Khi cải tiến được tầm xa tên lửa JL-2, tàu ngầm Trung Quốc có thể tấn công vào nước Mỹ mà không cần phải ra khỏi “pháo đài” Biển Đông.
Trong nhiều tháng qua, các hoạt động xây đảo nhân tạo và cơ sở quân sự phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến Mỹ và nhiều nước châu Á quan ngại và đề cao cảnh giác. Theo các chuyên gia phân tích quân sự và an ninh, những gì đang diễn ra bên dưới mặt nước Biển Đông cũng đáng lo ngại không kém. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã xây dựng được một hạm đội tàu ngầm hạt nhân mạnh được trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa, và theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang nhăm nhe biến Biển Đông thành một “pháo đài” an toàn dưới nước, nơi số tàu ngầm của họ sẽ khó bị phát hiện. Một công trình xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học New South Wales (Úc) nhận định: “Biển Đông là nơi rất tốt để Trung Quốc che giấu hạm đội tàu ngầm của mình. Vùng biển này có nơi sâu đến hàng ngàn mét, với nhiều rãnh núi ngầm bên dưới, giúp tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn nấp mà không bị phát hiện”. Mặc dù Trung Quốc vừa tuyên bố đã “hoàn thành” các dự án xây đảo phi pháp, tuy nhiên ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trên đảo này, trong đó có các cơ sở quân sự, một động thái được ông Russel gọi là “đáng quan ngại”. Phát biểu trong một buổi báo cáo ở Washington, ông Russel nói: “Việc quân sự hóa những hòn đảo đó đi ngược lại mục đích giảm căng thẳng. Đó là lý do chúng tôi liên tục hối thúc Trung Quốc ngừng hoạt động xây đảo, chấm dứt việc xây dựng các công trình, và không quân sự hóa các hòn đảo phi pháp ở Biển Đông”. Còn dưới đáy biển, Giáo sư Thayer cho rằng Bắc Kinh coi Biển Đông là một “tài sản chiến lược” bởi nó trấn giữ sườn phía nam của nước này, trong đó có căn cứ tàu ngầm bí mật trên đảo Hải Nam. Tại căn cứ này, hải quân Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều đường hầm dưới nước để che giấu tàu ngầm, trong đó có cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc
Với chính sách không tấn công hạt nhân trước của mình, Trung Quốc ưu tiên phát triển tàu ngầm bởi chúng ít bị tổn thương hơn trong đòn tấn công phủ đầu so với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên mặt đất hay máy bay ném bom hạt nhân chiến lược. Thế nhưng một trong những điểm yếu chết người của tàu ngầm Trung Quốc là độ ồn khá lớn, khiến chúng rất dễ bị đối phương phát hiện, bởi vậy tàu ngầm Trung Quốc “không có cửa” để xâm nhập sâu vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, nếu tàu ngầm chỉ nằm yên ở Biển Đông, chúng sẽ không bị phát hiện, nhưng tên lửa đạn đạo tầm xa JL-2 hiện trang bị trên các tàu ngầm này không đủ sức để vươn tới đất liền nước Mỹ, khiến Trung Quốc khó có thể phản công bằng tên lửa hạt nhân trong trường hợp bị tấn công. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực nâng tầm xa của tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm, và khi đó, các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ coi Biển Đông là một “pháo đài tàu ngầm”, nơi họ có thể phóng tên lửa đạn đạo tới tận lãnh thổ nước Mỹ mà không cần phải di chuyển tàu ngầm ra khỏi “pháo đài”. Tàu ngầm Trung Quốc phóng tên lửa JL-2 từ dưới đáy biển
Giáo sư Bernald Cole, cựu hạm trưởng Hải quân Mỹ hiện đang công tác tại Đại học Chiến tranh Quốc gia nhận định: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược pháo đài ngay ở Biển Đông”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng tính khả thi của chiến lược này phụ thuộc rất lớn vào khả năng cải tiến tầm bắn tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh. Tới năm 2014, Trung Quốc đã có 56 tàu ngầm tấn công nhanh, trong đó có 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Họ cũng có ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, và đang có kế hoạch bổ sung thêm 5 chiếc nữa trong thời gian tới. Trong một cuộc họp ở Washington hồi tháng Tư vừa qua, Đô đốc William Gortney, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ đã bày tỏ quan ngại về chiến lược tàu ngầm của Trung Quốc. Ông nói: “Khi một quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân và đưa ra những phương tiện phóng có thể tấn công nước Mỹ, đó là lúc tôi cảm thấy lo ngại”. |
Theo Dân Việt