Tinh Hoa

Cô bé 12 tuổi khiến cả thế giới phải im lặng trong 6 phút giờ ra sao?

Tại Hội nghị Trái đất năm 1992, có một cô bé 12 tuổi đã làm cả thế giới im lặng với bài phát biểu về môi trường của mình… Và sau hơn 20 năm, cô bé với những lời nói nhỏ nhưng sức nặng ngàn cân vẫn kiên trì trên con đường mình đã chọn.


Những ngày này, ở Việt Nam đang rất nóng với vấn đề cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung đẹp và kỳ vĩ nhất đất nước vì lý do nghi ngờ bị chính con người đầu độc; hay như chuyện bầu không khí của thủ đô hiện đại bỗng dưng nhiễm thủy ngân khiến người già và trẻ nhỏ gần như không dám ra đường. Ai nấy đều cảm thấy hoang mang vô cùng bởi cho đến lúc này, từ chuyện không biết phải ăn gì đã chuyển thành nỗi băn khoăn không biết có nên… thở nữa hay không.

Giữa lúc nóng bỏng ấy, một vài tài khoản facebook bắt đầu truyền tay nhau lại một đoạn clip gây chấn động vào năm 1992. Đó là bài phát biểu của một cô bé 12 tuổi về những vấn đề môi trường. Qua lăng kính của một trẻ em, bài diễn thuyết ấy tuy ngắn nhưng cũng đủ làm cho cả thế giới phải “đứng hình”. Giờ đây, đã rất nhiều năm sau khi xuất hiện, cô gái ấy vẫn miệt mài theo đuổi lý tưởng của riêng mình.

Chỉ 6 phút thôi, nhưng ai xem cũng phải tự ngẫm lại mình

Năm 1992, cô bé Severn Cullis Suzuki người Canada khi ấy mới 12 tuổi, đã có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro, Brazil để nói lên những thiệt thòi mà thế hệ tương lai sẽ phải chịu vì hệ quả của ô nhiễm môi trường trầm trọng. Bài phát biểu khiến những người lãnh đạo hàng đầu của thế giới phải im lặng và cúi đầu nhận thấy những điều cô bé nói là một thực tế hiển nhiên không ai có thể chối cãi được.

Bài phát biểu đã có từ hơn 20 năm trước nhưng vẫn có sức nặng ghê gớm ở thời điểm hiện tại.

Tự thành lập một tổ chức trẻ em vì môi trường (ECO) khi mới 10 tuổi, hai năm sau đó lại cùng bạn bè quyên tiền trang trải mọi chi phí trải qua hành trình 8.000 km để tham dự hội nghị thượng đỉnh Trái đất đầu tiên, Severn Suzuki đã trở thành cái tên được nhắc đi nhắc lại cho đến mãi sau này về những vấn đề môi trường và ô nhiễm.

Không quá thể hiện cảm xúc bằng đôi mắt hay bàn tay, nhưng với giọng điệu quả quyết, có những lúc cô bé gần như cầu xin các đại biểu đã khiến cho không ít người phải rơi nước mắt vì xúc động. Trong đó có đoạn:

“Cháu sợ ra ngoài ánh nắng mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ozone. Cháu sợ hít thở không khí vì cháu không biết có những loại hóa chất gì trong đó. Mới vài năm trước cháu vẫn thường đi câu cá với bố ở quê Vancouver, còn bây giờ cháu thấy lũ cá với đầy tế bào ung thư”.

“Cháu đang đấu tranh cho tương lai của bản thân. Mất đi tương lai của mình không giống như thua một cuộc bầu cử, hay mất đi vài điểm trên sàn chứng khoán. Cháu ở đây để nói thay cho những đứa trẻ đang chết đói mà không ai nghe được tiếng khóc của chúng. Cháu ở đây để nói thay cho vô số loài động vật đang chết dần trên cả hành tinh này vì không có nơi nào để đi”.

Cô bé Severn Cullis Suzuki (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè mình tại Hội nghị Trái đất năm 1992. (Ảnh: Internet)

Đứa trẻ đó, người đã tổ chức bán hàng nướng, bán bông tai, vòng cổ làm bằng tay… nhằm mục đích “đi để được nói” đã phải thốt lên gần như tuyệt vọng rằng:

“Cháu chỉ là một đứa trẻ và cháu không biết hết mọi giải pháp, nhưng cháu muốn các cô chú hiểu rằng các cô chú cũng thế. Các cô chú không biết cách xử lý những lỗ thủng ở tầng ozone, không biết cách khiến cá hồi trở lại một con suối đã ngưng chảy, không biết cách hồi sinh một loài vật đã tuyệt chủng và cũng không thể mang lại những khu rừng ở những nơi giờ đây chỉ còn là sa mạc. Nếu các cô chú không biết cách khắc phục hậu quả thì xin đừng phá hoại thêm nữa!”.

