Mỗi ngày, các lò mổ ở làng Cao Hạ xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội “tiễn” đến vài trăm con chó về “chầu trời”, tính ra cũng phải 4-5 tấn thịt được đưa vào thị trường tiêu thụ.
Không chỉ thu mua chó khắp các tỉnh trong nước mà họ còn ra nước ngoài mua chó sống về thịt dần. Mấy năm trở lại đây, chủ lò không trực tiếp giết chó mà thuê người khác làm để tránh sát sinh, bởi họ sợ rước họa về nhà. Thực hư những lời đồn thổi về thuyết nhân quả, chó báo oán ở ngôi làng này còn nhiều điều khó tin.
Xuất ngoại “gom hàng”
Nhắc đến làng Cao Hạ, người dân quanh khu vực nghĩ ngay đến “đặc sản cày tơ bảy món”, bởi nơi đây có “lò mổ” chó lớn nhất miền Bắc. Hỏi người dân trong làng thì không ai biết rõ chính xác nghề làm thịt chó có từ bao giờ, chỉ biết rằng, làng Cao Hạ cách đây gần một thế kỷ đã có nghề bún, sau đó, mới chuyển sang nghề làm thịt chó. Và, kể từ đó, người dân nơi đây coi nghề làm thịt chó như một nghề gia truyền, đời ông cha làm, giờ lại đến lượt con cháu nối nghiệp.
Cụ Đặng Thị N. (89 tuổi) cho biết: “Khoảng hơn 50 năm về trước, lúc đó làng Cao Hạ mới chỉ có bốn nhà làm nghề thịt chó. Nhà tôi là một trong bốn nhà đó. Làng Cao Hạ vẫn có nghề bún, mọi người làm thêm, kiếm đồng ra đồng vào, còn chủ yếu vẫn trông cậy vào đồng ruộng và nuôi con lợn, con gà. Sau này, nghề thịt chó dần phát triển mới nhân rộng ra nhiều nhà như vậy”. Ban ngày, không khí trong làng khá im ắng và thỉnh thoảng mới có tiếng chó sủa ở một số “lò mổ” nuôi nhốt cả nghìn con, chờ sẵn trong chuồng để thịt dần. Từ nửa đêm về sáng, ngôi làng “đặc sản cày tơ” này hoạt động tấp nập, nhộn nhịp. Tại các “lò mổ” chó, điện thắp sáng trưng, tiếng đập chó ăng ẳng, tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng xe máy rộn rã của lái buôn về lựa thịt chó mang đi các tỉnh lân cận giao hàng.
Nghề giết mổ chó cứ thế phất dần lên, lượng đầu vào thu mua khắp các tỉnh trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, người Cao Hạ còn xuất ngoại sang các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Lào thu mua chó sống. Mỗi lần đi, họ đánh cả xe tải đầy chó về nuôi nhốt rồi thịt dần. Để có nguồn hàng luôn sẵn, chủ lò mổ lớn phải xây một khu chuồng trại ở ngoài cánh đồng hoặc ở nhà mình. Cả làng có mấy chục lò mổ nhưng chỉ có ba lò mổ lớn có qui mô, còn lại nhỏ lẻ, nhưng tính trung bình ở làng Cao Hạ mỗi ngày có khoảng 400 con chó bị hóa kiếp, tính ra đến cả 4-5 tấn chó được đem đi tiêu thụ. Vào thời điểm cuối tháng, con số này còn cao hơn nhiều, riêng lò mổ của ông C. trong làng có ngày giết hàng trăm con. Theo người dân ở đây, các quán thịt chó trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận chủ yếu từ các lò mổ ở làng Cao Hạ cung cấp.
Lò mổ nhà ông C. nằm sát con đường bê tông lớn, hàng trăm con chó sau hàng rào sắt hai lớp, người qua đường, chúng sủa inh ỏi. Chủ quán nước gần đó (đề nghị được giấu tên – PV) cho biết: “Sống gần những lò mổ chó lớn ầm ĩ và ô nhiễm không thể chịu được. Chó sủa ngày đêm, trước kia tôi không bị bệnh mà bây giờ có bệnh. Chúng tôi đã đề nghị lên các cấp chính quyền về việc các lò mổ gây ô nhiễm và việc nuôi nhốt cả nghìn con chó, khiến chúng tôi không thể ngủ được, gây ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Mấy năm gần đây, làng Cao Hạ “thay da đổi thịt” trông thấy, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhưng có một điều lạ khi chúng tôi đề cập đến nghề giết mổ chó, họ đều né tránh và không muốn nhắc đến “nghề sát sinh” của mình.
Năng đi lễ chùa để giảm “tội sát sinh”
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây công việc làm thịt chó, người làng Cao Hạ thường trực tiếp làm để tiết kiệm chi phí.
