Tinh Hoa

Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc nói về vắc-xin: Trước đây chúng ta đã quá lạc quan

Gần đây, Chung Nam Sơn, một chuyên gia dịch tễ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người vừa được trao “Huân chương Cộng hòa” trong đại hội tuyên dương chống dịch đã nói rằng, mọi người đã “quá lạc quan” khi nghĩ rằng sẽ có vắc-xin trong năm nay.

Việc Tập Cận Bình trao tặng “Huân chương Cộng hòa” cho Chung Nam Sơn (thứ hai từ phải qua) tại cuộc họp khen thưởng “chống dịch” đã gây tranh cãi. (Ảnh: Getty Images)

Theo tin tức tổng hợp từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, Chung Nam Sơn đã có một bài phát biểu thông qua video tại “Diễn đàn Sức khỏe, đời sống và khoa học Toàn cầu” ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 18/9. Ông cho biết, trước đây, ý tưởng để quần chúng tự nhiên lây nhiễm sau đó sản sinh ra miễn dịch quần thể là quá tốn kém và sẽ gây ra nhiều ca tử vong, ý tưởng hiện tại là tạo miễn dịch cho quần thể thông qua việc tiêm phòng hàng loạt, nhưng quá trình này đòi hỏi phải có thời gian, trước đây chúng ta đã quá lạc quan khi cho rằng sẽ có vắc-xin trong năm nay.

Tuyên bố trên của Chung Nam Sơn có nghĩa là cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa phát triển thành công vắc-xin liên quan, nhưng điều đáng chú ý là ĐCSTQ đã tiêm chủng cho hàng chục nghìn người bằng loại vắc-xin vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, các chuyên gia cảm thấy lo ngại về tính an toàn của nó.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin vào ngày 16/9, Trung Quốc đã khởi động kế hoạch sử dụng vắc-xin khẩn cấp vào tháng 7, tiêm chủng cho một số người bằng ba loại vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm, do công ty con của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (China National Pharmaceutical Group) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac Biotech niêm yết tại Mỹ phát triển. Trước đó, một loại vắc-xin khác do “CanSino Biologics Inc 6185.HK” phát triển đã được phê duyệt để sử dụng trong quân đội Trung Quốc vào tháng 6.

Các hành động nêu trên của ĐCSTQ rõ ràng là có ý định bảo vệ các nhân sự chủ chốt và giảm nguy cơ tái phát đại dịch. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, mục đích chính của ĐCSTQ là đi đầu trong việc nắm giữ thị trường vắc-xin quốc tế, giống như “ngoại giao khẩu trang” của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn những rủi ro rất lớn đối với người sử dụng vắc-xin.

Sự lây lan liên tục của virus Vũ Hán đã khiến hơn 950.000 người chết trên toàn thế giới. Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, nhưng ĐCSTQ đã háo hức tổ chức một cuộc họp tuyên dương “chống dịch” tại Đại lễ đường Bắc Kinh vào ngày 8/9 và tuyên dương 1.499 cá nhân bao gồm Chung Nam Sơn và Đồng Triêu Huy. 500 tập thể bao gồm bệnh viện Kim Ngân Đàm, Vũ Hán, trong đó Chung Nam Sơn đã được trao tặng “Huân chương Cộng hòa.”

Việc Chung Nam Sơn và những người khác được khen thưởng đã khiến cư dân mạng chỉ trích, “Người Vũ Hán xác chất thành núi máu chảy thành sông, để đổi lấy một đống vòng cổ!”; “Dịch bệnh đã hết chưa? Đã phát triển được vắc-xin chưa? Quốc gia đã đền bù cho các nạn nhân chưa? Các quan chức che giấu dịch bệnh đã bị xử lý chưa? Vậy mà… tiệc mừng công trạng lại được tổ chức ồn ào rầm rộ!”.

