(Kiến Thức) – Với việc phát minh ra hợp chất mới giúp khoan xuyên hàng nghìn mét dưới đáy biển, Trung Quốc có thêm công cụ mới để tranh giành dầu khí Biển Đông.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 4/8 đưa tin, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc vừa nghiên cứu chế tạo một chất bôi trơn đặc biệt giúp mũi khoan dầu khí xuyên qua hàng nghìn mét dưới đáy biển mà không bị mắc kẹt. Phát minh này có thể là một công cụ mới giúp Trung Quốc tranh giành dầu khí Biển Đông.
“Khi gặp mũi khoan ở nhiệt độ thấp trong môi trường nước, đá trầm tích trở nên dính như bột và qua đó có thể làm hư hại hoặc thậm chí làm gãy mũi khoan”, giáo sư Liu Zhihong, nhà khoa học đứng đầu dự án nghiên cứu chất liệu mới tại Viện Công nghệ xử lý sinh học và năng lượng sinh học Thanh Đảo thuộc học Viện Khoa học Trung Quốc cho biết. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu của giáo sư Liu đã phát minh ra một loại hợp chất ngăn cản “sự tương tác” giữa đá trầm tích và các phân tử nước, từ đó giảm độ kết dính. Hợp chất mới này cũng tạo ra một lớp màng bảo vệ đầu mũi khoan để giảm độ hao mòn xuống hơn 80%.
Việc phát minh ra hợp chất mới này mở đường cho Trung Quốc trong hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông và sẽ làm cho tình hình ở khu vực vốn có tranh chấp kéo dài nhiều năm càng thêm phức tạp.
|
Theo Kiến Thức