“Con có ít tiền phụ cấp tích cóp được 2 triệu, con gửi vào tài khoản chị họ nhờ mua một dây chuyền nho nhỏ tặng mẹ. Chiếc dây chuyền đó 5,5 triệu, con chỉ có một ít góp vào tặng mẹ. Đây là quà của con trai mẹ”, bà Bảy bùi ngùi kể lại.
2 ngày nay tại thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), họ hàng, bạn bè và hàng xóm tập trung rất đông tại nhà Thiếu úy Long (27/12/1998) là phi công Phi đội 1, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân.
Anh là 1 trong 2 phi công đã hy sinh trong vụ máy bay rơi tại chân đập Suối Dầu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
Video hình ảnh thương tâm ghi lại thời điểm Thiếu úy Long gặp nạn trong buổi diễn tập:
Ra đi khi ước mơ còn dang dở
Thiếu úy Long là con cả trong gia đình có 2 anh em. Chàng trai 21 tuổi được hàng xóm nhận xét là người hiền lành, sống tình cảm. Từ nhỏ, anh có tiếng học giỏi và được nhiều người yêu quý.
Ngày Long hy sinh, cả gia đình bà Hoàng Thị Bảy (46 tuổi, xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) đều có nhà, mới ăn cơm xong chuẩn bị đi nghỉ trưa thì bà nhận được cuộc gọi lạ. “Đầu dây bên kia hỏi có phải số điện thoại của gia đình cháu Long không, tôi thưa, dạ đúng rồi, ai đấy. Lúc này thầy mới nói là trong trường ở Nha Trang gọi ra báo tin, gia đình hết sức bình tĩnh’’.
Nghe thầy nói đến ‘bình tĩnh’, chân tay bà bủn rủn, đứng không vững. Bà cố gượng, thì thầy thông báo cháu Long mới hy sinh. Bà ngã quỵ xuống, khóc như mưa rồi nói cho chồng. “Chồng tôi không nói năng gì, chạy một mạch sang nhà bà nội ở bên cạnh gào khóc mẹ ơi, thằng Long nó chết rồi, cả nhà chúng tôi òa khóc”.
Sự ra đi bất ngờ của Long khiến người thân trong gia đình đau xót. Họ luôn hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm đáng tiếc, rồi ngày mai, chàng phi công lại trở về trong vòng tay gia đình, thực hiện những ước mơ dang dở.
“Điều này không phải sự thật. Có lẽ đây chỉ là ảo giác!”, bà Bảy nghẹn ngào trước di ảnh của con trai.
Có đam mê từ khi còn nhỏ và sống rất tình cảm
Khóc đã cạn nước mắt, giọng bà lạc đi đến mức phải ngồi thật gần mới nghe rõ bà đang nói gì. Mỗi lần nhắc về con trai bà đều tự hào, gia đình bên ngoại có các bác làm phi công đã nghỉ hưu, trong nhà treo rất nhiều ảnh. Long từ khi còn bé đã hay sang chơi, nhìn thấy máy bay, các bác ngồi lái và bắt đầu đam mê, yêu thích từ đó.
“Cháu về nói với tôi là con sẽ đi lính phòng không, thời đó, thấy cháu rất đam mê nên chúng tôi để cho cháu tự lựa chọn”, bà Bảy tâm sự.
Sau đó, Long đỗ vào Trường Sĩ quan Không quân với số điểm là 23,5 (năm 2016). Trong 6 tháng huấn luyện bay khó khăn vất vả, ngày nào Long cũng gọi điện về tâm sự với mẹ. Có những lần học hành căng thẳng, Long sút mất vài ký khiến bà lo con không trụ được, nhưng Long hứa quyết tâm bà lại yên lòng.
Bà Bảy kể, tính đến hôm hy sinh thì Long đã có 6 tuần bay, ngày con được bay lần đầu tiên bà không sao quên được.
“Hôm nay con báo cho mẹ một tin mừng. Cuối cùng ước mơ của con đã thành sự thật. Con được thầy cho bay chuyến đầu tiên. Nghe con nói mà tôi vui khóc luôn”, bà Bảy tâm sự.
