Hôm 16/8, trang web thỉnh nguyện của Nhà Trắng đã nhận được đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ Mỹ đề cử giải Nobel Hòa Bình hoặc các giải thưởng nhân quyền khác cho giới trẻ Hong Kong vì lòng can đảm, tinh thần nhân ái và sự kiên quyết bảo vệ nền tự do dân chủ trong suốt những cuộc biểu tình mấy tháng qua.
Đơn thỉnh nguyện được đăng trên trang We the people có nội dung: “Xin hãy đề cử giải Nobel Hòa Bình cho giới trẻ Hong Kong (hoặc các giải thưởng nhân quyền khác)”.
“Giới trẻ Hong Kong đã thể hiện sự can đảm và lòng yêu nước lớn lao khi dám đứng lên đấu tranh cho nền tự do dân chủ. Họ không sử dụng bất kỳ vũ khí quân sự nào mà còn phải ứng phó với khí gas và đạn cao su của cảnh sát bằng những trang thiết bị đơn giản và thô sơ.
Hai nhân viên cứu hộ đã bị cảnh sát bắn đạn cao su làm hỏng mắt. Rất nhiều người biểu tình bị thương. Nhưng họ chưa bao giờ lùi bước. Trong khi cảnh sát chỉ biết đàn áp bằng khí gas và lựu đạn hơi cay, thì người biểu tình đã vừa nhường khẩu trang lại cho các phóng viên hiện trường vừa trợ giúp những người dân khác và tiếp tục biểu tình. Họ đang đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ cần sự ủng hộ và công nhận của thế giới. Xin hãy đề cử cho họ!”
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong hiện đã bước sang tuần thứ 11, ban đầu là để phản đối luật dẫn độ do Bắc Kinh đề xuất, sau đó lan rộng thành phong trào kêu gọi dân chủ và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về những hành vi bạo lực của cảnh sát.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây của tờ Epoch Times với một số người biểu tình trẻ tuổi, khi được hỏi lý do tại sao họ vẫn tiếp tục biểu tình từ tháng 6 đến nay, đa số đều cho biết họ lo ngại rằng dự luật dẫn độ sẽ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa bất kỳ ai từ Hong Kong sang đại lục xét xử theo hệ thống pháp luật không rõ ràng của nước này và làm xói mòn quyền tự do dân chủ của Hong Kong.
Họ sợ rằng trong tương lai, Hong Kong cũng sẽ giống như Trung Quốc, không còn quyền tự do ngôn luận nữa, ngay cả các quyền tự do cơ bản của con người cũng bị cấm đoán.
Tuy nhiên, họ đã rất thất vọng với cách hành xử của chính quyền Hong Kong vì đã không đáp ứng yêu cầu của đa số người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra biểu tình, lực lượng cảnh sát Hong Kong đã bị lên án sử dụng các biện pháp bạo lực để giải tán đám đông như dùng hơi cay, dùi cui, đạn cao su, tấn công bừa bãi người biểu tình ôn hòa, nhà báo và thường dân, gây thương tích nghiêm trọng, đồng thời tùy tiện bắt bớ và khép tội bạo loạn cho người biểu tình với bản án lên tới 10 năm tù.
Lewis, nhân viên văn phòng, phát biểu: “Khi chúng tôi muốn tuần hành, chính quyền ra lệnh cấm. Rồi khi chúng tôi xuống đường, họ bắt đầu bắt bớ chúng tôi và dùng vũ lực quá mức. Họ liên tục bắn hơi cay. Những người đi bộ trên đường hoặc trẻ em đứng ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi kiểu đối xử không đúng mực này”.
Trong phong trào Ô dù năm 2014, cảnh sát Hong Kong phóng 80 – 90 quả bom hơi cay, nhưng hiện tại đã sử dụng 2.000 quả bom hơi cay nhắm vào những người biểu tình ở Hong Kong.
Thậm chí hồi đầu tháng 8, hàng trăm ngàn người đã ký tên đề nghị Chính phủ Mỹ công nhận Lực lượng Cảnh sát Hong Kong là một tổ chức khủng bố vì đang gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng và nhân quyền của người dân Hong Kong.
Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây cũng công bố các video cho thấy những đoàn xe bọc thép của quân đội nước này đã đã tiến vào thành phố Thâm Quyến, sát biên giới Hong Kong, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc thảm sát Thiên An Môn lần 2.
Đạn cao su, hơi cay, dùi cui… Suốt 2 tháng qua, những người biểu tình ở Hong Kong, phần lớn là thanh niên, luôn phải đối mặt. Những mối nguy hiểm khác cũng đang gia tăng, nhưng họ cho biết họ sẽ vẫn quyết tâm đến cùng.
“Nếu tôi nói không sợ tức là nói dối, nhưng nếu chúng tôi từ bỏ, thì chúng tôi sẽ bỏ rơi Hong Kong. Cũng không có gì là to tát nếu chúng tôi bị đánh hay bị bắn hơi cay, chúng tôi không ngại chuyện đó. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó rồi”, Ah Yan, một người biểu tình chia sẻ.
Thay vào đó, điều đau đớn nhất đối với cô gái 16 tuổi này là “cảnh sát cáo buộc chúng tôi là những ‘kẻ bạo loạn’. Họ nghĩ rằng chúng tôi đã phá hoại xã hội mà không nhận ra chính chúng tôi mới là những người đang bảo vệ sự tự do cho họ”.
Ah Man, một thanh niên khác nói: “Chúng tôi không thể lùi bước. Nếu chúng tôi không hành động thì sẽ chẳng ai đứng lên nữa. Nếu chúng tôi không đứng lên thì tương lai sau này chúng tôi sẽ không thể làm gì được nữa. Chúng tôi phải làm tất cả những gì mình có thể”.
Từ hát thánh ca đến tự thành lập nhiều nhóm hỗ trợ khác nhau, người biểu tình đã xây dựng được một hệ thống có tổ chức tốt để cung cấp đồ tiếp tế, sơ cứu và hướng dẫn đám đông.
Slaine Lai, sinh viên ngành tâm lý cho biết: “Chúng ta đang nhìn thấy những hình ảnh khác đây. Mọi người đang giúp đỡ nhau. Chẳng hạn, một số người dân mua những thứ như mũ bảo hiểm, khẩu trang và cả thức ăn cho người biểu tình ở tuyến đầu. Ngoài ra, nhiều đội sơ cứu cũng đã thành lập để phân phát dụng cụ sơ cứu”.
Đồng lòng với các học sinh sinh viên, hôm 17/8 vừa qua, hàng ngàn giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cũng đã không quản mưa gió xuống đường bày tỏ sự ủng hộ, hỗ trợ các em và tuần hành cùng dòng người kêu gọi dân chủ. Họ tràn xuống cao tốc, vào trung tâm Hong Kong, vừa đi vừa hô vang: “Hãy bảo vệ thế hệ học sinh tiếp theo của Hong Kong!”
Thùy Linh (t/h)