“Khi một món đồ nào đó được tạo ra, thì nó phải được sử dụng. Thật là phí phạm khi mọi người chọn cách vứt bỏ đồ vật thay vì đem quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”, Anna Sacks chia sẻ.
Với chiếc xe đẩy, một đôi găng tay, hai chiếc túi tái sử dụng, tuần nào Anna Sacks cũng đi tới các thùng rác nhà hàng xóm hoặc tại các siêu thị gần nhà để tìm lục đồ cũ 3 đến 4 lần.
Sau khi chuẩn bị sẵn sàng cho việc lục tung một chiếc thùng rác trên con phố ở Manhattan, New York, Anna Sacks đeo găng tay bảo hộ, rút điện thoại và nhấn phát trực tiếp.
Trong một túi rác, cô tìm thấy từ bên trong các thanh protein, một bảng màu trang điểm đã hết, tuýp kem đánh răng, cuối cùng lôi ra được một chiếc lược chải tóc ưng ý, tuy đã bị bỏ đi nhưng nhìn nó còn rất lành lặn, chỉ cần làm sạch là có thể dùng được…
Cứ như vậy, hết thùng rác này đến thùng rác khác, sau một vòng trên phố, Anna nhặt được vô số đồ tốt, chất lên xe đẩy rồi mang về nhà.
Những thứ người ta không dùng tới nữa lại chính là những thứ cô cần, cô có thể kiếm được “cả núi” thực phẩm và những món đồ gia dụng, thậm chí cô còn từng nhặt được những bộ quần áo hàng hiệu, những chiếc nồi gang đắt đỏ của Le Creuset hay những chiếc ly của Tiffany…
“Tôi ngủ trên ga giường nhặt được và uống cà phê pha từ túi người ta bỏ đi”, Sacks nói.
Không chỉ kiếm được đồ ăn, thức uống, vật dụng, các video nhặt đồ từ thùng rác của cô còn thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok và Instagram.
Chia sẻ về thói quen này của mình, cô gái 30 tuổi cho biết: “Đối với tôi việc này rất có ý nghĩa”.
Không chỉ là tiết kiệm mà còn để ‘thay đổi thế giới’
Cô tâm sự, mục đích của mình khi quyết định đi lục thùng rác không phải chỉ để tiết kiệm tiền mà còn vì muốn mọi người lưu tâm hơn về lượng rác thải họ tạo ra mỗi ngày nhiều và gây ảnh hưởng đến môi trường ra sao.
Anna kể, vào mùa hè năm 2016, cô đang phải đối mặt với áp lực công việc rất lớn. Để thoát khỏi vấn đề này, cô đã tự nguyện đăng ký tham gia một chương trình làm nông nghiệp kéo dài 7 tháng của người Do Thái ở Connecticut.
Cơ duyên đã đến từ đây, chính nhờ làm nông và học về phân bón mà cô đã phát hiện ra một hướng đi khác cho cuộc đời mình.
Sau khi trở về nhà, Anna bắt đầu tham gia giải cứu thực phẩm và dạy tiếng Do Thái để kiếm thêm thu nhập. Cuối cùng cô làm việc cho một công ty chuyên tư vấn cho các tập đoàn biện pháp cắt giảm chất thải.
Cô đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường cho các công ty. Ngoài giờ, cô còn đi kêu gọi “quyên góp, đừng bán phá giá”. Bản kiến nghị đó đến nay đã được gần nửa triệu chữ ký.
“Khi một món đồ nào đó được tạo ra, thì nó phải được sử dụng. Thật là phí phạm khi mọi người chọn cách vứt bỏ đồ vật thay vì đem quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”, cô gái nói trên Tiktok.
Qua những ngày tháng lang thang trên đường phố nhặt lục lọi các thùng rác, Anna cho rằng văn hóa ‘vứt bỏ mọi thứ’ của nhiều người đã dẫn đến một lượng rác thải khổng lồ trong tự nhiên.
Nhiều siêu thị hay cửa hàng tiện lợi còn yêu cầu nhân viên phải tiêu hủy hàng hóa vào cuối ngày nếu không bán hết được.
Trong các năm qua cô đã đi kêu gọi một số tập đoàn thay đổi thói quen này, tuy nhiên đây là công cuộc không mấy dễ dàng.
Ví dụ vào năm 2016, một doanh nghiệp đồ ăn nhanh đã cam kết sẽ tặng 100% thực phẩm không bán hết cho những người hoàn cảnh thế nhưng thực tế đó chỉ là những lời nói suông.
Dù khó khăn là vậy nhưng Anna vẫn hy vọng công việc của mình sẽ truyền cảm hứng và khiến mọi người trên thế giới có một cái nhìn khác về việc xả rác, về lượng rác tất cả chúng ta tạo ra mỗi ngày.
Yên Yên (Theo The Nypost)