Corticoid là dược phẩm chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, chữa viêm các loại… nhưng Corticoid cũng là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, gây biến chứng và gây nghiện…
Hiện tượng cô gái 29 tuổi Thạch Thị Tha R., quê ở Bạc Liêu, sau khi sinh con thứ 2 da mặt bỗng trở nên bị sần sùi, nhăn nheo như bà lão 70 tuổi gần đây đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và y học. Được sự giúp đỡ của BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM – thành viên Hiệp hội Thẩm Mỹ Y khoa Hoa Kỳ nhận lời đứng ra chữa trị cũng như tài trợ toàn bộ kinh phí về thuốc men và đến hôm nay, căn bệnh của Tha R. đã có những chuyển biến tốt đẹp. Nhân dịp này, báo SK&ĐS cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng BS. Cẩm Anh xoay quanh câu chuyện trên…
PV: Xin chào bác sĩ. Xin bác sĩ cho biết sơ lược về tình trạng của cô gái Thạch Thị Tha R. cũng như diễn tiến ca bệnh sau một tháng điều trị?
BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh: 29 tuổi, khi đang mang thai cháu bé thứ 2 khoảng 5 tháng tuổi, thấy vùng da mặt bị sần, ngứa, sưng, nóng, còn vùng thân thì nổi những mụn đỏ li ti, ngứa nên Thạch Thị Tha R. ra tiệm thuốc tây gần nhà mua pommadecorticoid dưới tên thuốc là Morcina (chứa Fluocinolone 0.025%) và đã dùng 4 tuýp thoa lên mặt để trị mụn và ngứa trong khoảng 3 tháng, sau đó thấy không đỡ nên đã ngừng bôi khoảng hơn 2 tháng thì da mặt phình to gây biến dạng mặt. Hiện tượng này là do viêm da corticoid thể tăng tiết bã nhờn có phì đại nang lông nên làm cho da dày cứng và các đường nhăn gãy da trở nên hằn sâu như những đường rãnh. Đây là phản ứng phản hồi corticoid khi ngừng bôi corticoid, nhưng hiện tượng này xảy ra mạnh do Fluocinolone là corticoid cực mạnh và cực độc. Kết quả điều trị sau 4 tuần liên tục với phương pháp điều trị của bác sĩ cho thấy: Các nang lông phì đại đã trở về bình thường do việc tiết nhờn của da được hồi phục hoạt động; trở về trạng thái hoạt động bình thường, bề mặt da láng mịn hơn nhiều, nang lông và lỗ nang lông không còn phình to làm cho da trở nên mịn màng, mũi không còn phình to dày cứng và gồ ghề như mũi lân mà đã thon gọn lại trông thanh tú, các đường nhăn hằn sâu như các rãnh giờ đây đã mờ nhạt rất nhiều dù chưa xóa hết hoàn toàn. Gương mặt trở nên thon gọn hơn rõ rệt và nét mặt đã xinh ra nhiều làm cho Tha R. hạnh phúc vô cùng.
PV: Bác sĩ khẳng định rằng bệnh nhân bị biến chứng do corticoid… Vậy xin bác sĩ cho biết: ngoài biến chứng về da, chất corticoid còn gây ra những tác hại gì đối với sức khỏe con người?
BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Corticoid là dược phẩm chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, ức chế miễn dịch mạnh nên chữa viêm các loại rất mạnh… được dùng dạng uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp và tiêm tại chỗ hay bôi da tại chỗ. Corticoid dùng lâu dài thường gây nhiều biến chứng như: giảm khả năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ thể, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng: đái tháo đường, hội chứng Cushing, cao huyết áp, đặc biệt là hiện tượng nghiện corticoid. Corticoid bôi da có đặc điểm tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh, nhưng chỉ trị ngọn mà không trị tận gốc của bệnh. Ngoài ra, còn làm da căng mọng, trắng, không một nếp nhăn hay tỳ vết do tác dụng giữ nước mạnh hay là hiện tượng phù da. Những tác dụng trên làm cho người dùng làm đẹp rất thích và nhầm tưởng đó là sản phẩm tốt. Tuy nhiên, corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, gây biến chứng và gây nghiện. Nói cho đúng nghĩa thì corticoid nguy hiểm như “ma túy” vì nó vừa là thuốc chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm; gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi, do vậy khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều. Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng; làm giảm đến mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão. Làn da mỏng ấy dễ bị tàn phá bởi yếu tố có hại từ bên ngoài như nắng, gió, bụi, ô nhiễm. Corticoid còn gây hiệu ứng phản hồi khi ngưng thuốc, mụn nổi lên kịch phát, viêm da kích ứng, da tiết nhờn nhiều hơn trước; gây nám da lan rộng, gây dãn mạch làm da bị đỏ và nóng rát, da già cỗi sần sùi khi ngừng bôi. Trường hợp của Tha R. chính là do các tuyến bã nhờn tăng tiết quá mức các chất bã nhờn khi ngừng bôi corticoid gây phì đại và phình rất to các nang lông chi chiết cạnh nhau gây ra biến dạng mặt như đã đề cập..
PV: Nếu nói corticoid “gây nghiện” như ma túy thì ắt cũng phải có cách “cai nghiện”… Vậy xin hỏi bác sĩ, cách “cai nghiện” corticoid như thế nào?
BS. Cẩm Anh đang khám cho chị Tha R.
BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Cai corticoid cũng khó hệt như cai ma túy vậy. Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng và đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và hợp tác thật chặt chẽ với người điều trị. Người bệnh phải ngưng sản phẩm bôi chứa corticoid trong vài tuần trước khi điều trị dù biết rằng khi ngưng dùng da sẽ diễn biến phức tạp và rất xấu vì hiệu ứng phản hồi corticoid.
Đặc biệt cần tuân thủ các bước sau:
1. Không dùng lại corticoid dưới bất cứ hình thức nào dù là uống, tiêm chích, tiêm truyền hay hít vào mũi hay bôi ngoài da.
2. Dùng hoạt chất làm lành, chống viêm chiết xuất thiên nhiên nhờ công nghệ sinh học cao; đó là phức chất bảo vệ da; chiết xuất thực vật chứa thành phần hoạt tính giúp làm dịu, lành viêm sẩn đỏ, và củng cố cấu trúc hàng rào bảo vệ của da.
3. Dùng hoạt chất chiết xuất thiên nhiên làm vững mạnh thành mạch chống giãn mạch và đỏ da.
4. Vật lý liệu pháp giúp điều hòa chức năng tiết nhờn của tuyến bã nhờn, làm lành, phục hồi chức năng da và tăng cường tái tạo tế bào da bị tổn thương: ánh sáng liệu pháp.
PV: Corticoid không phải dễ sử dụng và cũng không phải dễ nhận biết, thưa bác sĩ?
BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Nguồn tiếp cận corticoid của các bệnh nhân vô cùng đa dạng. Người ta tự ra tiệm thuốc mua bôi trực tiếp, người theo công thức rỉ tai, tự trộn kem bôi mặt, thậm chí corticoid còn vào cơ thể thông qua đường uống, truyền dịch. Hiện nay có những cơ sở thẩm mỹ, để thuyết phục khách hàng, họ đã pha thêm corticoid vào các mỹ phẩm để làm trắng da mạnh thỏa được thị hiếu của khách hàng. Corticoid tồn tại cả trong các mỹ phẩm thương hiệu nổi tiếng bị làm nhái hoặc làm giả. Hiện nay, không ít thuốc đông y “giả mạo” mà nhiều người từng biết và có khi sử dụng nhầm, được quảng cáo có tác dụng “mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ…”. Trên thực tế, các thuốc đông y “giả mạo” này đều có chứa corticoid, tạo ra những tác dụng trước mắt như: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết do tác dụng giảm đau, chống viêm, chống dị ứng của corticoid. Nói chung, cần tránh các sản phẩm không nhãn mác; các loại kem dưỡng da lợn cợn, có mùi hăng hắc hoặc thơm nồng nặc vì chúng thường được sản xuất từ các nguyên liệu không rõ xuất xứ, nhập lậu có phẩm cấp thấp. Cần loại trừ cả những sản phẩm có bao bì in lem nhem, thủ công, thông tin không rõ ràng. Người dùng có thể trải nghiệm để kiểm tra. Cụ thể, nếu sử dụng sản phẩm mà thấy hiệu quả chỉ trong vài giờ, vài ngày thì tạm ngưng thử 3 – 5 ngày, nếu thấy da có dấu hiệu khô nhăn, đỏ, nổi mụn nhỏ li ti đỏ thì thử thoa lại. Nếu tình trạng da lại cải thiện nhanh chóng trong vài giờ đến một ngày thì có thể khẳng định chắc chắn sản phẩm đó có chứa corticoid. Nếu nghi ngờ nhiễm corticoid, người dùng có thể đi soi da vi thể, phóng đại bề mặt da từ 50 lần.
Tóm lại, corticoid là độc được mà hiện nay trên thực tế được bán rộng rãi dễ dàng không cần toa bác sĩ, đó chính là mối nguy hại lớn trong cộng đồng người tiêu dùng nhất là về dược phẩm và sau đó là về làm đẹp.
PV: Xin bác sĩ cho bạn đọc một lời khuyên sau trường hợp của cô Thạch Thị Tha R. vừa qua?
BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Qua chuyện này, mọi người thấy rõ là không nên tự ý ra nhà thuốc tây mua thuốc chống ngứa chống dị ứng mà không có toa bác sĩ. Mặt khác, người bán thuốc không được tư ý ra đơn thuốc và bán thuốc cho người dân tùy tiện nhất là các loại corticoid. Bệnh nhân có bệnh cần đến khám với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng thuốc thì bệnh được chữa lành đúng cách và mới an toàn cho sức khỏe người bệnh. Và nhân đây, giới y bác sĩ cũng cần có một lời đề nghị với cơ quan chức năng về việc quản lý chặt thuốc corticoid vì là độc dược cần phải bán thuốc theo toa bác sĩ.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Các thể viêm da corticoid:
– Thể viêm da kích ứng: rất nặng và cấp tính do dùng các loại corticoid mạnh và độc tính cao. Triệu chứng là đỏ da kèm theo nóng rát, ngứa da, da khô bong tróc dày từng mảng sần sùi, sẩn đỏ khắp mặt, mụn nước.
– Thể viêm da tăng tiết nhờn và nổi mụn: viêm da dai dẳng, kéo dài và nổi mụn giống như mụn trứng cá. Triệu chứng là da đổ nhờn, nổi mụn đầu trắng – đầu đen, mụn đầu trắng chìm dưới da, mụn viêm, mụn mủ, da nhiều sẹo lõm và sẹo thâm.
– Thể đỏ da giãn mạnh kéo dài: viêm da nặng dai dẳng do bôi corticoid nguyên chất không pha trộn trong thời gian vài năm. Triệu chứng: da đỏ nóng rát phừng phừng, kèm theo sưng phù mặt, căng tức bên dưới da, châm chích da.
– Thể viêm da dạng phồng rộp: thể nặng, cấp tính, còn gọi là hội chứng Steven Johnson do nhiễm corticoid độc tính cao trên cơ địa dị ứng bẩm sinh. Da nổi phồng nước như phỏng…
– Thể khô da bong tróc: thể nhẹ, nhiễm corticoid loại độc tính thấp. Da khô sần từ nhẹ đến vừa có ngứa đi kèm hoặc không ngứa.
Nguyễn Tùng / Theo suckhoedoisong.vn