Dương Chiêm Thanh, một nhà hoạt động phúc lợi công cộng tham gia “Nhóm cố vấn pháp lý về khiếu nại đòi bồi thường vì viêm phổi Vũ Hán” nói với tờ Epoch Times rằng, Chung Nam Sơn can tâm tình nguyện hợp tác với những người có quyền lực để lập công, nhưng không phải là “công thần” của quốc gia hay nhân dân, vào thời kỳ đầu khi dịch bệnh bùng phát, họ đã tham gia vào nhiều chuyện mờ ám mà dân chúng vốn không hề hay biết, nếu mọi thứ được công khai, thì họ có lẽ sẽ là tội đồ của đất nước và nhân dân.

Cũng có thông tin cho rằng, ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển vắc-xin phòng virus Vũ Hán, đồng thời đưa ra cam kết cung cấp vắc-xin cho một số quốc gia, với hy vọng thông qua vắc-xin có thể thay đổi sự suy giảm vị thế của chính mình trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về các vấn đề an toàn của vắc-xin ở một số quốc gia nhận được hỗ trợ vắc-xin của Trung Quốc.

Tờ New York Times đưa tin, ĐCSTQ hy vọng sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 500 công nhân trong một nhà máy xi măng ở Nepal, nhưng các chính trị gia địa phương đã công khai đặt câu hỏi về tính an toàn và thiếu minh bạch của vắc-xin Trung Quốc, và điều này đã gây ra những nghi ngờ ở Ấn Độ.

Diêm Lệ Mộng, một cựu chuyên gia về virus và miễn dịch học tại Đại học Hồng Kông, người đã đào thoát đến Mỹ, cô tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với “Bannon’s War Room” vào ngày 25/8 rằng, nhiều người ở Trung Quốc đã được tiêm phòng virus Vũ Hán, sau đó xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng nên phải đến bệnh viện Bắc Kinh để điều trị.

Một loại vắc-xin sản xuất ở Trung Quốc trước đây đã được phê duyệt để sử dụng trong Quân đội ĐCSTQ. Vắc-xin được phê duyệt có tên gọi “Vắc-xin coronavirus mới tái tổ hợp (adenovirus vector) (Ad5-nCoV)” do Công ty TNHH Cansino Biologics và Viện Kỹ thuật Sinh học, Học viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự hợp tác phát triển.

Vào ngày 22/5, một bài báo trên tạp chí y khoa quốc tế “The Lancet” cho biết, gần một nửa số người tiêm vắc-xin này bị các phản ứng phụ, bao gồm 46% sốt, 44% mệt mỏi, 39% đau đầu và nhìn chung khoảng 9% những người được tiêm chủng xảy ra hiện tượng các hoạt động vận động bị trở ngại.

Hà Phương Mỹ, phụ huynh của các nạn nhân của vắc-xin virus độc hại ở Hà Nam mới đây cho biết, vắc-xin virus Vũ Hán do Trung Quốc sản xuất đã được thử nghiệm và tung ra thị trường, giá là 1.000 Nhân dân tệ cho hai mũi tiêm, người tiêm chủng phải ký một thỏa thuận bảo mật, vắc-xin này được sản xuất bởi hai công ty là Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán và Sinovac Biotech Bắc Kinh.

Hà Phương Mỹ còn cho biết, những đứa trẻ trong gia đình cô đã bị tàn tật vì vắc-xin của hai công ty này, vấn đề của bọn trẻ vẫn chưa được giải quyết, vậy mà họ vẫn sản xuất vắc-xin virus Vũ Hán, còn bắt phải ký một thỏa thuận bảo mật.

Hà Phương Mỹ chất vấn, một người khỏe mạnh tiêm phòng virus Vũ Hán sau đó lại bị nhiễm virus Vũ Hán thì sẽ ra sao? Bởi vì một số trẻ em đã được tiêm vắc-xin để phòng bệnh bại liệt, kết quả là chúng lại bị mắc bệnh bại liệt.

Minh Huy (Theo NTDTV)