Quy định về doanh nghiệp có thị phần khống chế được xem là sẽ khiến Viettel “bất lợi” trong cạnh tranh…
Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, gồm cả ba mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) “xin” Bộ Thông tin và Truyền thông để cả ba mạng viễn thông lớn Viettel, MobiFone và VinaPhone được “bình đẳng”, để doanh nghiệp này không còn phải… thống lĩnh thị trường!
Chịu ràng buộc Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 17/7 vừa qua, Phó tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn đã đề xuất Bộ xem xét bỏ quy định về doanh nghiệp có thị phần khống chế, bởi thị trường viễn thông thời gian qua phát triển rất nhanh, nên “quy định này không còn phù hợp”. Ông Sơn dẫn chứng, khi Viettel đi đầu tư ở thị trường nước ngoài, từ các quốc gia nghèo đến các những nước có GDP lớn hơn Việt Nam, Viettel hầu như không nhận được bất cứ sự ưu ái hay phân biệt nào tại các thị trường này, và phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn ngay từ đầu. Trong một diễn biến khác, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 15 sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT, về danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng, có hiệu lực từ 15/6/2015. Và theo đó, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, gồm cả ba mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet. Có thể xem đây là lý do cốt yếu để Viettel tiếp tục đề xuất Bộ thay đổi bỏ quy định về doanh nghiệp có thị phần khống chế, hay nói cách khác là thống lĩnh thị trường. Bởi, với những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, tức là chiếm trên 30% thị phần (Viettel hiện chiếm khoảng 52% thị trường), thì trước khi ban hành một mức giá cước nào đó, sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý trên cơ sở không được bán dưới giá thành, và dĩ nhiên phải được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý. Trong khi đó, các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế sẽ được quyền ban hành giá cước có thể thấp hơn cả giá thành, miễn là không quá thấp so với mức trung bình hiện có trên thị trường, đồng thời chỉ cần gửi thông báo cho Bộ biết về việc lưu hành gói cước. Quy định trên được xem là sẽ khiến Viettel “bất lợi” trong cạnh tranh, đặc biệt là trong việc ban hành các gói cước mới so với hai mạng đối thủ VinaPhone và MobiFone. Bộ nói không! Trước kiến nghị của ông Hoàng Sơn tại buổi họp sơ kết trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nói, Viettel đang là nhà mạng có thị phần dẫn đầu thị trường, sao lại kiến nghị xin được bình đẳng với các mạng nhỏ hơn? Theo ông Hải, nguyên tắc thì các nhà mạng lớn bao giờ cũng phải chịu sự quản lý chặt hơn. Trong khi đó, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với viễn thông là duy trì áp lực cạnh tranh, bởi thị trường viễn thông Việt Nam có được phát triển như hiện nay cũng là nhờ sớm mở cửa cho cạnh tranh. Vì thế, theo ông, nếu có một doanh nghiệp quá mạnh sẽ áp đảo hết đối thủ khác. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không chỉ chịu quy định của Luật Viễn thông mà còn phải tuân theo Luật Cạnh tranh. Ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông nói, tùy từng thời kỳ, căn cứ theo diễn biến của thị trường, Bộ sẽ ban hành danh mục các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, hoặc nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Hiện các văn bản pháp luật cũng quy định rõ về doanh thu, thị phần để đánh giá một doanh nghiệp có nằm trong nhóm thống lĩnh hay không. “Việc quyết định có đưa một doanh nghiệp hay không đưa một doanh nghiệp vào danh mục này không phụ thuộc ý chí chủ quan của Bộ”, ông Tâm nói. Tập đoàn Viettel chính thức trở thành doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh trên thị trường viễn thông Việt Nam… Con số cao nhất mà một công ty đạt được trong số các thị trường Viettel đã đầu tư… Sau VinaPhone, mạng di động Viettel chính thức “tham chiến” trên thị trường OTT… TỪ KHÓA
|
Theo VnEconomy