Theo điều tra của tổ chức China Labor Watch (CLW), các công nhân Trung Quốc đang phải làm việc dưới điều kiện cực khổ và không đảm bảo an toàn. Kết quả thu được từ việc các điều tra viên giả làm công nhân và lao động ở những nhà máy này.
Theo nội dung được công bố vào Tháng 11/2014, cả 4 nhà máy bị điều tra đều có công nhân lao động thêm giờ ít nhất 100 giờ/tháng trong khi số giờ tối đa chỉ là 36 (theo quy định của luật pháp Trung Quốc). Tại một số nhà máy, số giờ làm thêm đôi khi vượt 120 giờ mỗi tháng. Trong mùa bận rộn, công nhân thường phải làm việc 11-12 tiếng/ca và liên tục 6 ngày trong một tuần.
“Tất cả các nhà máy bị điều tra đều không cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ cho công nhân, mặc dù những người này phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại”, báo cáo của CLW cho biết.
Các công nhân bị ép phải sống trong các căn phòng chật hẹp, nóng bức. Có khoảng 8-18 người sống trong cùng một phòng và chỉ có 5 phòng tắm cho 180 người. Tình trạng mất cắp ở đây xảy ra như cơm bữa.
Các công nhân cũng thiếu đi một tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình. Nếu có một công đoàn trong nhà máy thì nhiều khả năng nó chỉ tồn tại trên danh nghĩa. “Đại diện nghiệp đoàn không phải do công nhân bầu ra và chủ tịch công đoàn là một thành viên của đội ngũ quản lý công ty”, báo cáo cho hay.
Ba trong bốn nhà máy không cho phép công nhân xin thôi việc. Các công nhân chỉ được nghỉ việc khi có sự chấp thuận của quản lý. Nếu nghỉ việc vào mùa cao điểm, họ sẽ bị mất khoản tiền trợ cấp và bảo hiểm xã hội như: bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu và bảo hiểm y tế, các điều tra viên của CLW cho biết.
Làm thế nào mà những nhà máy đang đi quá xa với các luật định ở Trung Quốc lại không bị xử phạt?
Ông Lý Cường, Giám đốc Điều hành và Sáng lập của CLW đã trả lời trong phiên điều trần, lãnh đạo của các công ty đã “đi đêm” với các quan chức chính quyền địa phương để “lách luật”. Ông ngụ ý điều này cũng đúng với các vi phạm về việc đóng bảo hiểm xã hội thấp.
“Tất cả các nhà thầu phụ có tiếng trong chuỗi cung ứng đều thông đồng với chính quyền địa phương để tránh né luật lao động của Trung Quốc. Ví dụ như không trả tiền đóng bảo hiểm xã hội”, Earl Brown, luật sư của Mỹ nói.
Ông Lý cho biết, nếu từ chối làm thêm giờ, các công nhân sẽ bị buộc nghỉ việc, nhưng nếu không làm thêm thì họ cũng không đủ tiền để trang trải cuộc sống.
Một cậu bé (17 tuổi) đã kiệt sức đến nỗi cho tay vào máy lúc nào không biết và cuối cùng bị chiếc máy kẹp tới chết. Được biết, cậu làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi cho hãng Disney.
Disney đã tuyên bố, nhà máy đó chỉ cung cấp ít hơn 15% nhu cầu mua hàng của công ty. Và vì không đáp ứng các tiêu chuẩn lao động của Disney, nên hãng đã cắt đứt mối quan hệ với nhà máy đó.
Ông Lý cho biết, phản ứng của Disney là điển hình của nhiều công ty đồ chơi, vốn phân chia các đơn hàng của mình thành vô số phần cho các nhà máy khác nhau nhằm đảm bảo, đơn đặt hàng của họ tại bất kỳ nhà máy nào cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số đơn đặt hàng, thường là không quá 20%. Theo cách đó, nhà sản xuất đồ chơi này có thể tuyên bố, những sai phạm trong nhà máy đó không ảnh hưởng nhiều đến họ, tiếp theo là quyết định chấm dứt làm ăn với các nhà máy này vì không làm theo quy tắc ứng xử họ đặt ra.
Ông Lý cho rằng các công ty đồ chơi nên có hành động xử lý đối với các nhà máy vi phạm nghiêm trọng về luật pháp và đạo đức khi bị phát giác. “Thay vì tìm kiếm những lý do bào chữa chỉ để rút ra khỏi các nhà máy này”.
Theo Daikynguyenvn