Sống ngót nghét gần một thế kỷ nên cụ Đặng Thị N. đã chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm ở làng. Bản thân cụ N. và nhiều người trong làng đã đoạn tuyệt với nghề mổ chó, nhưng vẫn còn những người phải theo nghề vì cơm áo, gạo tiền. “Tôi vẫn nhớ như in, như mọi ngày tôi lôi con chó ra để hai vợ chồng chuẩn bị làm thịt, chồng tôi cầm cái chày đập liên tiếp vào đầu con chó, nhưng nó không chết mà kêu ăng ẳng, tiếng kêu than nghe đáng sợ lắm. Chẳng hiểu sao, lần này ông ấy không nói năng gì mà vứt cái chày xuống sân và bảo: “Từ nay không làm cái “nghề sát sinh” này nữa, tàn nhẫn lắm”. Nghe ông ấy nói vậy, tôi cũng thấy phải và hai vợ chồng đồng ý bỏ nghề thịt chó từ đó. Còn người làng làm mỗi ngày một nhiều, lan rộng ra khắp làng, bởi nghề này so với các nghề khác cũng kiếm bộn tiền. Vợ chồng tôi chuyển sang nghề làm bún, phở, kinh tế không được dư giả lắm nhưng đầu óc nhẹ nhàng, thanh thản”.
Theo cụ N. “nghề sát sinh” này mang lại sự giàu có, nhưng hay gặp những điều chẳng lành. Đa phần họ giàu có, nhà cao cửa rộng lại nhiều đất đai, nhưng không biết có phải do họ sát sinh nhiều mà gia đình phải chịu hậu quả đáng tiếc. Cụ N. không tiện nói tên, vì cụ cho rằng, chuyện này tế nhị lắm. Gia đình có lò mổ chó lớn nhất làng, có hai thằng con trai thì chết một, chồng cũng mất. Chủ lò mổ khác, nhà có bốn đứa con trai, chết ba, chồng cũng mất và đứa cháu nữa là năm người. Nhiều chủ lò mổ khác, gặp những điều không may, ngoài chuyện chết chóc.
Cái chết mà người làng Cao Hạ đồn thổi nhiều là ông H., một chủ lò mổ lớn nhất làng bị chết bỏng trong vạc nước sôi nhúng chó để vặt lông. Chuyện kể rằng, một đêm ông H. cùng vợ và con dậy sớm thịt chó như thường nhật, đến khâu cuối cùng, chuẩn bị mổ bụng moi lòng thì mọi người tá hỏa thấy ông H. chết trong vạc nước sôi. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp như chồng bà C. khi cắm quạt điện để thui chó bị điện giật chết khi tuổi mới ngoài 40. Một câu chuyện về “sinh nghề tử nghiệp” đã xảy ra với gia đình ông L. một người làm thịt chó chuyên nghiệp bị mất mạng do bệnh dại. Trong một lần vô tình, ông L. vào chuồng bắt chó, bị một con chó dại đớp nhẹ vào tay, ông chủ quan không đi tiêm phòng, nào ngờ mấy ngày sau, người ta đã thấy gia đình báo tin buồn, ông L. qua đời. Một trường hợp nữa là chồng bà Đ., bây giờ giàu có lắm nhưng chồng đã mất vì một tai nạn giao thông. Chồng bà Đ. đi giao hàng, trời sáng mà xe máy của ông này đâm vào đuôi xe ô tô đỗ bên đường. Tất nhiên những câu chuyện trên được nghe kể lại có lẽ chỉ là sự ngẫu nhiên nhưng đáng để mọi người tự suy ngẫm…
Ông Đỗ Vĩnh Thịnh, thủ từ đình Lưu Xá, nằm ngay sát con đường vào làng Cao Hạ cho biết: “Nghề thịt chó là “nghề sát sinh” và tàn nhẫn, nhưng vì mưu sinh mà nhiều người đành chấp nhận. Các cụ đã có câu “nhân sát vật thì vô tội”, tức là người giết mổ con vật thì không có tội, nhưng một năm giết hại vô số động vật mà nhiều năm liên tục thì những điều không hay ập đến sẽ khó tránh khỏi. Bởi vậy, người làm nghề này, thường xuyên đi lễ chùa mong phần nào giảm “tội sát sinh” của mình, tránh “nghiệp chướng” sau này. Hơn nữa, có câu “khuyển mã chi tình” hay “chó không chê chủ nghèo”, mang ý nghĩa loài chó rất trung thành và gần gũi với con người, do đó nhiều nước trên thế giới phản đối gay gắt việc ăn thịt và giết hại loài vật này”.
Theo Người đưa tin