Bị một người họ hàng lừa bán sang Trung Quốc từ khi còn nhỏ, cô gái Kha Thị Kim Dân đã phải sống trong sợ hãi suốt nhiều năm. May mắn thay, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với đời cô khi có thể tìm lại được quê hương gốc tích của mình.
Theo Việt Nam Net, Kha Thị Kim Dân sinh ra trong một gia đình làm nông ở vùng quê nghèo của Nghệ An. Gia cảnh khó khăn, bố lại nghiện ma túy nặng, thương mẹ nên sau giờ học, Dân lại lên rẫy hái rau mang ra chợ bán.
Một lần năm 2011, Dân gặp người họ hàng rủ sang Lào làm, hứa sẽ tìm cho em công việc kiếm tiền gửi về giúp mẹ. Cô bé ngây thơ nhanh chóng bị thuyết phục. Nhưng sau chuyến xe đường dài, Dân mới giật mình phát hiện mình bị lừa.
Em bị bán làm con dâu cả của một gia đình nông dân ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam với giá 60.000 NDT (gần 200 triệu đồng). Tuy nhiên thấy cô bé gầy gò, đen nhẻm, còn bé hơn con út nhà mình, người mua đã mang Kim Dân về làm con nuôi.
Họ chăm sóc Kim Dân rất chu đáo, coi như con ruột. Dân không có giấy tờ tùy thân không thể đi học, họ đã mua giấy bút về dạy em học tiếng Trung.
Hàng ngày, cô bé theo cha mẹ nuôi đi làm nương, nuôi gà. Hai năm đầu, Dân gần như không nói chuyện với ai. Trong lòng đầy hoảng loạn. Đêm nào em cũng khóc, thầm gọi tên mẹ, mong sao mẹ tìm được đến đây đưa em trở về.
Nhưng ngày tháng trôi đi, cô gái nhỏ cũng dần chấp nhận có thể sẽ không bao giờ được gặp lại cha mẹ nữa. Dân bắt đầu học cách thích nghi… Bố mẹ nuôi cũng thương cảm, giúp em hòa nhập với cuộc sống mới.
Ở Việt Nam, một tháng sau khi bán Dân, người họ hàng về nước báo với bà Xeo Thị Oanh, mẹ Dân rằng con bà sang Lào rửa bát thuê, cuối năm sẽ mang tiền về. Nhưng 2 Tết liền chờ đợi mòn mỏi, bà vẫn không được gặp con. Bà lo lắng chạy sang nhà họ hàng hỏi tin nhưng người này đã bỏ đi biệt tích. Một năm sau, nghe tin người họ hàng bị bắt vì tội buôn người bà mới chết lặng hiểu ra con mình bị bán.
Bà định đi tìm con nhưng ai cũng khuyên ngăn biển người mênh mông biết đâu mà tìm. Trong khi ở nhà vẫn còn 2 con nhỏ. Năm 2017, bà ly hôn với người chồng nghiện ngập, 2 năm sau thì đi bước nữa.
Trong khi đó ở Trung Quốc, Dân không có giấy tờ tùy thân nên không được đi đâu xa. Mãi 4 năm sau ngày bị bán, Dân mới được đi ra ngoài. Cô xin đi làm thuê, kiếm tiền gửi cho cha mẹ nuôi, nhưng họ không nhận bảo cô giữ lại phòng thân.
Sau nhiều năm lưu lạc, mặc dù đã quên gần hết tiếng Việt nhưng Dân vẫn đau đáu một nguyện vọng tìm về quê hương. Đến tháng 5 năm nay, Dân quen một người bạn Việt Nam qua mạng xã hội Wechat và nhờ anh đăng thông tin tìm gia đình. Anh bạn tốt bụng đăng tin lên Facebook.
Tình cờ, ông Cụt Sĩ Ỏn, cậu ruột của Dân ở Kỳ Sơn, Nghệ An đọc được và nhận ra cháu. Ông liền liên lạc với bạn Dân, báo tin vui bất ngờ cho bà Oanh, đồng thời báo cho cơ quan chức năng vào cuộc.
Ngày 29/8/2020, Dân trở về đoàn tụ với gia đình. Vừa nhìn thấy con, bà Oanh chạy đến ôm con vào lòng. Gần 10 năm qua, có lúc bà đã buông xuôi ý định gặp lại con. Không ngờ còn có ngày đoàn tụ. Hai mẹ con vui mừng trong nước mắt. Dân tâm sự: “Tôi buồn vì mẹ già đi nhiều lắm, đôi mắt trũng sâu”.
Nhưng dù được mẹ và gia đình yêu thương, Dân vẫn cảm thấy lạc lõng, xa lạ khi ở Việt Nam. 9 năm qua, cô đã quen với cuộc sống bên đó rồi. Cô cũng có mối tình với một chàng trai Trung Quốc và dự định sẽ kết hôn.
Ngày Dân bày tỏ nguyện vọng muốn quay lại Trung Quốc, bà Oanh khóc hết nước mắt. Bà không muốn xa con thêm lần nào nữa nhưng cũng đành thuận theo ý con.
Dân chia sẻ: “Dù tôi sống ở đâu, Việt Nam vẫn là quê hương, là nguồn gốc của tôi. Đó là lý do, tại sao 9 năm qua tôi luôn đau đáu tìm đường về. Giờ tôi có 2 gia đình”.
Câu chuyện của Kim Dân là trường hợp hy hữu và may mắn nhất trong rất nhiều nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Bởi phần đông các cô gái thường bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tuy nhiên kể cả gặp được người tốt, thì cuộc đời Kim Dân cũng đã phải rẽ sang một bước ngoặt lớn vì một tệ nạn gọi là “buôn người”. Và trên hành trình mưu sinh của những người dân quê nghèo khổ ấy, tội phạm buôn người đã trở thành những bóng ma đầy ám ảnh.
Thùy Linh (t/h)