Liệu có phải phụ nữ ít có khả năng thăng tiến hơn đàn ông?. Theo nhà nghiên cứu hành vi học cho rằng, nguyên nhân chính là so với đàn ông, phụ nữ có nhiều mục tiêu trong cuộc sống hơn, ví dụ gia đình, con cái, những vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống thường nhật?
Bạn đã bao giờ đọc quyển tiểu thuyết Pollyanna khi còn bé chưa? Nếu đã từng đọc, có lẽ bạn sẽ nhớ cảnh người dì nghiêm khắc Polly đã đặt ra một thời gian biểu nghiêm ngặt cho cô cháu gái mình, Pollyanna. Danh sách những việc cần làm hàng ngày này khiến cô bé Pollyanna sôi nổi phải nản chí và kêu ca:
“Ôi nhưng dì Polly, dì Polly ơi, dì chẳng chừa cho cháu tí thời gian nào để… để sống hết”.
Theo Pollyanna, cuộc sống đúng nghĩa là hàng ngày được làm tất cả những thứ vui thích, bình dị, thông thường, điều mà những công việc, nhiệm vụ chẳng bao giờ cho chúng ta.
Quan điểm của Pollyanna bất chợt hiện ra khi tôi bắt gặp một nghiên cứu liên quan đến khoảng cách giới tính trong các vị trí quản lý được đăng trong tạp chí Scientific American.
Như chúng ta thường biết, tỉ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí CEO trong các công ty lớn là rất thấp. Trong khi khoảng cách này bị gán là phân biệt giới tính thì nghiên cứu mới mẻ này chỉ ra rằng khoảng cách trên có thể là do trong vai trò lãnh đạo, phụ nữ phải trải qua những trải nghiệm không mấy vui vẻ nhiều hơn.
Thực tế, phiền muộn của phụ nữ giảm khi thăng tiến lên cấp quản lý trong khi sự vui vẻ của đàn ông không hề thay đổi. Để giải thích hiện tượng này, nhà khoa học hành vi Francesca Gino ghi chú:
“Những vị trí hàng đầu trong các tổ chức đem đến nhiều lợi ích, từ mức lương tăng đến tầm ảnh hưởng, uy thế và quyền lực ngày càng cao. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự ràng buộc lớn về thời gian. Đối với phụ nữ, sự ràng buộc thời gian đó thường khiến họ cảm thấy mình cần phải cân bằng lại giữa gia đình và công việc”.
Gino tiếp tục:
“Sự cân bằng và ràng buộc mà phụ nữ dự đoán họ sẽ trải qua khi leo lên các vị trí cao hơn có liên quan đến một sự thật chúng ta có thể bắt gặp trong công việc của mình, đó là so với đàn ông, phụ nữ có nhiều mục tiêu trong cuộc sống hơn. Trong một vài nghiên cứu, chúng tôi đã yêu cầu nhiều nhóm đàn ông và phụ nữ, từ các sinh viên cho tới những giám đốc, liệt kê ra các mục tiêu cốt lõi trong cuộc sống – điều mà chúng tôi định nghĩa cho họ là những thứ họ quan tâm sâu sắc và thường xuyên nghĩ đến trong cuộc sống thường nhật, hoặc là điều thúc đẩy những hành vi và quyết định của họ. Những mục tiêu mà họ đưa ra rất đa dạng, từ kết hôn, sinh con hoặc thường xuyên tập thể dục, cho đến tìm một công việc được đánh giá cao và trở nên giàu có. Qua hàng loạt nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng phụ nữ đặt ra nhiều mục tiêu hơn đàn ông”.
Nói cách khác, nhiều phụ nữ – như Pollyanna, có một khát khao thầm kín rằng “chỉ muốn được sống” và không chỉ đơn giản là hoàn thành những việc cần làm hằng ngày để có thể vươn lên vị trí dẫn đầu.
Không may thay, khao khát đó có vẻ không khả quan lắm trong thế giới thực. Tác giả Richard Weaver đã đưa ra một lý do giải thích cho hiện tượng này trong quyển sách Ideas Have Consequences của ông:
“Phụ nữ đã bị lầm đường lạc lối bởi triết lý chủ nghĩa tích cực mà quên mất rằng đối với họ – những người giữ gìn các giá trị – việc “là” bao giờ cũng tốt hơn “làm”.”
Bạn có nghĩ là Weaver đúng không? Có phải phần lớn tỷ lệ phụ nữ được thống kê theo bản năng vẫn tin rằng niềm hạnh phúc lớn lao đến khi bản thân tránh xa những tham vọng trong công việc và tập trung nhiều hơn vào những thứ khác của cuộc sống thường nhật (gia đình, con cái, v.v…)? Và có phải họ đã bị dẫn dắt sai hướng và suy nghĩ đối lập như vậy là do các chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội đang chi phối văn hóa ngày nay?
Tác giả: Annie
Annie là một nhà văn cao cấp cho tờ Intellectual Takeout. Cô hỗ trợ sản xuất nội dung cho trang web và các thông điệp truyền thông xã hội. Annie đã tốt nghiệp cử nhân ngành Nghiên cứu Kinh Thánh của Đại học Northwestern-St. Paul. Cô cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm từ làm giáo viên âm nhạc và giáo viên tình nguyện – đặc biệt là với các trẻ em trong thành phố – cho đến việc nghiên cứu và viết lách của mình.
>>> Câu chuyện về 3 người phụ nữ phi thường mang đến thành công cho NASA
>>> Tại sao phụ nữ đông con thường “không hề ngu dốt”?
Hồng Liên, theo intellectualtakeout.org