bà chẳng còn nhiều nữa, có lẽ chỉ còn tính bằng giờ. “Những phút cuối đời ở bên ông, dù sức khoẻ yếu nhưng bà mình vẫn rất minh mẫn, nhận ra tất cả mọi người và nghe được những lời ông nói. Ông mình cũng mạnh mẽ lắm, vẫn gắng gượng chăm bà, ở bên bà cho đến khi bà rời xa mọi người”, Như Hảo xúc động kể.
Nhưng có lẽ ông chỉ giữ được sự bình tĩnh, cứng rắn khi có bà ở bên thôi! Bà đi rồi ông suy sụp hẳn… “Trong 10 ngày đó thì ở nhà ông chỉ lo lắng thôi và hi vọng bác sĩ sẽ trị được bệnh cho bà. Nhưng khi hậu sự đã được hoàn tất thì ông không còn mạnh mẽ nữa. Lúc nào cũng nhìn bàn thờ bà, buồn lắm. Ông nói, ‘sao bà không chịu hết bệnh mà sống với tui. Bà chết bà bỏ tui một mình, biết tui đau lòng lắm không?’”.
Cô cháu gái cũng tâm sự, trước giờ chỉ có hai ông bà sống ở nhà riêng tự chăm sóc, bầu bạn cùng nhau, nhưng sau khi bà mất thì người con gái thứ 2 đã đón ông lên sống cùng để tiện bề chăm sóc. Còn nhà cửa thì nhờ người thân trông coi giúp. “Suốt bao năm bên nhau, lúc nào ông bà cũng vui vẻ, mình chưa thấy ông bà cãi nhau bao giờ. 80 tuổi hơn mà sáng nào ông bà cũng chở nhau đi ăn sáng uống cà phê. Đi qua đường là ông nắm tay bà thật chặt”.
Nhưng dường như vẫn chưa nguôi ngoai nỗi buồn khi bà bỏ ông lại một mình, bởi theo Hảo ông vẫn muốn giữ lại ý nguyên cách trang trí sắp xếp ngôi nhà cũ cũng như vật dụng của bà để dù có đi đâu làm gì ông cũng nhớ đến bà. “Lúc nãy ông về nhà cũ để lấy gối ôm. Ông nói gối đó bà ngoại hay ôm lắm, đem về đây tối ông để kế bên như cảm giác đang nằm cạnh bà vậy”.
Hầu hết mọi người đều không cầm được nước mắt trước tình cảm đậm sâu mà ông bà đã dành cho nhau. Nhiều người trẻ còn tỏ ra ngưỡng mộ và thầm cảm ơn ông bà vì đã lan tỏa ngọn lửa yêu thương, tiếp thêm sức mạnh cho giới trẻ có niềm tin vào tình yêu đích thực, tin vào cuộc sống và tương lai phía trước.
Chúc Di (t/h)