Tinh Hoa

Cô gái học thứ ngôn ngữ hiếm, trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần trình bằng cấp

Tại Việt Nam, thời điểm năm 2006 dường như không có bất kì đơn vị giảng dạy tiếng Slovakia nào đang hoạt động, và cho đến nay cũng không có số liệu thống kê cụ thể số người học thứ tiếng này. Ấy thế mà Hường lại quyết định nghiên cứu và tìm hiểu để học thứ tiếng này.

Theo Trí Thức Trẻ, Nguyễn Hường (SN 1987) hiện đang làm việc ở Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam.

Cô là người đã học tiếng Slovakia, một thứ ngôn ngữ mà đến tận bây giờ vẫn được coi là lạ lẫm, nhiều người thậm chí còn chưa bao giờ nghe về quốc gia này. 

Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 6 triệu người sử dụng tiếng Slovakia (hay còn gọi là tiếng Slovak), trong đó có 85% là người Slovakia. 

Nguyễn Hường du học Slovakia lúc đầu hoàn toàn vì yêu cầu của bố mẹ. (Ảnh qua Tri Thức Trẻ)

Riêng tại Việt Nam, thời điểm năm 2006 dường như không có bất kì đơn vị giảng dạy tiếng Slovakia nào đang hoạt động, và cho đến nay cũng không có số liệu thống kê cụ thể số người học thứ tiếng này. Ấy thế mà Hường lại quyết định nghiên cứu và tìm hiểu để học thứ tiếng này.

Hường kể rằng, cơ duyên bắt đầu vào năm 2006. Thời điểm này bố mẹ của Hường đem gửi gắm Hường cho người cô ruột đang định cư tại Slovakia. Tại đất nước này, Hường theo học Đại học Comenius ở Bratislava.

Việc học một ngôn ngữ lạ lẫm chưa từng được tiếp xúc từ trước như tiếng Slovakia là vô cùng khó khăn đối với Hường. 

Cô giáo tại trường tiếng cũng nói rằng các em học sinh ngoại quốc như Hường đã gặp phải ‘double trouble’ (khó khăn kép). Trong vòng 1 năm, ngoài việc học tiếng, Hường còn phải học các môn như toán, kinh tế để thi đại học.

Phần khó khăn nhất là khi học đại học. Dù đã được học 1 năm tại trường tiếng nhưng học kỳ đầu tiên Hường không thể theo kịp tiến độ tại trường khi thường xuyên không nghe được bài giảng trên lớp, mỗi ngày đều phải mượn vở của bạn bè để chép lại rồi về nhà tìm tòi, nghiên cứu.

Thậm chí nhiều khi đọc sách Hường cũng không hiểu được hết nghĩa. Mỗi lần như vậy, Hường thường sử dụng từ điển, nhưng cô phải tra kiểu bắc cầu sang tiếng Anh rồi mới về tiếng Việt, vì vậy việc học cũng mất thời gian hơn.

Năm 2012, sau khi học xong cả chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Slovakia, Hường về nước trong tâm thế xác định sẵn rằng sẽ không bao giờ được sử dụng tiếng Slovakia nữa. Bởi thực sự ở thời điểm đó, tại Việt Nam đây là thứ ngôn ngữ cực kỳ không thông dụng.

Nhưng Hường không ngờ rằng, đó lại là một khởi đầu đầy hứa hẹn. Sau 1 năm làm việc tại một công ty truyền thông, Hường bỗng nhận được tin Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội đang tuyển người thông qua một người bạn. 

Vốn lâu rồi mới có đất dùng thứ tiếng mình từng miệt mài học, Hường rất vui và thử sức đăng ký. Trong buổi phỏng vấn, Hường cùng Đại sứ và Phó Đại sứ nói chuyện rất vui vẻ, thậm chí Hường còn trúng tuyển khi không cần trình bằng đại học.

Hường thường nói đùa việc thấy mình xuất hiện trên TV thường xuyên cũng là một cái lợi của việc học tiếng Slovakia. (Ảnh qua Tri Thức Trẻ)

Đến lúc này Hường mới thấy lợi ích của việc học một thứ tiếng hiếm, và trong công việc cũng gần như không có sự cạnh tranh luôn.

Sau khoảng thời gian đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp Slovakia ngỏ ý muốn đầu tư tại Việt Nam và muốn Hường về làm cùng tuy nhiên cô nàng này đều từ chối.

Do cơ quan khá nhỏ nên một mình Hường thường chạy làm nhiều việc như là người sắp xếp lịch trình công tác, làm việc cho Đại sứ, là người liên lạc với các Cơ quan đại diện ngoại giao của các nước khác cũng như Bộ ban ngành của Việt Nam, tổ chức sự kiện, dẫn chương trình không chuyên, phiên dịch trong các buổi gặp cấp cao.

Là Thư ký Đại sứ nhưng Hường còn có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí khác. (Ảnh qua Tri Thức Trẻ)

Bận rộn và vất vả là vậy nhưng Hường cũng thường phải đối diện với các tin đồn như có quan hệ hay đi cửa sau mới được vào làm ở đây, nghe thấy vậy Hường cũng chỉ biết cười trừ, bản thân cô cũng không thanh minh vì mình sống sao mình cũng như mọi người làm việc cùng đều biết. 

Hường luôn cho rằng nhờ công việc này mà mình đã nhận về rất nhiều. Đó có thể là vốn kiến thức khổng lồ học được, là tầm mắt được mở mang hơn và là những kỉ niệm khó quên trong các lần tiếp xúc gần với phu nhân của các lãnh đạo cấp cao.

Qua đây, Hường cũng hy vọng được nhắn gửi đến các bạn trẻ còn đang băn khoăn, đắn đo trong việc học những kĩ năng mới hay muốn thử sức ở những công việc có tính thử thách cao như thế này rằng: 

“Đừng ngại ngần, đừng nghĩ rằng cơ hội đó không dành cho mình. Hãy luôn giữ tâm thế phải thử thì mới có cơ hội, còn nếu bạn không thử thì chắc chắn cơ hội là 0”.

Yên Yên (t/h)