Chỉ còn vài ngày nữa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại Hoa Kỳ. Nhưng một mặt trận đang âm thầm mở ra giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới: Công nghệ thông tin.
Theo nhận định của tờ báo New York Times tại Hoa Kỳ, hồ sơ “tin tặc” sẽ là chủ đề “nổi cộm” trong thượng đỉnh Trung – Mỹ lần này.
Sự việc bắt đầu bằng tuyên bố của chính quyền Obama cho rằng Washington rất có thể sẽ ban hành lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào những doanh nghiệp Trung Quốc bị tố là đã đánh cắp dữ liệu bí mật thương mại. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tổ chức một hội thảo về chủ đề các công nghệ mới. Mục tiêu: Chứng tỏ khả năng chi phối lên lãnh vực công nghệ của Hoa Kỳ.
Diễn đàn các tập đoàn mạng Trung – Mỹ sẽ được tổ chức ngay tại Seattle (bang Washington) vào ngày 23/9/2015. Chương trình dự kiến đón tiếp ông “trùm” quản lý mạng Trung Quốc, Lỗ Vĩ (Lu Wei), người đã đề ra các biện pháp hạn chế các doanh nghiệp mạng nước ngoài gia nhập thị trường Trung Quốc. Tờ báo lưu ý, trong hàng ngũ đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lỗ Vĩ là quan chức cao cấp nhất phụ trách kiểm soát mạng internet.
Các nguồn thạo tin về dự án, yêu cầu giữ kín tên (do chính quyền cấm không được nói về cuộc họp này), cho biết rất nhiều chủ nhân tập đoàn mạng lớn tại Trung Quốc đã được triệu tập. Trong số đó có Robin Li, nhà sáng lập công cụ tìm kiếm Baidu và ông Mã Vân (Jack Ma), chủ nhân của trang bán hàng qua mạng Alibaba. Phía Hoa Kỳ, rất có thể sẽ có sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn lớn như Apple, Facebook, IBM, Google và Uber.
Hội thảo này đang làm Hoa Kỳ khó chịu, vì đã làm xáo trộn kịch bản về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình, vốn dĩ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo như nhận định của hai quan chức cao cấp Mỹ. Khi giới thiệu các lãnh đạo Trung Quốc như là những đối tác mang tính xây dựng với các doanh nghiệp Mỹ, sự việc có nguy cơ làm lung lay lập trường cứng rắn của ông Obama. Chính quyền Washington vẫn nói là các công ty Hoa Kỳ đang gánh chịu hậu quả các biện pháp chống cạnh tranh của Bắc Kinh.
Ngoài ra, nhân hội thảo này, ông Tập Cận Bình rất có thể sẽ có bài phát biểu ngắn, hoặc trước cử tọa, hoặc trước các chủ doanh nghiệp Trung – Mỹ, đã được chọn trước. Theo dự kiến, nhân chuyến đi Seattle, ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm và dùng bữa tối với Bill Gates, theo lời mời của đồng sáng lập viên Microsoft, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 25/9.
Đấu khẩu Trung – Mỹ
Theo tờ báo tại New York, từ nhiều năm nay, Bắc Kinh và Washington đang lao vào một kiểu chiến tranh lạnh về công nghệ. Các lãnh đạo Hoa Kỳ lên án một loạt các vụ tấn công tin tặc và quy trách nhiệm cho Trung Quốc. Washington yêu cầu Bắc Kinh nới lỏng các quy định hạn chế việc bán các trang thiết bị tin học của Hoa Kỳ và ngăn chặn việc truy cập vào một số trang mạng Internet.
Về phần mình, Trung Quốc đáp trả lại rằng chính các tiết lộ của Edward Snowden đã tạo điều kiện cho việc hợp pháp hóa các biện pháp này. Những tiết lộ đó chứng minh rằng Hoa Kỳ đang tấn công tin tặc vào các tập đoàn Trung Quốc. Do đó, theo Bắc Kinh, mỗi quốc gia sẽ phải có quyền buộc các tập đoàn mạng tôn trọng các luật lệ của nước sở tại.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, các luật đó bao gồm cả việc kiểm duyệt các nội dung, giám sát người sử dụng và lưu trữ tại Trung Quốc các dữ liệu có liên quan đến người sử dụng Trung Quốc. Vừa làm lóa mắt các tập đoàn mạng Hoa Kỳ, những tập đoàn rồi sẽ phải chấp nhận những đòi hỏi của Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc như ông Lỗ Vĩ còn hy vọng tác động lên việc quản lý mạng trên cấp độ quốc tế và áp đặt mô hình của họ.
Với việc tổ chức hội thảo này tại Seattle, Trung Quốc còn muốn đưa ra hai thông điệp. Thứ nhất là cho chính người dân trong nước, rằng những tập đoàn Hoa Kỳ cuối cùng cũng phải nhìn nhận và nể phục sức mạnh Trung Quốc. Thứ hai, nhắm vào các nước khác, rằng những doanh nghiệp nào muốn vào thị trường Trung Quốc sẽ phải chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh.
