Theo thuyết của Đạo gia “Cơ thể người là một tiểu vũ trụ”, nghe thấy có một chút huyền hoặc. Nhưng vào thời Đường, có một người cầu đạo đã tiến nhập vào “thế giới trong lỗ tai”, du lịch trong lỗ tai người.
Khoa học ngày nay đã có thể dùng một tế bào gốc duy nhất phát triển thành một sinh vật hoàn toàn mới, điều này chứng tỏ trong một tế bào có chứa đầy đủ các tín tức của một cơ thể hoàn chỉnh. Vậy thì so sánh cơ thể người như một tiểu vũ trụ cũng không phải là quá huyền hoặc.
Lai lịch phi phàm của ông lão cưỡi lừa
Trương Tá sống vào năm Khai Nguyên triều đại nhà Đường, khi còn thiếu niên từng xuôi miền Nam đi đến Hộ Đỗ ở Trường An, đi dạo quanh vùng ngoại ô. Lúc đó Trương Tá trông thấy một ông lão cưỡi một con lừa có bốn chân trắng như tuyết, lưng đeo cái túi làm bằng da hươu, vẻ mặt ôn hòa, dáng vẻ phi phàm.
Thấy ông lão từ sơn cốc núi Chung Nam theo đường nhỏ đi ra đường lớn, Trương Tá cảm thấy rất tò mò, liền hỏi thăm: “Xin hỏi ngài từ nơi nào đến đây?” Ông lão chỉ cười không đáp.
Trương Tá liên tục hỏi thăm, khiến ông lão nổi nóng mà quát lên: “Cái tên tiểu tử này được lắm, lại dám bức bách ta! Chẳng lẽ ta là đạo tặc hay sao, việc gì cứ phải biết ta từ đâu đến?”
Trương Tá lễ phép nói: “Tôi chỉ vì ngưỡng mộ tiên sinh, nguyện được hầu hạ bên cạnh ngài, sao lại trách cứ tôi như vậy chứ!”
Ông lão nói: “Ta không có đạo thuật gì để dạy ngươi hết, ta cùng lắm chỉ là người trường thọ thôi, ngươi đang chế nhạo lão già này phải không?” Nói xong liền cưỡi lừa đi mất, Trương Tá cũng nhảy lên ngựa đuổi theo. Về sau, hai người đều đến một nhà trọ và nghỉ lại ở đó.
Sau khi sắp xếp chỗ ở xong, ông lão gối đầu lên túi da hươu ngủ, Trương Tá vì đường xa mệt nhọc muốn uống chút rượu, liền mời ông lão: “Xin mời tiên sinh cùng uống với tôi chén rượu”. Ông lão nhảy dựng lên nói: “Đây là món sở trường của ta, sao ngươi lại có thể hiểu được tâm ý của ta thế này!”
Sau khi uống rượu xong, Trương Tá thấy ông lão mặt mày vui vẻ, liền nhỏ giọng thỉnh cầu: “Tiểu sinh ngu muội, nông cạn, xin tiên sinh ban cho vài lời, để mở mang tầm mắt, không dám không an phận”.
Ông lão nói: “Những điều ta đã nhìn thấy không gì ngoài mấy câu chuyện từ thời nhà Lương, nhà Trần cho tới nhà Đường, trong đó kẻ hiền tài, người ngu dốt, thái bình rồi loạn lạc, trong sách sử đều đã có ghi lại. Nhưng hôm nay ta sẽ kể cho ngươi nghe những điều không được ghi trong sách mà chính ta đã trải qua”.
Ông lão thong thả kể về các sự kiện đã xảy ra
Ông lão nói, vào thời Bắc Chu, khi đó ông ở đất Kỳ, là người Phù Phong, họ Thân tên Tông, bởi vì ngưỡng mộ Thần Vũ Đế Cao Hoan đã đặt nền móng cho nhà Bắc Tề, mà lấy tên là “Tông”, tên chữ đổi thành “Quan”.
Lúc 18 tuổi, ông đi theo Thường Sơn Công đến Kinh Châu để chinh phạt Lương Nguyên Đế, sau khi đánh chiếm được Kinh Châu chiến thắng trở về, ông cùng với quân đội đóng giữ ở Giang Lăng.
Một ngày, ông có một giấc mơ kỳ quái, trong mơ có hai người áo xanh nói với ông: “Lữ tẩu thiên niên, nhân hướng chủ, thọ bất thiên“. Ông lão liền đến thành phố Giang Lăng tìm người giải mộng.