Thực trạng của trái đất như thế nào, không ai là không biết’; việc nói ra cũng không phải là điều quá to tát nhưng vấn đề ở đây chính là việc những lời nói đanh thép được thốt ra từ miệng một cô bé mới 12 tuổi, cái tuổi trẻ em đang vui chơi, học tập theo những sở thích và thú vui của mình. Những Suzuki thì sao? Cô bé đã đề cập đến những vấn đề mang tính trọng đại và cấp thiết về ô nhiễm môi trường, kéo theo sự tuyệt chủng của các loài động vật, và hơn thế nữa là tình trạng nghèo đói và sự vô tâm của các quốc gia. Những thứ như vậy có phải người lớn nào cũng làm được hay không?

Những năm tháng miệt mài đóng góp cho môi trường

Vào thời điểm năm 2011, tên tuổi của Suzuki nổi lên như một hiện tượng sau khi đoạn clip 6 phút nói trên được công khai. Nói là làm, sau khi trở về từ hội nghị ở Rio de Janeiro, cô bé vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền không mệt mỏi nhằm góp công sức nhỏ bé của mình thay đổi cả thế giới.

Suzuki đã tham dự rất nhiều hội nghị để học hỏi, giao lưu và nêu lên hàng loạt quan điểm của mình về những điều cần sửa đổi, kèm hành động cần thực hiện. Bài phát biểu của cô tại các trường Đại học luôn được các sinh viên ủng hộ rất nhiệt tình và sau đó, cô luôn tổ chức những chương trình rất thiết thực để nâng cao tính hiệu quả của bài phát biểu.

Suzuki sau đó còn chủ trì cho một chương trình thiếu nhi có tên “Suzuki’s Natural Quest” (Nhiệm vụ thiên nhiên của Suzuki) để giáo duc giới trẻ thấu hiểu những vấn đề cấp thiết của môi trường với bản thân và xã hội.

Suzuki tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ vì môi trường chung của thế giới. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, cô bé ngày nào sau nhiều năm cũng nhận rằng lời nói của cô chỉ khiến cho các đại biểu tại hội nghị lặng người chứ không làm thức tỉnh được cả một thế hệ con người. Trải qua gần 20 năm, những thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường như vụ tràn dầu ở Mexico hay động đất sóng thần ở Nhật Bản, niềm tin sẽ có một ngày con người cùng chung tay bảo vệ trái đất đã lung lay.

Suzuki phát biểu trong một hội nghị tổ chức năm 2007. (Ảnh: Internet)

Với các nhà chức trách, những người cô đã từng tin là mình lay động được họ, giờ đây cô cho rằng họ chỉ chịu thay đổi những việc làm của mình khi bị xã hội thúc ép. Còn với những đứa trẻ, chúng ngày càng xa cách với thiên nhiên hơn: uống nước đóng chai, sử dụng những loại thực phẩm biến đổi gene, lái những chiếc xe đời mới… mà quên đi mẹ thiên nhiên của mình.

Trái đất vẫn đang bị tàn phá hàng ngày: diện tích rừng ngày càng thu hẹp do nạn chặt phá rừng, mưa axit nguy hiểm do khí thải gây ra, lớp băng ở Bắc Cực đang tan chảy vì hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến mực nước biển dâng cao… Và con người vẫn chưa có giải pháp đủ hiệu quả để cứu lại những cánh rừng, con sông, ngọn núi và những loài động vật.

Cách làm của Suzuki đã thay đổi theo chiều hướng tự thức của mỗi người. (Ảnh: Internet)

Vì đó, theo quan điểm đã thay đổi cùng thời gian của mình, cô tin rằng việc cứu cả thế giới không thể chờ sự lên tiếng từ những nhà chức trách mà phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Hàng loạt những dự án mà nổi tiếng nhất là Skyfish Project, đã được cô thành lập. Đến với Skyfish Project, những ai có cùng cái nhìn như Suzuki có thể đưa ra ý kiến của mình về những hành động kêu gọi mọi người chống lại việc tàn phá môi trường tự nhiên.

Suzuki giờ đã lấy chồng và sinh con. Cô hiện là bà mẹ của hai đứa con kháu khỉnh và yêu thiên nhiên. Cô thường dạy cho chúng những ý niệm về việc phải bảo vệ môi trường sống xung quanh mình hết mức có thể.

Hai cậu con trai của Suzuki luôn được mẹ dạy phải yêu thiên nhiên. (Ảnh: Internet)

Vào năm 2015, trong một bài phát biểu về việc thế giới cần hành động ngay lập tức, Suzuki đã nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang mất đi nhiều nhân lực, mà nhất là người trẻ bởi họ đang nghĩ rằng mình chẳng thể làm được gì trong khi mọi chuyện hoàn toàn có thể ngược lại. Chúng ta hoàn toàn có lựa chọn về lối sống chúng ta muốn, xã hội chúng ta muốn trở thành và giải pháp toàn diện cho những vấn đề đang nhức nhối”.

Cô tin rằng nếu mỗi người tự ý thức thay đổi bản thân thì chắc chắn, thế giới cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Đã gần 20 năm kể từ ngày Suzuki đứng trên bục nói lên suy nghĩ của mình. Bài phát biểu của cô vẫn được truyền tay như một tấm gương cho những người trẻ dám đứng lên, cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm cho thế hệ tương lai, vì một môi trường trong sạch.

Theo webtretho.com