Các bất đồng quan điểm ngay trên chính đất Mỹ
Về điểm này, một quan chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng có tham gia vào việc chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình, có giải thích như sau: “Vấn đề ở đây là đánh bóng lại hình ảnh của Trung Quốc nếu có thể được trước chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình tại Washington, vào lúc mà chính quyền Obama đang giận dữ phản đối các vụ tấn công tin học và việc xiết chặt các phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ”.
Việc tổ chức diễn đàn cũng làm lộ rõ những bất đồng quan điểm, một mặt ngay trong lòng giới công nghệ cao tại Hoa Kỳ và mặt khác là giữa chính phủ với các doanh nghiệp Mỹ về thái độ cần phải có đối với Trung Quốc.
Lý do là vì, Trung Quốc là một thị trường mạng rất lớn với gần 600 triệu người sử dụng Internet. Mức chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc ước tính lên đến hàng trăm tỷ đô-la. Do đó, Trung Quốc là một nguồn thu không thể bỏ qua đối với nhiều tập đoàn tin học lớn của Mỹ và có một tiềm năng lớn về mức tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp tin học trẻ hơn.
Thế nhưng, từ hai năm nay, Bắc Kinh đã đề ra rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế nhiều công nghệ nước ngoài và ngăn chặn các tập đoàn lớn như Google, Facebook hay Twitter xâm nhập thị trường. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã thúc giục Washington phải cứng rắn hơn. Số khác thì lại nghĩ đến những gì họ có nguy cơ bị mất, nếu như Trung Quốc có phản ứng lại bằng cách siết chặt hơn nữa thị trường của mình.
Công nghệ Tin học : Trung Quốc đang dần khẳng định vị thế
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp sợ rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ gây tác hại cho không những lên kết quả hoạt động của họ mà còn cả triển vọng tăng trưởng. Chính phủ Mỹ không giấu giếm ý định đáp trả lại các vụ tấn công tin tặc Trung Quốc, khi ký một sắc lệnh hồi tháng 4/2015. Theo sắc lệnh này, Tổng thống Obama được phép phong tỏa tài sản của các tập đoàn nước ngoài phạm tội đánh cắp dữ liệu thương mại.
Chính quyền Hoa Kỳ đã cố tình đưa ra lời đe dọa, nhưng việc có nên thực thi những biện pháp trừng phạt trước chuyến đi ông Tập Cận Bình, đang gây nhiều tranh cãi gay gắt tại Washington. Bởi lẽ việc này có thể ảnh hưởng xấu đến chuyến đi của lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí có thể khiến họ hủy chuyến thăm. Đáp lại những lệnh trừng phạt như thế chắn chắc là Bắc Kinh sẽ có những hành động trả đũa, theo như đánh giá của nhiều nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Châu Âu.
Chính quyền của ông Obama hiện đang trong một vị thế khá tế nhị. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu ông Tập Cận Bình có những biện pháp chống tin tặc ngay từ năm 2013, nhân thượng đỉnh tại California. Nhưng kể từ đó tình hình ngày càng trở nên tồi tệ.
Thoạt nhìn, bang Washington dường như không thể là điểm dừng đầu tiên của ông Tập Cận Bình. Nhưng đây lại là bang xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đây cũng phải là lần đầu tiên Seattle tiếp một lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc. Năm 1993, tại thành phố này, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đã từng gặp đồng nhiệm Hoa Kỳ, ông Bill Clinton lúc bấy giờ. Đấy cũng là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ sau vụ đàn áp người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989.
Năm 2006, người kế nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào cũng đã đến gặp Bill Gates ngay tại Seattle. Khi chủ tịch Trung Quốc cho biết vẫn sử dụng Windows mỗi ngày, đích thân ông Bill Gate đã đề nghị giúp sữa chữa nếu như có sự cố gì.
Trong vòng chín năm, mọi thứ đã thay đổi nhiều: Bắc Kinh giờ đã phát triển được cho mình một hệ điều hành riêng và cấm các cơ quan chính phủ cài đặt Windows 8 trên máy tính của họ. Nhiều doanh nghiệp khác như nhà cung cấp con chíp điện tử Qaulcomm bị điều tra chống cạnh tranh trái phép. Tháng Hai năm nay, tập đoàn này đã bị các nhà quản lý Trung Quốc phạt 860 triệu Euro vì bị coi là lạm dụng thế áp đảo.
Năm nay, nhiều tập đoàn Mỹ đã phản đối một đạo luật của Trung Quốc muốn ngăn cấm các doanh nghiệp công nghệ Mỹ có cơ sở tại Hoa Kỳ bán thiết bị và phần mềm cho các ngân hàng Trung Quốc.
Theo vi.rfi.fr