Khi đứa trẻ của bạn trở nên hư hỏng và mất kiểm soát, việc đầu tiên là bạn sẽ làm gì? Đánh chúng hay sẽ từ tốn khuyên bảo chúng? Bài viết dưới đây sẽ cho các bạn biết lý do vì sao bạo lực chính là cách tồi tệ nhất để dạy dỗ một đứa trẻ.
Đến một độ tuổi nhất định, mọi đứa trẻ đều có những thời kỳ ngỗ nghịch khiến phụ huynh vô cùng đau đầu. Và lúc này dạy con bằng đòn roi là cách mà cha mẹ thường chọn trong việc “giáo dục” mỗi khi trẻ hư và không vâng lời. Đặc biệt ở người phụ nữ vấn đề kiểm soát sự nóng giận lại càng kém hơn đàn ông.
Một số cha mẹ còn tận dụng bất cứ thứ gì có trong tay (giả sử như thắt lưng) để trừng phạt con mình ngay lúc đó. Nhiều phụ huynh còn nghĩ rằng phương pháp giáo dục con của mình là đúng đắn, và hành động trừng phạt này sẽ không gây hại gì cả. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu hành động trên không chỉ gây hại mà còn phản tác dụng so với mục đích dạy dỗ con trẻ của chúng ta.
Chưa kể hình phạt đòn roi sẽ là nấc thang cho các bậc phụ huynh trở thành những ông bố, bà mẹ ưa bạo lực và sẽ ngày càng tăng cấp mức độ bạo hành với con cái của mình sau này hơn.
Thực tế nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn các trường hợp bạo hành trẻ em bắt đầu từ những hành động đánh đòn. Có những đứa trẻ quá nghịch ngợm, thường xuyên tái phạm nhiều lần khiến nhiều phụ huynh cho rằng hình phạt đòn roi của mình vẫn chưa hiệu quả, và cha mẹ thường ra sức phạt nặng hơn vào những lần sau nếu con của họ tiếp tục không ngoan ngoãn nghe lời.
Mỗi lần như vậy cha mẹ đều mong đợi những trận đòn đau như thế sẽ có thể mang lại kết quả dài lâu, nhưng điều đó lại chẳng bao giờ xảy ra. Kết quả là, họ sẽ ngày càng sử dụng bạo lực hơn và cuối cùng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
Nếu bạn cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự như vậy thì hãy đọc qua một số tác hại dưới đây.
1. Bạo lực không mang lại hiệu quả tích cực
Thật đúng là như vậy, sẽ có lúc những đứa trẻ “mè nheo” và “nhõng nhẽo”, khiến cha mẹ mất kiên nhẫn, nhưng khi chúng ta không kiểm soát được mà dùng đòn roi với trẻ thì chắc chắn một điều, bạn sẽ không thể thu được về một kết quả gì tốt đẹp. Nghiên cứu đã cho thấy, bạo lực không mang lại hậu quả lâu dài về kỉ luật, bởi vì trẻ em cũng cần có thời gian suy ngẫm lại những nguyên nhân đằng sau hành vi chưa tốt của mình.
Nói cách khác, trẻ con chúng cần phải hiểu lý do tại sao chúng hành động như vậy là sai và cha mẹ cần bình tĩnh giải thích cặn kẽ cho chúng. Bạo lực chỉ là một cách nhất thời để ngăn chặn các hành động của một đứa trẻ và chúng có thể sẽ tiếp tục tái phạm lại vào những lần tiếp theo.
2. Cha mẹ bạo lực sẽ tạo ra những đứa trẻ bạo lực
Lời nói của cha mẹ có thể thuyết phục trẻ nhưng những gì họ làm lại có sức ảnh hưởng lớn đối với chúng sau này. Nếu một người mẹ hoặc người cha sử dụng cái tát để giải quyết mâu thuẫn thì đó là những gì đứa trẻ sẽ học và bắt chước sau này.
Điển hình những đứa trẻ từng bị trừng phạt đòn roi trong suốt thời thơ ấu thường có xu hướng sử dụng bạo lực đối với những đứa con và người bạn đời của mình sau này. Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ ấy thậm chí có nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật cao hơn trong tương lai.
3. Những đứa trẻ có thể sớm bị trầm cảm
Thử đặt tình huống, nếu chồng của bạn đánh bạn, bạn vẫn sẽ nghĩ rằng anh ta yêu mình chứ?
E là khó có thể, và điều này tương tự cũng sẽ xảy ra với một đứa trẻ. Khi cha mẹ sử dụng đòn roi với chúng sẽ khiến chúng bắt đầu hoài nghi về tình cảm của cha mẹ dành cho chúng ngay trong cái khoảnh khắc mà chúng bị đánh đòn.