Người giải mộng nói với ông: “’Lữ tẩu’ là chữ ‘hồi’, tức là quay trở lại; ‘Nhân hướng chủ’ là chữ ‘trụ’, tức là ở. Cái này chẳng phải nói anh trở về nhà thì có thể trường thọ sao?”. Ông lão liền xin quan úy Thác Bạt Liệt cho trở về quê và đã được đồng ý.
Ông lão lại tìm đến người giải mộng và hỏi ông ta: “Tôi đã có thể trở về quê rồi, vậy bây giờ làm sao để có thể trường thọ?”
Kiếp trước sùng đạo kết duyên lành
Người giải mộng nói với ông lão: “Kiếp trước của ông là Tiết Quân Trụ ở Tử Đồng”. Tiết Quân Trụ giỏi dùng đạo thuật, bào chế thuốc, tìm kiếm khắp nơi những sách kỳ dị, hàng ngày đều đọc 100 trang các kinh điển như Hoàng Đế, Lão Tử, sau chuyển nhà xuống dưới núi Hạc Minh.
Chỗ ấy có thảo đường ba gian, bên ngoài trồng đầy hoa và trúc hiếm có, suối đá vây quanh. Ngày 15/8 năm Hoàng Lịch, Tiết Quân Trụ một mình uống rượu, rồi cao giọng hô lên: “Tiết Quân Trụ đạm bạc như này, chẳng lẽ không có dị nhân nào đến thăm ta!”
Lúc này, Tiết Quân Trụ chợt nghe thấy hai bên tai có tiếng xe ngựa. Nhưng vì chán nản muốn ngủ, Tiết Quân Trụ liền nằm xuống, đầu vừa chạm chiếu, thì trước mắt liền xuất hiện một chiếc xe nhỏ, bánh xe màu đỏ, lọng che màu xanh, do một con bê màu đỏ kéo.
Chiếc xe từ trong lỗ tai chạy nhanh ra ngoài, cao 2 đến 3 thốn (1 thốn = 3.3cm), chạy từ trong lỗ tai ra cũng không cảm thấy có khó khăn gì.
Trên xe có hai tiểu đồng, đội mũ màu xanh, mặc áo choàng màu xanh, tiểu đồng chiều cao cũng chỉ hai hay ba thốn, bọn họ dựa vào tay vịn gọi phu xe dừng lại, sau khi xuống xe nói với Quân Trụ: “Chúng tôi từ Đâu Huyền Quốc đến, nghe được ngài thét dài dưới ánh trăng, âm thanh vô cùng thanh tịnh và mãnh liệt, nội tâm sùng kính ngưỡng mộ, rất mong được luận bàn một chút”.
Quân Trụ kinh hãi nói: “Mọi người vừa rồi từ trong lỗ tai của tôi đi ra, sao lại nói là từ Đâu Huyền Quốc đến?”. Hai đồng tử nói: “Đâu Huyền Quốc là ở trong lỗ tai của chúng tôi, lỗ tai của ngài làm sao chúng tôi có thể ở lại được?”
Quân Trụ nói: “Thân thể của mọi người chỉ dài hai đến ba thốn, trong tai lẽ nào lại có cả một quốc gia được. Mà cho dù có đi chăng nữa, vậy thì người trong đó chắc là chỉ nhỏ như con sâu mà thôi”.
Hai đồng tử nói với Quân Trụ: “Quốc gia của chúng tôi và quốc gia của ngài cũng không khác gì nhau. Không tin xin mời ngài đi theo chúng tôi xem thử. Nếu có thể ở lại nơi đó, như vậy thì ngài cũng thoát ly được nỗi khổ sinh tử rồi”.
Thế giới ở trong lỗ tai
Một tiểu đồng liền nghiêng lỗ tai để cho Quân Trụ quan sát, Quân Trụ nhìn vào trong lỗ tai, thấy có một khoảng trời riêng, hoa cỏ sum suê, phòng ngói cứ tòa này nối tiếp tòa kia, suối chảy xung quanh, vách núi cao ngút trong mây.
Quân Trụ đi vào trong tai của người tí hon, rất nhanh đã đến một thành phố, chỉ thấy thành trì lầu các đồ sộ tráng lệ vô cùng. Quân Trụ cảm thấy bàng hoàng, không biết nên đi hướng nào. Lúc ông đang nhìn ngắm bốn phía, liền thấy hai tiểu đồng đã đứng ngay bên cạnh.
Tiểu đồng nói với Quân Trụ: “Quốc gia này so với quốc gia của ngài, rốt cuộc là cái nào lớn cái nào nhỏ? Đã đến đây rồi, sao không theo chúng tôi đi bái kiến Mông Huyền Chân Bá”. Mông Huyền Chân Bá ở trong một cung điện lớn, vách tường và bậc thang đều được trang trí vàng son lộng lẫy, trong phòng có màn che xanh biếc.
