Akio Yaita, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun, Nhật Bản, tác giả của cuốn sách “Sự thật về Giải phóng quân Nhân dân” đã tiết lộ rằng, ĐCSTQ gần đây đã học được cách mà Nga đã thôn tính Crimea vào năm 2014 và muốn khởi động một cuộc “chiến tranh hỗn hợp” với Đài Loan.
Ông kiến nghị với Đài Loan, đối diện với mối đe dọa từ ĐCSTQ, việc tích cực tham gia cộng đồng quốc tế là an toàn nhất. Trong một thời gian dài, ĐCSTQ đã cố gắng cô lập Đài Loan trên cộng đồng quốc tế và cuối cùng “giải phóng” Đài Loan với lý do “việc trong nước”.
Đài Loan đã phòng dịch viêm phổi Vũ Hán rất xuất sắc. Yaita đã nhiều lần tán thưởng trên các chương trình thời sự rằng, Đài Loan đã tích cực trao đổi kinh nghiệm và quyên tặng các vật tư phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng quốc tế. “Để bảo vệ chính mình, Đài Loan nên tăng cường sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, thay đổi địa vị quốc tế của mình”.
Một luận điệu phổ biến trong nội bộ Đài Loan khi nói về việc không muốn kích động ĐCSTQ là ‘sợ rằng quân giải phóng sẽ đánh sang’. Yaita nói rằng: “Đây là một lập luận sai lầm”. Việc ĐCSTQ có sử dụng quân đội trong đối ngoại hay không từ trước đến nay vẫn luôn phụ thuộc vào yêu cầu chính trị nội bộ.
Theo quan sát của Yaita, lịch sử sử dụng quân đội trong đối ngoại của ĐCSTQ luôn là nhu cầu chính trị nội bộ của chính họ, bất kể đối phương có hành vi kích động hay không. Cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 được khởi xướng bởi Mao Trạch Đông, người đã mất quyền kiểm soát nền kinh tế tại ‘đại hội 7.000 người’.
Cuộc chiến năm 1969 với Nga trên đảo Trân Bảo (Zhenbao) là khi Mao Trạch Đông muốn đánh bại Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, để cho Lâm Bưu tiếp quản và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của ĐCSTQ.
Cuộc tấn công vào Việt Nam năm 1979 là do cuộc đấu tranh quyền lực giữa Đặng Tiểu Bình và Hoa Quốc Phong, và Đặng muốn kiểm soát quân đội.
“Do đó, Giải phóng quân của ĐCSTQ từ trước đến nay đều là dựa vào cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ quốc gia, từ đó mà đưa ra quyết định có nên dùng quân đội trong đối ngoại hay không”, ông nói.
Nguồn gốc của Giải phóng quân Nhân dân ĐCSTQ là từ sự hợp nhất của Bát Lộ quân, Tân Tứ quân, Liên quân kháng Nhật Đông Bắc… từ năm 1946 đến năm 1947. Mao Trạch Đông tuyên bố tuyên ngôn Giải phóng quân Nhân dân vào năm 1947, trong đó nói về việc “Đánh bại Tưởng Giới Thạch”, “Đánh Trường Giang” và “Giải phóng toàn Trung Quốc”. Cho đến nay, ĐCSTQ tin rằng Đài Loan và biển Đông vẫn chưa được giải phóng, vì vậy Giải phóng quân vẫn cần tồn tại.
Giải phóng quân Nhân dân ĐCSTQ sẽ giải quyết vấn đề Đài Loan vào năm 2025?
Yaita suy đoán rằng, đối với các mục tiêu chiến lược trước mắt của chính quyền ĐCSTQ mà nói, ý đồ chiến lược của Giải phóng quân ĐCSTQ chính là muốn dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan.
ĐCSTQ sửa đổi Hiến pháp vào năm 2018 và đã bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, nghĩa là Tập Cận Bình có thể trở thành chủ tịch trọn đời của ĐCSTQ. Tập Cận Bình nói rằng, đến năm 2025 sẽ xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa.
