Loại độc dược cổ xưa nhất từng được phát hiện cho thấy nền văn minh nhân loại phải khởi phát sớm hơn suy nghĩ trước đây tới 20.000 năm.
Việc phân tích các cổ vật tìm thấy trong một hang động ở Nam Phi tiết lộ rằng, các cư dân cổ đại đã sử dụng nhiều công cụ bằng xương, thuốc nhuộm, xâu chuỗi hạt và thậm chí là sử dụng cả thuốc độc. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng thuộc về thời Đồ Đá muộn, thay vì nền văn minh San như giả thiết trước đây. “Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng thời Đồ đá muộn xuất hiện ở Nam Phi sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, cùng thời điểm với người hiện đại đổ bộ tới châu Âu”, nhà nghiên cứu Paola Villa của Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Colorado chia sẻ trên LiveScience. Tuy nhiên, sự khác biệt về công nghệ và văn hóa giữa hai khu vực châu Âu và châu Phi là rất mạnh. Vì vậy mà những công dân ở đây cũng lựa chọn hướng tiến hóa về công nghệ và xã hội hoàn toàn khác nhau, Villa nói thêm. Trong số các đồ vật tìm thấy có những chuỗi hạt được làm từ vỏ sò, những mảnh xương được vót nhọn nhiều khả năng được sử dụng làm tên bắn. Đặc biệt nhất, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tảng sáp ong trộn chung với nhựa cây có độc, nhiều khả năng được sử dụng để bôi vào đầu các mũi tên hoặc mũi giáo để phòng vệ hay tấn công kẻ địch. Tảng sáp ong này có niên đại khoảng 35.000 năm trước, cũng tức là tảng sáp ong được con người sử dụng làm công cụ cổ nhất từng được tìm thấy. Chưa hết, họ còn tìm thấy một que gỗ mảnh – toàn thân đầy vết xước. Việc phân tích hóa chất cho thấy dấu vết của acid ricinoleic, một độc dược tự nhiên thường được tìm thấy trong cơ thể loài hải ly. Các nhà khảo cổ phán đoán người cổ đại đã sử dụng chiếc que này để bôi chất độc lên mũi tên hoặc mũi giáo. Với niên đại khoảng 20.000 năm, đây là bằng chứng đầu tiên về việc dùng độc từng được phát hiện. Y Lam |
Theo VietnamNet