Bởi cuộc sống của một đứa trẻ thường xoay quanh cha mẹ, và hành vi bạo lực sẽ khiến chúng bắt đầu cảm thấy hoàn toàn không được yêu thương và có thể bắt đầu mắc phải bệnh trầm cảm lâm sàng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập cộng đồng của một đứa trẻ và khiến chúng trở nên nhút nhát và tự ti hơn về bản thân.
4. Đòi roi sẽ khiến đứa trẻ trở nên yếu hơn và dễ mắc bệnh hơn
Việc liên tục bị bạo hành, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ mà thực tế khi một đứa trẻ trở nên căng thẳng, sẽ khiến hệ thống miễn dịch của chúng suy giảm hơn. Từ đó chúng sẽ dễ mắc phải những tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe.
Vậy chúng ta cần phải làm gì? Và dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn
Nếu bạn đang mất kiên nhẫn
Hãy xem lại những kỳ vọng của mình và tự hỏi bản thân xem hành vi của con bạn có phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ hay không, giống như những đứa trẻ 2 tuổi luôn không ngừng hỏi “vì sao”. Điều này có thể trì hoãn hành động nóng vội của bạn và giúp bạn suy nghĩ về các tình huống xảy ra với một thái độ nhân từ hơn nhiều.
Hãy xem lại những kỳ vọng của mình
Chúng ta luôn không ngừng đòi hỏi trẻ nhỏ hành xử như ý mình muốn, nhưng vì sao chúng vẫn không vâng lời?
Hãy ngừng cho rằng một đứa trẻ cần phải tự biết lỗi của mình là gì hoặc biết bạn muốn gì khi bạn nói với chúng rằng: “Hãy ngoan đi”.
Thay vào đó hãy chỉ ra cặn kẽ và nhỏ nhẹ với trẻ về những lý do vì sao hành động của chúng là sai, và tại sao chúng không nên làm như vậy. Ví dụ có thể nói với trẻ rằng: “Đừng đánh em trai của mình, sẽ làm đau em đó” sẽ tốt hơn là chúng ta ngay lập tức trừng phạt chúng.
Nếu con của bạn đang trong tình trạng sắp mất kiểm soát
Khi con của bạn rơi vào tình trạng mất kiểm soát và phản ứng ngày càng quá quắt, lúc này, cha mẹ cần phải thật sự bình tĩnh, giao tiếp bằng mắt với chúng và thật hạ giọng nói của bạn xuống để khuyên bảo trẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bình tĩnh có một sức mạnh ghê gớm, có thể khiến mọi thứ đang rối rắm có thể bình thường trở lại.
Khi con của bạn rơi vào tình trạng mất kiểm soát và phản ứng ngày càng quá quắt. Lúc này, cha mẹ cần phải thật sự bình tĩnh, giao tiếp bằng mắt với chúng và thật hạ giọng nói của bạn xuống để khuyên bảo chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bình tĩnh có một sức mạnh ghê gớm, có thể khiến mọi thứ đang rối rắm bình thường trở lại.
Khi con bạn đang nổi giận
Thay vì dùng cách đánh đòn, hãy phạt trẻ bằng cách tự tạo ra một thẻ “hết giờ” – một quy tắc giữa bạn và trẻ để phạt mỗi khi trẻ hư hỏng.
Vẫn là phụ huynh cần phải thật bình tĩnh để đưa con đến một nơi yên tĩnh và giải thích lý do tại sao hành vi của chúng không được chấp nhận. Sau đó nói với chúng rằng chúng có thể quay lại trò chơi của mình sau khi chúng bình tĩnh lại và chờ trong 2 phút (hoặc hơn). Nếu chúng cãi lại hoặc tiếp tục la hét, thì hãy bắt đầu đếm ngược thêm 2 phút nữa.
Hãy học cách chấp nhận với hậu quả khi con làm sai
Hãy chấp nhận những hậu quả từ hành vi không tốt của con bạn nếu bạn chắc chắn rằng nó sẽ không gây hại gì đến chúng.
Chúng sẽ tự có thể học hỏi ra bài học từ những sai lầm của mình, và đó là một việc tốt. Các bậc phụ huynh nên tránh nói là: “Ba mẹ đã nói với con mà không nghe”, điều đó sẽ khiến trẻ trở nên tự trách mình hơn mà thôi.
Bạn đã bao giờ áp dụng bất kỳ lời khuyên trong số này chưa? Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn dưới đây nhé !
My Châu (Theo Bright Side)