Yaita giải thích, đối với quân đội Trung Quốc, cái gọi là “cường quốc” là khôi phục lại vùng đất đã mất, điều đó có nghĩa là tất cả các vùng lãnh thổ đều được giải quyết vào năm 2025, bao gồm đảo Điếu Ngư, Biển Đông và Đài Loan.
Phần lớn các học giả cố chấp từ “Thời báo Hoàn cầu” (Global Times) và Đại học Quốc phòng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự ĐCSTQ đều muốn giải quyết vấn đề Đài Loan trước tiên, nó phải được giải quyết trước năm 2025, và năm 2020 phải chuẩn bị xong để có thể dùng vũ lực thống nhất Đài Loan.
“Giải phóng quân ĐCSTQ là quân đội riêng của người lãnh đạo tối cao”
Một đoạn nổi bật trên trang bìa của cuốn sách “Sự thật về Giải phóng quân Nhân dân” của Yaita có câu: “Họ không phải là quân đội Trung Quốc, mà là quân đội riêng của nhà lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ!”; “Giải phóng quân Nhân dân ĐCSTQ là quân đội riêng của nhà lãnh đạo tối cao”.
Yaita giải thích rằng, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ Tập Cận Bình sau khi sửa đổi Hiến Pháp thì có mục tiêu ‘cường quốc’, mục tiêu thứ nhất là ‘toàn vẹn’ lãnh thổ, việc này là có áp lực về thời gian và tiến trình.
Trong số đó, vấn đề Đài Loan được ĐCSTQ cho là dễ giải quyết nhất và ĐCSTQ có thể giải quyết nó như một vấn đề trong nước.
Ông nhận xét, Tập Cận Bình đã công tác ở tỉnh Phúc Kiến trong 17 năm và biết rất rõ vấn đề Đài Loan. Đối với vấn đề Đài Loan, một mặt quân đội ĐCSTQ đang chuẩn bị cho cuộc chiến theo phong cách bãi biển truyền thống, nhưng Mỹ và Nhật Bản rất có thể sẽ can thiệp, và rất khó để hoàn thành nếu có sự can thiệp của quốc tế. Do đó, ĐCSTQ muốn làm theo cách Nga thôn tính Crimea năm 2014.
Sự kiện Nguyên Lãng ở Hồng Kông chính là để diễn tập trước
Yaita tiết lộ, chính quyến Tập Cận Bình gần đây đã biết về “chiến tranh hỗn hợp” của Nga, không chỉ dựa vào các cuộc chiến vũ khí truyền thống, mà còn phát động các cuộc chiến thông tin để truyền bá tin tức giả, sử dụng băng đảng xã hội đen để gây rắc rối và tạo ra sự hỗn loạn xã hội lớn, Giải phóng quân ĐCSTQ đã được xuất binh để trấn áp với lý do “khôi phục trật tự”.
Yaita suy đoán, “Sự kiện bạo lực ở Nguyên Lãng ngày 21/7/2019” do phần tử xã hội đen Hồng Kông gây ra là một cách mà ĐCSTQ dùng để diễn tập. Sáng sớm tinh mơ vào ngày 29/8/2019, nhiều người dân Hồng Kông đã chứng kiến những chiếc xe xếp hàng chở Giải phóng quân Nhân dân ĐCSTQ đi qua trạm kiểm soát Hoàng Cương tại giao giới giữa Thâm Quyến và Hồng Kông.
Để sử dụng chiến thuật “chiến tranh hỗn hợp” đối với Đài Loan, trước hết ĐCSTQ phải cô lập Đài Loan, ngăn không cho Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế và cản trở Đài Loan quan hệ ngoại giao với các nước khác. Bằng cách này, việc hợp nhất Đài Loan đã trở thành một vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và rất khó để cộng đồng quốc tế can thiệp.
Do đó, Yaita kiến nghị chính quyền Đài Loan nên tích cực gia nhập vào xã hội quốc tế, tăng cường các hoạt động giao lưu với quốc tế, xoay chuyển địa vị quốc tế của Đài Loan, chỉ như vậy mới có thể giảm nguy cơ ĐCSTQ dùng vũ lực đối với Đài Loan.
Minh Huy (Theo Epoch Times)