Mông Huyền Chân Bá ngồi ngay ngắn trong chánh điện, trên người mặc áo gấm có thêu hoa văn nhật nguyệt, mây tía, trên đầu đội thông thiên quan (mũ có tua cờ rủ xuống). Có bốn ngọc đồng đứng hầu ở hai bên của Chân Bá, có một người cầm cây phất trần màu trắng, một người cầm sừng tê giác như ý.
Tiểu đồng cùng Quân Trụ đi vào đại điện, chắp tay hành lễ không dám ngẩng đầu lên. Sau đó Quân Trụ bái tạ rồi đi ra cửa, liền có ba bốn người mặc áo choàng màu vàng dẫn đường cho ông. Trong thời gian ở lại đây, chỉ cần trong lòng của ông tưởng tượng cái gì, cũng không cần mở miệng nói ra, người hầu bên cạnh đã tự biết, liền lập tức mang thứ đó dâng lên.
Động niệm nhớ nhà liền trở lại nhân gian
Một ngày nhàn hạ vô sự, ông đi lên lầu ngắm nhìn nơi xa, bỗng nhiên có suy nghĩ muốn trở về cố hương, đề bút làm thơ nói: “Gió thổi nhẹ ấm áp, hương bay khắp lâm đường; Lên cao nhìn xa xăm, tuy đẹp nhưng không phải quê nhà”. Cũng đem bài thơ này đưa cho hai đồng tử đọc.
Không ngờ đồng tử phẫn nộ nói: “Vốn tưởng rằng tính tình của ngài đã bình thản an tĩnh, nên mới mời ngài đến quốc gia của tôi, không ngờ ngài vẫn còn tâm phàm như thế, đến nay vẫn chưa bỏ. Cố hương có cái gì đáng nhớ đâu chứ?” Nói xong vội vàng đuổi Quân Trụ đi.
Quân Trụ lập tức cảm thấy như từ nơi nào đó rơi xuống mặt đất, ngẩng đầu nhìn lên, chính là từ trong lỗ tai của đồng tử rớt xuống, thoáng một cái đã trở về nơi cũ. Lúc quay đầu lại nhìn đồng tử, đã không thấy đâu nữa rồi.
Ông hỏi thăm hàng xóm, thì ai cũng nói ông đã mất tích bảy, tám năm nay, mà Quân Trụ lại cảm giác mới ở trong quốc gia của người tí hon được mấy tháng mà thôi. Quân Trụ trở về không lâu thì qua đời. Về sau lại chuyển sinh vào nhà Thân gia, chính là Thân Tông đây.
Người giải mộng còn nói: “Kiếp trước của tôi chính là đồng tử từ trong lỗ tai đi ra”. Bởi vì Quân Trụ kiếp trước có đạo đức tốt, nên mới có thể đi vào Đâu Huyền Quốc, nhưng bởi vì Quân Trụ chưa bỏ hết được những thứ phàm tục, nên không thể trường sinh được.
“Nhưng mà từ nay về sau anh có thể trường thọ một ngàn năm. Tôi đưa cho anh một lá bùa, rồi tôi phải trở về”. Nói xong, từ trong miệng của người giải mộng bay ra một dải lụa màu đỏ, và nói ông lão nuốt vào, người giải mộng lập tức khôi phục lại nguyên hình là đồng tử rồi biến mất.
Từ đó về sau ông lão không bị bệnh nữa, đi du ngoạn khắp các danh sơn trong thiên hạ. “Ta đến nay sống đã hơn hai trăm tuổi, chứng kiến rất nhiều chuyện kỳ dị, đều được ghi lại ở trong túi da hươu”, ông lão nói.
Nói xong, ông lão liền mở túi da hươu ra, lấy ra hai cuốn sách lớn, chữ rất nhỏ, Trương Tá không thể đọc được, lại phải nhờ ông lão giảng giải lại, ông lão kể lại sơ lược hơn mười sự kiện, trong đó có thể nhớ được một nửa.
Đêm ngày hôm đó, Trương Tá sau khi nghe ông lão kể chuyện xong, liền mơ mơ màng màng mà ngủ thiếp đi, tỉnh lại xem xét, đã không thấy ông lão đâu rồi.
Qua vài ngày sau, có người nhìn thấy ông lão ở một sơn cốc nhỏ, ông lão nói: “Thay ta hỏi thăm Trương Tá”. Trương Tá sau khi nghe xong, vội vàng đi tìm, nhưng không tìm thấy ông lão nữa.
(Trích “Thái bình quảng ký”)
Chân Chân biên dịch