Lần cuối cùng bà Bảy được nói chuyện với con là trưa hôm thứ 5, với nội dung: “Mẹ ơi, hôm nay con bay với Chính ủy, con làm hơi sai 1 tí, thầy bảo con sửa và con đã sửa được mẹ ạ”. Những lúc như thế bà Bảy cũng chỉ biết động viên con cố gắng vượt qua.
Ngày 8/3 vừa rồi, Long gọi điện về thủ thỉ: “Con có ít tiền phụ cấp tích cóp được 2 triệu, con gửi vào tài khoản chị họ nhờ mua một dây chuyền nho nhỏ tặng mẹ. Chiếc dây chuyền đó 5,5 triệu, con chỉ có một ít góp vào tặng mẹ. Đây là quà của con trai mẹ”, bà Bảy bùi ngùi kể lại. Món quà của con đối với bà là quá lớn, đến nỗi bà không dám đeo mà cất đi kỹ càng…
“Em sẽ không khóc…”
Nhận tin dữ, ông Đào Văn Nam (bố của Trung sỹ Đào Văn Long) đã bay vào Nha Trang để ‘đón’ con trai về nhà. Còn em trai là Đào Văn Tuyền mấy ngày nay tất bật lo hậu sự cho anh trai.
Chàng trai 17 tuổi không khóc, vì em sợ khóc sẽ làm mẹ đau lòng. Tuyền vốn là người ít nói, sống nội tâm, rất ít khi thể hiện tình cảm với bố mẹ và anh trai.
Nếu Long có ước mơ là chiến sĩ không quân, thì Tuyền lại muốn trở thành một chiến sĩ lục quân. Tuyền nói, anh trai đã học xa nhà nên em muốn ở gần bố mẹ để có thể chăm sóc bố mẹ thay anh.
“Anh vẫn luôn ở bên cạnh em. Em tin là như thế. Em chắc chắn sẽ học thật giỏi và thi vào ngành đội quân, để thay anh thực hiện những gì mà anh chưa hoàn thành. Em rất tự hào về anh”, Tuyền chia sẻ.
Ngoài thiếu úy Long thì trong chuyến bay định mệnh ấy, sinh mệnh của người phi công trẻ – đại úy Lê Xuân Trường cũng bị cướp mất. Hình ảnh vợ Thiếu tá Lê Xuân Trường ôm 2 con thơ tại lễ viếng khiến nhiều người không cầm được nước mắt. 2 con cứ ngơ ngác nhìn quanh, không rõ chuyện gì đang xảy ra.
Có mặt tại nhà của đại úy Lê Xuân Trường (1986, Hà Nội), những người hàng xóm, họ hàng không kìm nổi nước mắt tiếc thương cho anh. Chị N.T.H (họ hàng của gia đình) chia sẻ: “Gia đình có truyền thống nên Trường quyết theo nghề này. Như là điềm báo để gặp gỡ lần cuối, Trường mời cả gia đình tôi vào đầy tháng cho cháu thứ hai.
Anh ấy còn nói rằng, mọi người cứ về đi, tháng 7 này Trường ra giỗ mẹ, đón bố vào sống cùng. Và tết cũng sẽ đưa vợ con về thăm gia đình. Thế nhưng chưa thực hiện được điều hứa thì Trường đã đi rồi”.
Lau giọt nước mắt, chị Lê Thị Huệ (hàng xóm của gia đình) giãi bày: “Trường là người rất thông minh, chăm chỉ và hiền hậu. Sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp, gắn bó và cống hiến cho tổ quốc nên mọi người đều rất yêu quý”.
Ngày 15/6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký các quyết định truy phong và truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn đối với hai đồng chí phi công thuộc Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện.
Theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Xuân Trường được truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn từ cấp Đại úy lên Thiếu tá; đồng chí Đào Văn Long được truy phong quân hàm sĩ quan cấp bậc Thiếu úy.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: