Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của chính quyền Trump hôm 9/6 đã gọi đại dịch virus corona là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của ông, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống lại sự lây lan của nó còn lâu mới kết thúc, theo Fox News.
“Chỉ trong 4 tháng, nó đã tàn phá cả thế giới. Và nó vẫn chưa kết thúc”, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, phát biểu tại một hội nghị do Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học tổ chức.
Vị chuyên gia giải thích mặc dù ông biết trước một dịch bệnh kiểu này sẽ xảy ra, nhưng điều bất ngờ là nó lây lan quá nhanh. “Một căn bệnh truyền nhiễm mạnh thường mất 6 tháng đến 1 năm để lan ra khắp thế giới, còn COVID-19 chỉ mất 1 tháng”, ông lưu ý.
Bác sĩ Fauci nói thêm vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ xung quanh virus corona, như cách chúng lây lan và tác động đến cơ thể. Theo ông, Covid-19 phức tạp hơn nhiều so với HIV, một loại virus mà ông đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu.
Nguyên nhân là do căn bệnh này có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ người mang mầm bệnh không có triệu chứng đến những bệnh nhân nặng, hay tử vong.
Bệnh nhân có thể bị tổn thương phổi, kích hoạt miễn dịch quá mức, tắc mạch máu và thậm chí gây ra đột quỵ ở người trẻ. Ngay cả trẻ em cũng có thể bộc phát hội chứng viêm hết sức nguy hiểm.
“Chúa ơi, khi nào thì chuyện này mới kết thúc? Chúng ta vẫn hiểu biết rất ít về căn bệnh này”.
Theo bác sĩ Fauci, vắc-xin sẽ là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông hy vọng sẽ có nhiều nhà sản xuất vắc-xin thành công vì “chúng ta sẽ cần vắc-xin cho cả thế giới, hàng tỷ và hàng tỷ liều”, ông nói.
Lời cảnh báo của bác sĩ Fauci, được đưa ra trong bối cảnh các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đang tiếp tục dần mở cửa, và các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd không ngừng lan rộng.
Trước đó hôm 25/5, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan cũng cho biết thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng bùng phát virus Vũ Hán đầu tiên. Nó có thể quay trở lại vào cuối năm nay tại những nơi đợt dịch đầu đã lắng xuống. Ông cảnh báo có khả năng tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng trở lại nhanh hơn nếu các biện pháp ngăn chặn đợt dịch đầu được dỡ bỏ quá sớm.
Theo thống kê của trang Worldometers, dịch viêm phổi Vũ Hán hiện đã lây lan ra 213 quốc gia trên thế giới, khiến hơn 7,3 triệu người nhiễm bệnh, trong đó hơn 414.000 người tử vong. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với hơn 2 triệu người nhiễm, trong đó hơn 114.000 người tử vong.
Thùy Linh (t/h)