Trong khi “người láng giềng” Trung Quốc đã ghi nhận hơn 3.200 ca tử vong vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), chính phủ Triều Tiên lại khẳng định quốc gia họ vẫn chưa xuất hiện bất cứ một ca lây nhiễm nào. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng tuyên bố của Bình nhưỡng là phi thực tế, theo Daily Mail.
Gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết nhờ vào chính sách kiểm soát nghiêm ngặt: cách ly 30 ngày, đóng cửa biên giới và đình chỉ thương mại với Trung Quốc nên hiện Triều Tiên vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm dịch bệnh nào.
Các lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định quốc gia họ đã có thể khống chế được dịch bệnh bằng cách chiến đấu hết mình “vì sự sống còn của đất nước”. Quan chức Bình Nhưỡng cho hay họ không phát hiện bất kỳ ca dương tính nào với virus Vũ Hán trong hơn 5.400 đối tượng bị cách ly.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng đây thực chất chỉ là một vỏ bọc “ngụy trang.”
Bà Jung H.Pak, một cựu chuyên gia CIA về Triều Tiên nhận định: “Không thể có chuyện Triều Tiên không có bất kỳ một ca lây nhiễm COVID-19 nào”. Bà cho rằng khẳng định phi thực tế của ông Kim Jong-un là nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề về kinh tế, các hành vi tội ác và vi phạm nhân quyền trên đất nước này.
Ông Robert Abrams, một tướng chỉ huy của Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, chỉ ra rằng các hoạt động quân sự thiếu tính linh hoạt tại Triều Tiên dạo gần đây là một dấu hiệu cho thấy virus corona chủng mới khả năng đã xâm nhập vào quốc gia này.
“Triều Tiên là quốc gia luôn bế quan tỏa cảng, tách biệt với thế giới bên ngoài nên chúng ta không thể khẳng định dứt khoát liệu quốc gia họ có người bị lây nhiễm COVID-19 hay không, tuy nhiên chúng tôi chắc chắn Triều Tiên có ca nhiễm”, ông Abrams chia sẻ.
“Điều mà tôi biết là họ đã phong tỏa và cách ly lực lượng quân đội trong khoảng 30 ngày và mới bắt đầu huấn luyện trở lại trong thời gian gần đây. Một ví dụ nữa chính là họ đã không cất cánh chuyến bay nào trong suốt 24 ngày qua”.
Trước đó hôm 9/3, trang Business Insider, ấn bản tiếng Pháp cũng đã trích thông tin từ tờ Daily NK tại Hàn Quốc tiết lộ từ tháng Giêng đến tháng Hai vừa qua, đã có 180 binh sĩ Bắc Triều Tiên bị thiệt mạng vì virus corona. Và để ngăn dịch lây lan, chính quyền Bình Nhưỡng đã gửi thêm 3.700 người vào trại cách ly.
Thông tin này phù hợp với nguồn tin được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap tiết lộ, theo đó Bắc Triều Tiên đã cách ly gần 10.000 người vì lo ngại virus corona lây lan, nhưng sau đó đã thả gần 4.000 người không có triệu chứng. Bình Nhưỡng không cung cấp thông tin nào về tình hình dịch bệnh tại Bắc Triều Tiên, mà chỉ khẳng định rằng đất nước này vẫn trong tình trạng miễn nhiễm.
Một số chuyên gia cho rằng vấn nạn suy dinh dưỡng của người dân Triều Tiên có thể sẽ là nhân tố góp phần làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Sức đề kháng của họ đã bị suy yếu vì cơ thể không được hấp thụ đủ dinh dưỡng cần thiết. Nhưng dù số ca lây nhiễm thực tế tại Triều Tiên là bao nhiêu thì cũng không bất ngờ bằng việc một chế độ độc tài, đàn áp người dân lại có thể khống chế sự lây lan của bệnh dịch.
Ông Thomas Byrne, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Korea Society, hiện đang là giảng viên về các vấn đề quốc tế tại ĐH Columbia, đã chia sẻ với tờ Bloomberg như sau: “Không có một chính sách nào về nhân quyền hay quyền tự do xã hội tại Triều Tiên, họ cũng chẳng quan tâm nếu người dân có chết đói hay không nên việc họ xử lý được vấn đề về giữ khoảng cách an toàn tại nơi công cộng là có khả năng.”
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cũng đã bày tỏ quan ngại về khả năng dễ mắc phải các loại bệnh có mức độ lây nhiễm nhanh của người dân Triều Tiên: “Chính quyền Mỹ quan tâm sâu sắc đến khả năng dễ bị lây nhiễm Covid-19 của người dân Triều Tiên”.
Trong khi đó, Hàn Quốc lại nhận được sự ca ngợi vì khả năng tích cực trong chiến dịch khống chế dịch bệnh Covid-19. Mức độ lây nhiễm của dịch bệnh tại quốc gia này đã có dấu hiệu chậm dần và tổng số ca lây nhiễm đang dừng lại ở con số khoảng 8.300 ca.
Quốc gia láng giềng này của Triều Tiên đã thực hiện chẩn đoán hơn 250.000 ca tình nghi nhiễm bệnh, tức là cứ 200 người sẽ có 1 người thuộc dạng tình nghi. Hiện Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng đang áp dụng phương thức chẩn đoán như Hàn Quốc nhằm thu lại được hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Tính tới 6h sáng 19/3, toàn thế giới ghi nhận 218.557 ca nhiễm virus corona mới, trong đó có 8.940 ca tử vong. Số ca nhiễm virus và tử vong đã tăng vọt ở nhiều nước châu Âu, trong đó Italy ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất với 35.713 ca, tiếp đến là Iran với 17.361 ca và Tây Ban Nha với 14.769 ca.
Huy Hoàng (Theo Daily Mail)